Việc mở rộng nhiên liệu hàng không bền vững (SAF) có thể gặp trở ngại đáng kể dưới thời Tổng thống đắc cử Donald Trump với những lo ngại về các khoản tín dụng thuế cần thiết để khởi động lĩnh vực này.
Nhiên liệu bền vững (SAF) quan trọng đối với ngành hàng không trong mục tiêu đạt phát thải carbon ròng bằng không vào năm 2050. Hiện, ngành công nghiệp sản xuất SAF đang phát triển mạnh với sản lượng năm nay dự kiến đạt 1,5 triệu tấn, tăng gấp 3 lần năm trước.
Tuy nhiên, Wood Mackenzie - công ty nghiên cứu và tư vấn thị trường năng lượng có trụ sở tại Anh - dự đoán xu hướng bảo hộ dưới thời Tổng thống Trump được đánh dấu bằng việc giảm tham vọng hướng tới mục tiêu phát thải ròng bằng 0 khi chính sách của chính quyền Trump vốn tập trung vào bảo hộ và nới lỏng các tiêu chuẩn môi trường. Do đó, việc Mỹ quay lại các chính sách ủng hộ nhiên liệu hóa thạch và khả năng rút khỏi Thỏa thuận Paris có thể làm chậm tiến trình đạt được các mục tiêu về trung hòa carbon.
Tại hội nghị hàng không ở London (Anh) hôm 25/11, một trong những đánh giá đầu tiên của các thành viên cơ quan thương mại hàng không thuộc Hiệp hội Vận tải Hàng không Quốc tế (IATA) và hãng hàng không Mỹ American Airlines là ý nghĩa của nhiệm kỳ Tổng thống của Donald Trump đối với nhiên liệu máy bay sạch mới ra đời.
Bà Marie Owens Thomsen, nhà kinh tế trưởng của IATA, cho biết: "Có những rủi ro tiềm ẩn lớn về chính sách của Trump và điều này sẽ ảnh hưởng đến động lực theo đuổi biến đổi khí hậu".
Đạo luật Giảm lạm phát (IRA) năm 2022 của Mỹ bao gồm hàng trăm tỷ USD trợ cấp cho năng lượng sạch và được coi là đạo luật đặc trưng của Tổng thống sắp mãn nhiệm Joe Biden nhằm chống lại biến đổi khí hậu.
Ngành hàng không châu Âu - nơi phải đáp ứng yêu cầu mới về sử dụng nhiên liệu hàng không bền vững bắt đầu từ năm 2026 - đã nhiều lần đánh giá IRA là một mô hình hữu ích để khuyến khích đầu tư xây dựng các nhà máy sản xuất SAF mới.
Trong khi đó, Tổng thống đắc cử Donald Trump - một người hoài nghi về khí hậu - đã tuyên bố sẽ hủy bỏ đạo luật này.
Các chuyên gia của chính phủ tại các hãng hàng không Mỹ nhận định trong khi các cơ sở sản xuất SAF hiện tại có thể tiếp tục sản xuất nhiên liệu nhưng bất kỳ sự hủy bỏ nào của IRA đều có thể khiến tương lai của các dự án mới gặp rủi ro.
Tuy nhiên theo đánh giá của Wood Mackenzie, các khoản đầu tư lớn được hỗ trợ bởi IRA vẫn sẽ thúc đẩy sự tăng trưởng của năng lượng tái tạo và công nghệ carbon thấp. Kể từ khi được thông qua, IRA đã tạo ra hơn 220 tỷ USD đầu tư, chủ yếu tại các bang do Đảng Cộng hòa kiểm soát, củng cố vai trò của các khu vực này trong quá trình chuyển đổi năng lượng.
Dù Tổng thống Trump có thể xem xét sửa đổi IRA, việc bãi bỏ hoàn toàn đạo luật này dường như khó xảy ra.
