Nhật Bản cho biết đã hoàn thành việc xây dựng cơ sở sản xuất nhiên liệu hàng không bền vững (SAF) quy mô lớn đầu tiên của nước này và sẽ bắt đầu đi vào hoạt động từ ngày 1/4 năm nay.
Ông Takeshi Takada, Giám đốc phát triển kinh doanh của Công ty TNHH Năng lượng Cosmo – nhà máy lọc dầu lớn thứ ba của Nhật Bản, cho biết cơ sở sản xuất SAF được đặt tại nhà máy lọc dầu Sakai của Cosmo Oil ở Osaka. Dự kiến, cơ sở này sẽ sản xuất 79 triệu gallon (300.000 kilolit) nhiên liệu hàng không bền vững (SAF) từ dầu ăn đã qua sử dụng vào năm 2030.
Cơ sở thứ hai tại Sakaide trên đảo Shikoku, dự kiến sẽ sản xuất SAF từ nhiên liệu sinh học (bioethanol) bắt đầu từ năm 2029. Hiện Cosmo cũng đang trong quá trình đàm phán để mua và nhập khẩu 120.000 kilolit nhiên liệu SAF từ Tập đoàn Bangchak của Thái Lan và các nhà cung cấp khác ở châu Á.
Hiện các hãng hàng không lớn của Nhật Bản cũng đang tăng cường chuyển sang sử dụng nhiên liệu thân thiện với môi trường trong nỗ lực cắt giảm khí thải carbon. ANA Holdings, tập đoàn hàng không lớn nhất Nhật Bản đặt mục tiêu đội bay của họ sẽ hoạt động hoàn toàn bằng SAF và các loại nhiên liệu sạch khác vào năm tài chính 2050. ANA Holdings ước tính việc này sẽ giúp thực hiện 70% mục tiêu giảm CO2 của hãng.
Ngoài ANA Holdings, hãng hàng không lớn thứ 2 Nhật Bản là Japan Airlines (JAL) hiện cũng đang có các nỗ lực tương tự. Hãng này đã ký thỏa thuận với một nhà cung cấp của Mỹ nhằm sử dụng nhiên liệu sinh học cho các chuyến bay thường xuyên.
Nhiên liệu hàng không bền vững (SAF) có nguồn gốc từ thực vật và dầu ăn đã qua sử dụng. Sử dụng SAF có thể giúp giảm 80% lượng khí thải CO2 so với các loại nhiên liệu thông thường. Và theo các chuyên gia hàng không, SAF được cho là một công cụ quan trọng giúp ngành hàng không bền vững hơn, đặc biệt đóng vai trò then chốt trong viẹc giảm phát thải, chống biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường. Nhu cầu về SAF đang tăng lên trên toàn thế giới, thậm chí ở châu Âu đã có những yêu cầu các hãng hàng không sử dụng SAF.
Nhằm thích ứng với xu hướng hàng không thế giới về loại nhiên liệu này, Nhật Bản hướng đến mục tiêu thay thế 10% nhiên liệu máy bay hiện nay bằng các loại nhiên liệu thân thiện hơn với môi trường – dù hiện vẫn còn những thách thức về việc cắt giảm chi phí.