Quốc tế

Nhiên liệu hàng không bền vững SAF có thật sự tốt với môi trường?

Thắng Nguyễn 09/08/2024 08:34

Vận tải hàng không chiếm 2-3% lượng khí thải carbon do con người tạo ra trên toàn cầu. Nhiên liệu hàng không bền vững (SAF) là một trong những giải pháp mà ngành hàng không đang sử dụng để giảm lượng khí thải carbon đó.

Theo báo cáo của Hiệp hội Vận tải hàng không quốc tế (IATA), trung bình SAF có thể giảm 80% lượng khí thải CO2 so với nhiên liệu phản lực truyền thống.

SAF giảm lượng khí thải như thế nào?

Chìa khóa cho tác động của SAF nằm ở vòng đời của nó. Khi bị đốt cháy, SAF vẫn tạo ra lượng khí thải tương tự do nhiên liệu hóa thạch thải ra.

Nhưng không giống như nhiên liệu thông thường lấy tài nguyên hóa thạch từ lòng đất và thải carbon đã lưu trữ trước đó vào khí quyển, SAF chủ yếu sử dụng nhiên liệu là một phần của chu trình carbon hiện tại trong nhiều nguyên liệu đầu vào khác nhau.

air_bp_refuels_an_operators_aircraft_2000x1125.jpg
SAF đang được kỳ vọng sẽ giúp ngành hàng không giảm phát thải CO2. Ảnh: Times Aerospace.

Điều này có nghĩa là CO2 thải ra trong quá trình bay của máy bay sẽ được hấp thụ lại bởi sinh khối được sử dụng trong quá trình sản xuất SAF.

Cần nguồn lực khổng lồ

Tuy nhiên theo The Guardian, hiện tại không thể mở rộng quy mô sản xuất SAF. Tờ này dẫn lời Chuck Collins, một chuyên gia trong ngành, cho biết để đưa những loại nhiên liệu này lên quy mô cần thiết cần phải có các khoản trợ cấp lớn và sẽ lấy đi nguồn lực từ các ưu tiên khử carbon cấp bách hơn.

Việc đốt nhiên liệu hàng không bền vững vẫn thải ra CO2, trong khi việc thay đổi mục đích sử dụng đất cần thiết để sản xuất nhiên liệu cũng có thể dẫn đến ô nhiễm gia tăng.

imrs.jpg
Để đạt được mục tiêu thay thế nhiên liệu truyền thống bằng SAF, thế giới phải tăng diện tích đất trồng nguyên liệu lên nhiều lần. Ảnh: Getty Images.

Ví dụ, cần 6,5 lít ethanol ngô để sản xuất 3,8 lít SAF. Nếu Mỹ đạt được mục tiêu đã nêu là 132,5 tỷ lít SAF bằng cách sử dụng ethanol thì sẽ cần 114 triệu mẫu Anh hay 46 triệu ha trồng ngô. Con số này lớn hơn 20% so với tổng diện tích trồng ngô hiện tại ở Mỹ.

Trong khi đó, tại Anh nếu nhiên liệu máy bay được thay thế hoàn toàn, 50% tổng diện tích đất nông nghiệp sẽ phải chuyển đổi cây trồng để duy trì hoạt động bay cho lượng hành khách hiện tại.

Những thay đổi trong sử dụng đất nông nghiệp có thể đe dọa an ninh lương thực toàn cầu cũng như các giải pháp cô lập carbon dựa trên thiên nhiên như bảo tồn rừng và đất ngập nước.

Do đó, sản xuất SAF có thể làm suy yếu mục tiêu của thỏa thuận Paris là giảm đáng kể lượng khí thải vào năm 2050, The Guardian dẫn một báo cáo chuyên ngành cho biết.

SAF phát thải nhiều CO2 hơn?

Nhiều nhà khoa học và cơ quan quản lý quốc tế đã kết luận rằng việc trồng cây để sản xuất SAF không làm giảm lượng khí thải trong toàn bộ vòng đời (từ khâu sản xuất cây trồng đến khâu chế biến và tiêu thụ).

