Số lượng dầu ăn qua sử dụng (UCO) từ Trung Quốc được chuyển sang Mỹ ngày một tăng có thể là tín hiệu về sự bùng nổ của thị trường nhiên liệu tái chế.
Nhu cầu của Mỹ đối với UCO, một nguyên liệu cho nhiên liệu tái tạo, đã tăng vọt trong vài năm trở lại đây. Chính quyền Mỹ đã đưa ra các ưu đãi để hỗ trợ ngành công nghiệp sản xuất nhiên liệu tái tạo khi nước này đặt mục tiêu phi carbon hóa giao thông vận tải.
Trong chiến lược đưa mức phát thải ròng CO2 của ngành hàng không về 0 vào năm 2050, Mỹ cần sản xuất khoảng 132,5 tỷ lít nhiên liệu hàng không bền vững (SAF). Điều này đã gây ra cuộc chạy đua xây dựng các nhà máy nhiên liệu tái tạo mới. Công suất nhiên liệu tái tạo của Mỹ năm 2023 đã tăng gấp đôi so với năm 2021.
Dữ liệu Hải quan Mỹ cho thấy một nửa lượng UCO mà các nhà máy lọc dầu nước này nhập khẩu năm 2023 đến từ Trung Quốc, so với mức 0,1% vào năm 2022.
Tính đến tháng 6 năm nay, Trung Quốc chiếm khoảng 60% trong tổng số khoảng 1 triệu tấn UCO mà nước Mỹ mua vào.
Tuy nhiên, hoạt động nhập khẩu ồ ạt UCO từ Trung quốc của Mỹ có thể bị gián đoạn trong tương lai. Bắc Kinh mới đây cũng đã thông báo về mục tiêu sản xuất SAF.
Vì SAF cũng sử dụng UCO làm nguyên liệu đầu vào, việc Trung Quốc xâm nhập vào thị trường nhiên liệu hàng không có thể làm cạn kiệt năng lực xuất khẩu UCO của nước này trong khoảng 5 năm.
Do UCO là sản phẩm thải, lượng carbon thải ra trong vòng đời của nó của nó thấp hơn so với các nguyên liệu sinh học thay thế, chẳng hạn như dầu đậu nành và dầu hạt cải. Điều đó khiến UCO hấp dẫn hơn đối với các nhà sản xuất.
Tuy nhiên, những người đại diện cho các tiểu bang nông nghiệp của Mỹ đã kêu gọi hạn chế các khoản ưu đãi thuế hiện khiến giá nhập khẩu UCO thấp hơn các sản phẩm trong nước.
Các nhóm nông dân và nhà lập pháp cũng đã nêu mối lo ngại rằng một số nguồn cung UCO của Trung Quốc có thể chứa dầu cọ nguyên chất, một sản phẩm liên quan đến nạn phá rừng.