Hiện, nhiên liệu hàng không bền vững chỉ chiếm khoảng 1% lượng sử dụng nhiên liệu máy bay của thế giới. Các chuyên gia cho rằng tốc độ sản xuất nhiên liệu xanh cần tăng nhanh để ngành này đạt được mục tiêu không phát thải carbon vào năm 2050.
Chính quyền sắp tới của Trump có thể có tác động ngược lại.
Trước đó, ngày 16/10, Bộ Năng lượng Mỹ công bố rót vốn 3 tỷ USD nhằm tăng sản lượng SAF của nước này trong vài năm tới, theo nguồn tin độc quyền của Canary Media.
Văn phòng Chương trình Cho vay đã đưa ra cam kết có điều kiện cho 2 công ty ở khu vực đại bình nguyên Bắc Mỹ. Hai công ty này đang biến cây trồng và chất thải thành nhiên liệu máy bay.
Montana Renewables - một công ty con của nhà sản xuất công nghiệp Calumet chuyên sản xuất nhiên liệu sinh học cho máy bay và xe tải bằng dầu thực vật, mỡ động vật thừa (sau khi sử dụng) và dầu nhờn - có thể nhận được bảo lãnh vay lên tới 1,44 tỷ USD để mở rộng cơ sở sản xuất nhiên liệu tái tạo ở bang Montana, Mỹ.
Việc mở rộng này sẽ cho phép Montana Renewables sản xuất khoảng 315 triệu gallon (1,29 tỷ lít) nhiên liệu sinh học mỗi năm, phần lớn trong số đó sẽ là SAF - gần gấp 8 lần tổng công suất sản xuất SAF của Mỹ vào năm 2023.
Hiện, cơ sở của Montana là nhà máy SAF lớn nhất ở Mỹ. Công ty này đã sản xuất nhiên liệu sinh học từ cuối năm 2022, sử dụng một quy trình được gọi là hydro hóa este và axit béo (HEFA). Phần lớn SAF trên thế giới được sản xuất theo cách này, với nguyên liệu thô như dầu ăn đã qua sử dụng, mỡ lợn, mỡ bò, cũng như các loại hạt có dầu như cải dầu, mù tạt, đậu nành…
Trong khi đó, Gevo (có trụ sở tại bang Colorado, Mỹ) đang nỗ lực để có được bảo lãnh vay 1,46 tỷ USD nhằm xây dựng một nhà máy lọc dầu nhiên liệu máy bay mới ở bang Nam Dakota, Mỹ.
Công ty này đang hướng tới mở rộng sản xuất SAF với dự án Net-Zero 1 biến ethanol thành nhiên liệu hàng không, với mục tiêu sản xuất tới 60 triệu gallon (227 triệu lít) SAF mỗi năm. Hãng tuyên bố nhà máy SAF sẽ giảm lượng khí thải trong vòng đời so với nhiên liệu hóa thạch, tương đương hơn 600.000 tấn CO2 mỗi năm. Việc xây dựng dự kiến bắt đầu vào năm 2025 và đi vào hoạt động từ năm 2027.
Các dự án của Gevo và Montana Renewables là những dự án liên quan SAF đầu tiên nhận được hỗ trợ từ Văn phòng Chương trình Cho vay - cơ quan đã cấp 42,4 tỷ USD qua các khoản vay và bảo lãnh vay, và cam kết giải ngân 21,6 tỷ USD tính đến tháng 6.
Ngành hàng không đang hướng tới việc đạt được các mục tiêu khử carbon, SAF sẽ ngày càng trở nên quan trọng. Thông báo ngày 16/10 bổ sung vào nỗ lực của chính quyền Tổng thống Joe Biden nhằm xây dựng một nền kinh tế sinh học phát triển mạnh và cắt giảm lượng khí thải độc hại.
Giám đốc Văn phòng Chương trình Cho vay của Bộ Năng lượng Mỹ, Jigar Shah
Đi lại hàng không chiếm khoảng 3,3% tổng lượng khí thải CO2 của Mỹ mỗi năm. Chính quyền Biden đã đặt mục tiêu tăng sản xuất SAF của Mỹ lên 3 tỷ gallon (11,35 tỷ lít) mỗi năm vào năm 2030. Con số này gấp hơn 100 lần lượng SAF mà các hãng hàng không Mỹ tiêu thụ năm trước.
