Dự án phát triển eSAF (nhiên liệu hàng không bền vững được sản xuất bằng cách sử dụng các nguồn năng lượng tái tạo) cần huy động 15-20 tỷ euro (16-22 tỷ USD) vốn đầu tư đến năm 2030 để phát triển.
SkyPower là dự án do các CEO có uy tín trong ngành hàng không châu Âu hợp tác đầu tư, nhằm mục đích khai thác tiềm năng của eSAF. Dự án cần huy động 15-20 tỷ euro (16-22 tỷ USD) vốn đầu tư đến năm 2030. Mỗi năm sau đó, cần khoảng 3-5 tỷ euro để đạt quy mô sản xuất đủ lớn, nhằm đáp ứng yêu cầu pha trộn SAF.
Theo báo cáo, eSAF tạo ra ít hơn ít nhất 90% lượng khí thải nhà kính so với nhiên liệu hóa thạch Jet-A. Khác với hầu hết loại nhiên liệu hàng không bền vững (SAF), hiện tại, eSAF được sản xuất từ điện tái tạo, nước và khí CO2 thu trực tiếp từ không khí hoặc từ các điểm nguồn phát thải. Do đó, nó ít phụ thuộc vào các nguồn nguyên liệu đầu vào hơn.
Tuy nhiên, nhóm nghiên cứu cảnh báo rằng những lợi ích này có thể khó đạt được trong ngành vận tải hàng không toàn cầu do cơ sở hạ tầng cần thiết chưa sẵn sàng. Hiện nay, dù hai phần ba số dự án eSAF toàn cầu đang được lên kế hoạch tại châu Âu nhưng chưa có nhà máy nào nhận được khoản đầu tư đủ lớn để triển khai.
Dự án cần có trợ cấp từ chính phủ để tránh việc eSAF trở nên đắt hơn gấp 5-8 lần so với nhiên liệu Jet-A, khi tính cả chi phí trong hệ thống giao dịch phát thải của châu Âu. Chi phí này có thể giảm một nửa nếu các khoản đầu tư vào các nhà máy eSAF mới được triển khai kịp thời. Báo cáo kêu gọi hành động nhằm thu hẹp khoảng cách chi phí, hay còn gọi là “phí bảo hiểm xanh”, giữa eSAF và nhiên liệu Jet-A.
SkyPower nhận được sự ủng hộ từ các CEO của các hãng hàng không lớn như Tập đoàn hàng không Pháp - Hà Lan Air France-KLM và hãng hàng không giá rẻ lớn nhất nước Anh EasyJet, sân bay quốc tế Copenhagen (Đan Mạch) và hãng cho thuê máy bay riêng Victor. Ngoài ra, còn có sự hỗ trợ từ các tập đoàn năng lượng như Arcadia eFuels và SkyNRG, cùng các tổ chức tài chính như ING và Natixis Corporate & Investment Banking.
“Việc triển khai thành công kế hoạch hành động của SkyPower sẽ thay đổi căn bản bức tranh eSAF, tạo điều kiện cần thiết để đưa ra các quyết định đầu tư cuối cùng và đẩy nhanh công nghệ quan trọng này hướng đến hoạt động thương mại vào năm 2030”, CEO của Arcadia eFuels, bà Amy Hebert, cho biết.
Theo nhóm nghiên cứu dự án, các khoản đầu tư được kêu gọi có thể hỗ trợ thị trường eSAF trị giá 80 tỷ euro (khoảng 86,2 tỷ USD) chỉ riêng ở châu Âu vào năm 2050. Nếu thành công, nghiên cứu có thể đảm bảo khoảng 14 triệu việc làm trong ngành hàng không của châu lục.