Nhiên liệu bền vững (SAF) quan trọng đối với ngành hàng không trong mục tiêu đạt phát thải carbon ròng bằng không vào năm 2050. Việc áp dụng vào thực tế đến nay mới chỉ ở giai đoạn đầu.
Tập đoàn năng lượng hàng đầu Hàn Quốc GS Caltex cùng công ty giao dịch Nhật Bản Itochu và nhà sản xuất nhiên liệu hàng không bền vững (SAF) Neste vừa giao lô nhiên liệu đầu tiên của họ đến Nhật Bản để bán, Neste cho biết trong thông cáo ngày 19/9.
Nhiên liệu bền vững quan trọng đối với ngành hàng không nhằm đạt được mục tiêu mức phát thải ròng bằng không vào năm 2050. Reuters cung cấp cái nhìn tổng quan về các dự án và thỏa thuận SAF mới nhất tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương.
Hàn Quốc đặt mục tiêu đảm bảo tất cả chuyến bay quốc tế khởi hành đều sử dụng hỗn hợp khoảng 1% SAF từ năm 2027.
Theo thông tin từ Bộ Công nghiệp và Bộ Giao thông Hàn Quốc, 6 hãng hàng không của nước này, bao gồm hãng hàng không quốc gia Korean Air, bắt đầu hoặc có kế hoạch pha trộn 1% SAF vào nhiên liệu cho một tuyến bay quốc tế mỗi tuần, bắt đầu từ năm nay.
Công ty SK Energy thuộc Tập đoàn SK Innovation thông báo hoàn thành đơn vị sản xuất SAF vào ngày 11/9 và công ty này sẽ cung cấp nhiên liệu cho các chuyến bay chở khách của Korean Air.
GS Caltex của Hàn Quốc cung cấp lô hàng SAF đầu tiên, pha trộn với SAF nguyên chất từ Neste, đến Nhật Bản thông qua quan hệ đối tác với công ty giao dịch Itochu vào ngày 19/9.
Cục Hàng không dân dụng Đài Loan khuyến khích các hãng hàng không Đài Loan sử dụng tới 5% SAF trong chương trình nhiên liệu của hãng bắt đầu từ năm 2030, dù vẫn chưa có quy định bắt buộc.
Nhà chức trách hàng không Đài Loan cho biết nhà máy lọc dầu CPC sẽ nhập khẩu SAF vào nửa đầu năm sau.
Indonesia yêu cầu pha trộn 3% nhiên liệu sinh học vào năm 2020 cho nhiên liệu máy bay, nhưng việc triển khai hiện bị trì hoãn.
Vào tháng 6, Tập đoàn Pertamina thuộc sở hữu nhà nước của Indonesia công bố phiên đấu thầu mua SAF đầu tiên với kế hoạch giao vào tháng 8.
Indonesia thực hiện chuyến bay thương mại đầu tiên sử dụng nhiên liệu máy bay pha dầu cọ vào tháng 10/2023 sau khi thực hiện cuộc bay thử nghiệm từ Tây Java đến Jakarta.
Hồi tháng 2, Singapore công bố đặt mục tiêu đạt 1% SAF bắt đầu từ năm 2026 và có kế hoạch tăng lên 3-5% vào năm 2030 tùy thuộc vào diễn biến toàn cầu và mức độ sẵn có cũng như mức độ áp dụng SAF rộng rãi hơn trong tương lai.
Cục Hàng không dân dụng Singapore có kế hoạch áp dụng mức thuế SAF đối với việc mua nhiên liệu ở mức cố định, dựa trên mục tiêu SAF và giá SAF dự kiến tại thời điểm đó.
Vào tháng 5, Singapore Airlines Group đặt hàng 1.000 tấn SAF từ Neste, lần đầu tiên cung cấp nhiên liệu này cho các hãng hàng không tại sân bay Changi.
Trung Quốc chưa có quy định bắt buộc về SAF tính đến tháng 9, nhưng Cục Hàng không dân dụng nước này đã thành lập trung tâm kỹ thuật đầu tiên về SAF, tập trung vào việc thiết lập tiêu chuẩn và nghiên cứu sản phẩm vào tháng 7.
Tính đến tháng 9, New Zealand chưa có quy định bắt buộc về SAF.