Nguyên nhân là SAF có đầu vào từ cây lương thực, dẫn tới cần thúc đẩy việc mở rộng đất canh tác từ đất rừng và đồng cỏ trên toàn cầu để bù đắp cho sản lượng lương thực bị mất.

Việc chuyển đổi rừng hoặc đồng cỏ thành đất canh tác sẽ giải phóng carbon dự trữ và làm giảm đáng kể quá trình cô lập carbon trên vùng đất đó trong tương lai.

ethanol-plant-wisconsin.jpg
Sản xuất SAF cũng phát thải không ít carbon ra môi trường. Ảnh: Shutterstock.

Sản xuất ethanol tạo ra một số sản phẩm phụ hữu ích như thức ăn chăn nuôi. Nhưng nhu cầu ngô tăng do sản xuất nhiên liệu sinh học cuối cùng sẽ đẩy giá lương thực lên cao và có thể tăng nạn đói.

Nó cũng sẽ ngăn chặn việc cô lập CO2 trên đất liền do thay thế đất tự nhiên bằng nông nghiệp và hạn chế việc sử dụng đất để tái trồng rừng. Khi tính đến tổng lượng khí thải từ sản xuất và mất carbon hữu cơ trong đất do canh tác, tác động sẽ còn cao hơn nữa.

Với cách tính tổng thể như trên, World Resources Institute cho rằng sử dụng SAF sẽ làm tăng khoảng 340 triệu tấn khí thải CO2 so với việc đốt cùng một lượng nhiên liệu phản lực từ dầu mỏ, tương đương lượng khí thải từ 75 triệu ôtô chạy bằng xăng.

SAF làm từ dầu đậu nành có thể có tác động thậm chí còn lớn hơn vì đậu nành kém hiệu quả hơn ngô trong việc sản sinh năng lượng. Hơn nữa, việc mở rộng diện tích trồng cây cọ dầu và đậu nành là tác nhân chính gây ra nạn phá rừng ở vùng nhiệt đới.

Phép tính sai lầm?

Các cơ sở tính toán lợi ích của SAF dựa trên giả định rằng không có khu rừng nào bị phá để trồng cây làm nhiên liệu.

Thực tế trung bình hơn 1,3 triệu hecta rừng đã bị phá mỗi năm để nhường chỗ cho việc mở rộng sản xuất dầu cọ và dầu đậu nành. Nếu chỉ một phần tư nhiên liệu hàng không của thế giới vào năm 2050 đến từ dầu thực vật, sản lượng của nó sẽ cần phải tăng gấp đôi trên toàn cầu.

Việc mở rộng công nghệ loại bỏ carbon để bù đắp cho lượng khí thải từ việc đốt nhiên liệu máy bay phản lực từ dầu mỏ sẽ cần ít đất hơn nhiều so với việc thay thế từng đó SAF.

soybean-farm-amazon.jpg
Hàng triệu hecta rừng có thể sẽ mất đi để phục vụ mục tiêu thay thế SAF trong ngành hàng không. Ảnh: Shutterstock.

Nếu công nghệ thu giữ không khí trực tiếp chạy bằng năng lượng mặt trời được sử dụng để loại bỏ 434 triệu tấn CO2 mỗi năm thì sẽ cần khoảng 1,5 triệu hecta đất. Trong khi đó, diện tích đất dùng để sản xuất ethanol ngô cao hơn khoảng 30 lần.

Tuy nhiên các loại công nghệ loại bỏ carbon này vẫn còn mới mẻ và không nên được coi là giải pháp tối ưu. Vì vậy việc đạt được mức phát thải ròng bằng 0 của hàng không đòi hỏi một cách tiếp cận đa chiều.

Do nguồn cung ít, chi giá thành SAF cao hơn nhiều so với nhiên liệu hóa thạch truyền thống. Với nhiều hãng hàng không, chi phí của SAF cao hơn 2-5 lần so với nhiên liệu máy bay thông thường. Chi phí này cuối cùng sẽ được chuyển cho người tiêu dùng. Hành khách sẽ phải bỏ nhiều tiền hơn cho chuyến bay của mình.

Theo World Resources Institute
Copy Link
(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Nhiên liệu hàng không bền vững SAF có thật sự tốt với môi trường?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO