EU không công nhận nhiên liệu có nguồn gốc từ cây trồng. Mỹ làm ngược lại.
Ngành công nghiệp sản xuất nhiên liệu hàng không bền vững (SAF) đang phát triển mạnh với sản lượng năm nay dự kiến đạt 1,5 triệu tấn, tăng gấp 3 lần năm ngoái. Song, nhà sản xuất và các hãng bay lại phải đối mặt với vấn đề lớn: Sự bất đồng trong khái niệm "nhiên liệu bền vững" của các cơ quan quản lý.
Trong hạn ngạch SAF triển khai năm 2025, Liên minh châu Âu (EU) loại bỏ nhiên liệu thô có nguồn gốc từ cây trồng như ngô, đậu nành, mía và bất cứ thứ gì có thể làm thực phẩm cho người hoặc làm thức ăn chăn nuôi.
Trong khi đó, Mỹ công nhận nhiên liệu sản xuất từ thành phần nêu trên. Chúng đủ điều kiện hưởng tín dụng thuế, miễn là đáp ứng một số yêu cầu nhất định.
Các nhà quản lý EU lo ngại việc đưa cây trồng vào sản xuất SAF sẽ dẫn đến nạn phá rừng làm nông trường. Khi nhu cầu SAF tăng mạnh trong thời gian tới, đất nông nghiệp có thể bị chuyển từ trồng cây phục vụ nhu cầu thực phẩm của con người sang trồng cây sản xuất nhiên liệu, qua đó đe doạ an ninh lương thực. Trong khi đó, phía Mỹ cho rằng nguyên liệu sản xuất SAF đến từ diện tích ngô sẵn có.
Lo ngại của EU là có cơ sở. Chẳng hạn, quan điểm phổ biến đều đồng ý dầu ăn đã qua sử dụng là một trong những nguồn nguyên liệu sản xuất SAF. Tuy nhiên, ở Anh gần đây tràn ngập nguồn cung dầu ăn, làm dấy lên nghi ngờ đó là dầu giả, tức dầu nguyên chất chưa bao giờ sử dụng để nấu ăn. Chính phủ Anh quyết định áp đặt giới hạn về số lượng SAF sản xuất bằng loại nguyên liệu này.
Hai bên cũng đang tranh luận về lượng khí nhà kính cắt giảm. Một đại diện của Ủy ban châu Âu (EC) cho biết cơ quan này nhất trí nhiên liệu sinh học cắt giảm được 65% khí nhà kính. Vị này cũng khẳng định hầu hết nhiên liệu sinh học được sản xuất từ cây lương thực và cây trồng làm thức ăn chăn nuôi đều không có khả năng đạt ngưỡng 65%. Do đó, Mỹ đã chọn mức thấp hơn là tối thiểu 50%.
Tín hiệu ở Mỹ là “đầu tư vào ngô và đậu nành”, trong khi cơ quan quản lý của EU thúc đẩy SAF tổng hợp từ carbon thu giữ được ở môi trường. Họ cố gắng tránh cạnh tranh giữa SAF và sản xuất thực phẩm. Những khác biệt này làm suy yếu đầu tư sản xuất SAF, bởi các cơ quan quản lý đang hướng nhà đầu tư theo những hướng khác nhau.
Trong bối cảnh bất đồng quan điểm giữa Mỹ và EU, các nhà sản xuất nhiên liệu, hãng hàng không và nhà đầu tư không biết nên rót tiền vào đâu. Họ là những người mắc kẹt ở giữa.
John Dees, nhà khoa học cấp cao về khử carbon của công ty quản lý Carbon Direct nhận định: "Đối với hãng hàng không và doanh nghiệp, mối bất đồng tạo ra sự miễn cưỡng khi tham gia thị trường. Họ không biết SAF có đủ tiêu chuẩn theo quy định hay không".
Các nhà sản xuất SAF cũng đang bối rối, thậm chí lao đao. Trong tháng vừa qua, công ty Fulcrum BioEnergy có trụ sở tại California - từng huy động được hơn 1 tỷ USD để tạo ra nhiên liệu sinh học từ rác thải sinh hoạt - đang đứng trên bờ vực phá sản.
Gevo, một công ty khởi nghiệp có số lượng SAF cam kết mua lớn nhất, đang phải đối mặt với nguy cơ bị hủy niêm yết khỏi Nasdaq vì cổ phiếu thấp dưới 1 USD trong liên tiếp 30 ngày.
LanzaJet, công ty khởi nghiệp sản xuất SAF từ ethanol cũng không tạo ra được lợi nhuận với hoạt động của mình.
Bắt đầu từ 2025, mọi chuyến bay cất cánh từ các nước thuộc EU phải sử dụng ít nhất 2% SAF trong tổng nhiên liệu. Tỷ lệ tăng lên tới 20% vào năm 2035.
Quy định này mang tên “ReFuelEU” áp dụng cho tất cả hãng hàng không hoạt động trong khu vực EU. Cuối cùng, ReFuelEU sẽ yêu cầu hỗn hợp nhiên liệu máy bay phải chứa một lượng nhiên liệu tổng hợp từ carbon thu giữ ở khí quyển.
Những người chỉ trích chính sách của châu Âu cho rằng với cách thức loại trừ nhiên liệu từ cây trồng và bắt buộc sử dụng nhiên liệu tổng hợp từ carbon thu giữ trong khí quyển, ReFuelEU chỉ khiến một sản phẩm quan trọng trở nên đắt đỏ hơn.
LanzaJet cùng Hiệp hội nhiên liệu tái tạo Mỹ và các doanh nghiệp sản xuất ethanol ở quốc gia này đã tham gia một vụ kiện để phản đối quy định ReFuelEU.
“Chúng tôi đang cố gắng thay đổi mọi thứ, biến nhiều ý tưởng thành hiện thực và giảm thiểu carbon. Những quy định khắt khe đến mức làm cho mọi thứ thành bất khả thi thật điên rồ và nực cười”, Patrick Gruber, Giám đốc điều hành của Gevo cho biết.
Nhiên liệu sinh học từ cây trồng không hoàn toàn bị phủ nhận ở EU. Mặc dù nó không được tính vào quy định, các hãng bay muốn đáp ứng mục tiêu cắt giảm khí thải nhà kính vẫn có thể sử dụng nó như một phần bổ sung.
Chẳng hạn, đến năm 2030, khi EU yêu cầu tất cả chuyến bay cần chạy bằng SAF tổng hợp 6%, hãng hàng không giá rẻ Ryanair của CH Ireland đặt mục tiêu 12,5% nhiên liệu tái tạo. Về lý thuyết, hãng có thể sử dụng hỗn hợp nhiên liệu gồm 6% tổng hợp và 6,5% SAF từ cây trồng.