Ngành hàng không thế giới sẽ phải chi khoản tiền khổng lồ để chuyển sang sử dụng nhiên liệu sạch. Điều này kéo theo khả năng giá vé sẽ còn tăng cao.
Cả Hiệp hội Vận tải Hàng không Quốc tế (IATA) và Tổ chức Hàng không Dân dụng Quốc tế (ICAO) đều tính toán rằng hiện nhiên liệu hàng không bền vững (SAF) chỉ chiếm khoảng 0,2% khối lượng nhiên liệu hàng không toàn cầu.
Để đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050, ngành hàng không sẽ tiêu tốn khoảng 5.000 tỷ USD. Trong khi GDP của Đức, nền kinh tế lớn thứ 3 thế giới, năm 2023 đạt hơn 4.500 tỷ USD.
Jim Hileman, Phó chủ tịch Boeing, khi giao lưu với truyền thông đã nêu ra những thách thức trong việc mở rộng sản xuất SAF. Quy trình sản xuất phức tạp và chi phí khổng lồ khiến việc sản xuất SAF là thách thức mà Boeing và các tổ chức hàng không khác đang phải đối mặt và tìm cách vượt qua, Hileman chia sẻ.
Theo Hileman, để đạt được điều này, Boeing đã tập trung nguồn lực và đang làm việc với nhiều bên liên quan để tăng sản lượng SAF. Boeing còn đóng vai trò là cầu nối giữa chính phủ các nước, các nhà sản xuất và các bên sử dụng SAF như các công ty kinh doanh nhiên liệu hay các hãng hàng không.
Tuy nhiên ngay cả khi Boeing và các công ty hàng không vũ trụ khác nỗ lực để đưa SAF trở nên phổ biến hơn, con đường mục tiêu đưa phát thải carbon về 0 vẫn còn rất dài.
Luis Gallego, người đứng đầu Tập đoàn Hàng không Quốc tế (IAG), đơn vị sở hữu British Airways, cho biết việc chuyển sang nhiên liệu máy bay sạch hơn sẽ có tác động lớn đến chi phí bay.
"Chúng tôi biết rằng quá trình khử carbon sẽ rất tốn kém. Sẽ tốn hàng nghìn tỷ đô la", ông Gallego phát biểu trong một hội thảo tại triển lãm hàng không Farnborough vừa diễn ra tại Anh.
Với mục tiêu không phát thải ròng và sự ra đời của SAF, có vẻ như kỷ nguyên giá rẻ sắp kết thúc, The Telegraph bình luận.
Mới đây Virgin Atlantic tuyên bố sẽ áp dụng thuế xanh để trang trải chi phí SAF, hiện đang cao gấp 2-3 lần giá dầu hỏa.
Tháng trước, hãng hàng không Lufthansa cho biết giá vé sẽ tăng 1-72 euro khi hãng này cố gắng đạt được các mục tiêu về môi trường. Một phát ngôn viên của hãng hàng không Đức tiết lộ số tiền này sẽ trang trải chi phí bảo vệ môi trường đang tăng đều đặn.
Vương quốc Anh, EU và nhiều cơ quan quản lý khác đã cam kết đạt được mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050. Tại Anh, SAF phải chiếm 2% tổng khối lượng nhiên liệu máy bay vào năm tới, tăng lên 10% vào năm 2030 và 22% vào năm 2040. EU thậm chí còn tham vọng hơn khi cam kết SAF đạt 70% vào năm 2050.
Để thoát khỏi tình thế khó khăn, các hãng hàng không trên toàn thế giới đang liên kết với nhau, xem xét lại các quy trình hoạt động để phù hợp với SAF trong các chuyến bay trong tương lai.
Các hãng hàng không cho biết họ muốn chuyển sang nhiên liệu xanh, nhưng các nhà cung cấp SAF từ chối sản xuất số lượng cần thiết cho đến khi đạt được thỏa thuận về giá cả.
Để giải quyết tình trạng này, Chính phủ Anh vừa công bố kế hoạch đưa ra mức giá đảm bảo để khuyến khích các nhà sản xuất mở thêm nhà máy và sản xuất nhiều nhiên liệu hơn.
Tuy có được sự hậu thuẫn từ Chính phủ nhưng Tim Alderslade, người đứng đầu Airlines UK (liên hiệp các hãng bay ở Anh), cho biết việc chuyển sang SAF chắc chắn kéo theo giá vận chuyển tăng cao.
Sally Gethin, một nhà bình luận hàng không, dự đoán rằng việc chuyển sang SAF có thể khiến các gia đình có thu nhập trung bình sẽ ngày càng khó khăn trong việc di chuyển bằng máy bay buộc họ phải thay đổi thói quen du lịch của mình.
Báo cáo của ICAO cho thấy ở ở một số quốc gia, ngoài chi phí chuyển đổi nhiên liệu, các hãng hàng không phải chịu nhiều loại thuế phí khác nhau. Hành khách là người phải gánh những loại tiền này. Năm 2019, các loại thuế này lên tới 111 tỷ USD toàn ngành.