Hãng hàng không Air New Zealand đã nhận lô hàng 500.000 lít SAF do nhà sản xuất nhiên liệu EcoCeres tại Trung Quốc sản xuất giao đến Wellington vào tháng 6, đây là lô hàng đầu tiên của hãng đến thủ đô nước này.
Theo lộ trình chuyển đổi năng lượng quốc gia năm 2023 của Malaysia, kế hoạch áp dụng quy định bắt buộc pha trộn SAF 1%, nhưng chưa nêu rõ thời gian cụ thể. Mục tiêu sẽ được nâng lên đến 47% vào năm 2050.
Công ty dầu khí nhà nước Malaysia Petronas và công ty Idemitsu Kosan Co. của Nhật Bản đã ký một thỏa thuận sơ bộ để hợp tác phát triển và phân phối SAF vào tháng 10/2023.
Ấn Độ đặt mục tiêu có 1% SAF trong nhiên liệu hàng không vào năm 2027, tăng gấp đôi vào năm 2028. Mục tiêu SAF ban đầu sẽ áp dụng cho các chuyến bay quốc tế.
Hồi tháng 6/2023, Tập đoàn Dầu khí Ấn Độ cho hay họ sẽ xây dựng một nhà máy SAF công suất 80.000 tấn mỗi năm tại Haryana, hợp tác với công ty sản xuất và công nghệ nhiên liệu hàng không bền vững LanzaJet (Mỹ). Công ty này đã hợp tác với công ty công nghệ sinh học LanzaTech để chuyển đổi khí thải thành ethanol để sản xuất nhiên liệu máy bay.
Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản cho biết nước này yêu cầu 10% nhiên liệu hàng không cho các chuyến bay quốc tế sử dụng các sân bay của Nhật Bản phải là nhiên liệu bền vững bắt đầu từ năm 2030.
Công ty Fuji Oil bắt đầu lên kế hoạch sản xuất bio-SAF với Itochu Corp. tại nhà máy lọc dầu Sodegaura vào tháng 5/2023.
Các hãng hàng không hàng đầu của Nhật Bản, All Nippon Airways (ANA) và Japan Airlines, mở rộng hoạt động mua SAF bằng cách bổ sung nguồn cung từ công ty giao dịch Itochu và nhà sản xuất Raven SR của Mỹ.
Các công ty khác đang tìm hiểu về hoạt động sản xuất SAF tại Nhật Bản bao gồm Mitsubishi, Boeing và TotalEnergies.
Hãng hàng không Cebu Pacific thực hiện chuyến bay từ Singapore đến Manila bằng nhiên liệu pha trộn 35% SAF từ Neste vào tháng 9/2022.
Hãng này đã ký kết quan hệ đối tác chiến lược dài hạn với công ty Shell Eastern Petroleum để cung cấp SAF rộng rãi hơn cho đội bay của hãng. Hiện, quốc gia này vẫn chưa có yêu cầu bắt buộc về SAF.
Hãng Qantas đã thành lập Liên minh nhiên liệu hàng không bền vững (Liên minh SAF) hợp tác với Australia Post, KPMG Australia, Macquarie Group, chi nhánh địa phương của Boston Consulting Group và Woodside Energy vào tháng 11/2022.
Vào tháng 3/2023, Qantas và Airbus cho biết sẽ cùng đầu tư 2 triệu AUD (1,34 triệu USD) vào một nhà máy lọc nhiên liệu sinh học đang được xây dựng tại bang Queensland của Australia để chuyển đổi các sản phẩm phụ từ nông nghiệp thành SAF. Hiện quốc gia này cũng chưa có quy định bắt buộc về SAF.
Trước đó, Tổ chức Hàng không Dân dụng Quốc tế (ICAO) kỳ vọng đạt mức phát thải ròng bằng không cho ngành hàng không vào năm 2050, giảm 5% lượng khí thải carbon vào năm 2030 bằng cách sử dụng những nguồn năng lượng sạch, thân thiện với môi trường.
Tuy nhiên, tại Hội nghị thường niên Hiệp hội Vận tải Hàng không Quốc tế (IATA) diễn ra tại Dubai hôm 4/6, IATA cho biết ngành hàng không có thể không đạt mục tiêu giảm 5% lượng khí thải carbon vào năm 2030. Nguyên nhân được xác định là do hoạt động sản xuất nhiên liệu hàng không bền vững (SAF) không đồng đều.