Nhiên liệu máy bay thay thế không hoàn toàn không có carbon nhưng các chuyên gia hàng không vẫn coi SAF là giải pháp khả thi nhất trong ngắn hạn để giảm lượng khí thải từ đi lại hàng không.
SAF giúp giảm tần suất gây gián đoạn cho các hãng hàng không khi sử dụng và có thể giảm lượng khí thải CO2 vòng đời từ 50-80% so với nhiên liệu máy bay hóa thạch, tùy thuộc vào cách chúng được sản xuất.
Các công nghệ carbon thấp khác như máy bay điện và máy bay chạy bằng hydro đang trong giai đoạn phát triển sớm hơn và vẫn chưa rõ liệu chúng có thể cung cấp năng lượng cho các chuyến bay đường dài một cách ít tốn kém hay không.
Thông báo hôm 16/10 của Văn phòng Chương trình Cho vay được đưa ra khi một lượng lớn tài trợ liên bang và tư nhân đổ vào lĩnh vực SAF mới nổi.
Trước đó, startup Twelve cho biết họ đã huy động được 645 triệu USD để mở rộng sản xuất nhiên liệu "E-Jet" của hãng, đánh dấu một trong những khoản đầu tư lớn nhất vào SAF cho đến nay. Công ty này sản xuất nhiên liệu tổng hợp bằng cách sử dụng điện, nước và CO2 và đang nỗ lực hoàn thành cơ sở thương mại quy mô lớn đầu tiên tại Washington, Mỹ.
Air Company, công ty tái sử dụng CO2 để làm nhiên liệu, cũng huy động được 69 triệu USD để mở rộng ngoài 2 cơ sở thí điểm ở thành phố New York.
Mới đây, chính quyền Biden công bố gần 245 triệu USD từ IRA dưới dạng các khoản tài trợ cho các dự án sản xuất, vận chuyển, pha trộn, hoặc lưu trữ nhiên liệu máy bay thay thế. Theo IRA, các nhà sản xuất nhiên liệu có thể nhận được 1,25 USD cho mỗi gallon (3,78 lít) SAF giảm 50% lượng khí thải trong vòng đời so với nhiên liệu máy bay tiêu chuẩn. Càng giảm nhiều khí thải, các công ty càng kiếm được nhiều, con số này có thể lên đến 1,75 USD/gallon.
Các nhóm thương mại nhiên liệu sinh học và các hãng hàng không lớn của Mỹ đồng thuận với các quy định tín dụng thuế, cho phép nhà sản xuất trừ đi lượng khí thải tổng thể nếu họ thực hiện những biện pháp như sử dụng điện tái tạo, thu giữ và lưu trữ carbon, lấy nguyên liệu từ nông dân sử dụng phương pháp canh tác thông minh về khí hậu…
Tuy nhiên, các nhóm môi trường đã đặt câu hỏi về phương pháp của Bộ Tài chính Mỹ trong việc phân tích tổng lượng khí thải CO2 từ các loại nhiên liệu làm từ cây trồng. Họ lo ngại điều này có thể đánh giá thấp tác động toàn bộ vòng đời của nhiên liệu sinh học, dẫn đến việc tạo ra SAF có thể gây ô nhiễm như nhiên liệu hóa thạch dùng cho máy bay, hoặc thậm chí tệ hơn.
Ngoài ra, để đạt được mục tiêu 3 tỷ gallon SAF của chính quyền Biden, sẽ cần phải nhanh chóng mở rộng các cơ sở có thể xử lý nguyên liệu thô HEFA và thậm chí cả ethanol. Tuy nhiên, những nguyên liệu này được dự báo sẽ trở nên ít khả dụng và đắt đỏ hơn theo thời gian khi sản xuất nhiên liệu sinh học của Mỹ tăng lên cho máy bay, xe tải và tàu thuyền.