Từ ngày 1/1/2025, tất cả chuyến bay của Hãng hàng không quốc gia Việt Nam - Vietnam Airlines, khởi hành từ các sân bay châu Âu sẽ sử dụng nhiên liệu bền vững (SAF).
Đây được xem là bước tiến mới của hãng hàng không quốc gia trong hành trình xanh hóa, góp phần thực hiện cam kết của Việt Nam cùng cộng đồng quốc tế giảm lượng phát thải khí nhà kính về 0 (Net Zero) vào năm 2050.
Theo Vietnam Airlines, các chuyến bay từ châu Âu sẽ sử dụng nhiên liệu SAF với tỷ lệ ít nhất 2%. Tỷ lệ này sẽ tăng dần lên lên 6%, 20%, 70% và tương ứng các năm 2030, 2035, 2050.
Đối với các chuyến bay khởi hành từ Anh, Vietnam Airlines cũng sử dụng nhiên liệu SAF với tỷ lệ ít nhất 2% từ năm 2025 và nâng dần lên 10%, 22% tương ứng năm 2030 và năm 2040.
Vietnam Airlines cho biết, giá nhiên liệu SAF hiện nay cao hơn từ 2-3 lần so với nhiên liệu hóa thạch truyền thống, thậm chí có thời điểm cao gấp 5-6 lần. Do đó hãng này ước tính chi phí khai thác các đường bay đến, đi từ châu Âu sẽ tăng thêm khoảng 4,8 triệu USD mỗi năm khi sử dụng nhiên liệu SAF.
Hồi tháng 5/2024, Hãng hàng không quốc gia Việt Nam cũng sử dụng nhiên liệu SAF cho chuyến bay mang số hiệu VN660, từ Singapore đến Hà Nội và là hãng hàng không đầu tiên tại Việt Nam sử dụng nhiên liệu bền vững cho các chuyến bay chở khách thương mại.
Ngoài Vietnam Airlines, hồi giữa tháng 10/2024, những chuyến bay đầu tiên sử dụng nhiên liệu hàng không bền vững SAF của VietjetAir cũng đã cất cánh tại sân bay Tân Sơn Nhất, TP.HCM.
Theo đó, hai chuyến bay liên tiếp của Vietjet thực hiện từ Việt Nam đi Melbourne (Australia) và Seoul (Incheon, Hàn Quốc) sử dụng nguồn nhiên liệu SAF do Petrolimex Aviation tra nạp.
Thời điểm đó, ông Phạm Văn Thanh – Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam – Petrolimex, nhận định, việc Petrolimex Aviation lần đầu tiên tra nạp SAF cho các chuyến bay quốc tế của hãng hàng không Vietjet là cột mốc vô cùng quan trọng đối với chỉ riêng Petrolimex Aviation mà với cả Tập đoàn Petrolimex trong chiến lược phát triển đến năm 2030, tầm nhìn 2045, dần hướng tới trở thành một tập đoàn năng lượng xanh, sạch, thân thiện với môi trường.
Petrolimex cam kết sẽ hỗ trợ, ủng hộ, tạo điều kiện để Petrolimex Aviation tiếp tục nghiên cứu, phát triển và cung ứng sản phẩm SAF một cách thường xuyên và lâu dài, chung tay góp phần xanh hóa ngành hàng không vì một tương lai bền vững.
Tại phiên toàn thể lần thứ 41 của Tổ chức Hàng không Dân dụng Quốc tế (ICAO) năm 2022, các cơ quan hàng không đã cùng nhau cam kết mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.
Để đạt mục tiêu này, các viện nghiên cứu, nhà cung cấp nhiên liệu hàng không đã tích cực đầu tư, phát triển công nghệ sản xuất SAF.
Tuy nhiên, mục tiêu này đang phải đối mặt với nhiều thách thức và đã có hãng bay nước ngoài phải bỏ cuộc. Một trong những thách thức là thiếu nguồn cung SAF - điều khiến Hiệp hội hàng không quốc tế (IATA) gọi là "nỗi thất vọng" trong một báo cáo hồi cuối tháng 12 vừa qua.
Theo IATA, trong năm 2024, sản lượng SAF đạt 1 triệu tấn (1,3 tỷ lít), gấp đôi so với 0,5 triệu tấn (600 triệu lít) được sản xuất vào năm 2023. SAF chiếm 0,3% sản lượng nhiên liệu phản lực toàn cầu và 11% nhiên liệu tái tạo toàn cầu.
Mặc dù có sự tiến triển nhưng con số này vẫn thấp hơn đáng kể so với ước tính trước đó là 1,5 triệu tấn (1,9 tỷ lít) SAF sẽ được sản xuất trong năm 2024. Nguyên nhân là vì các cơ sở sản xuất SAF chính tại Hoa Kỳ đã đẩy lùi sản lượng lên đến nửa đầu năm 2025.
IATA dự kiến, sản lượng SAF năm 2025 sẽ đạt 2,1 triệu tấn (2,7 tỷ lít) hoặc 0,7% tổng sản lượng nhiên liệu phản lực và 13% công suất nhiên liệu tái tạo toàn cầu.
“Khối lượng SAF đang tăng, nhưng sự tăng trưởng này chậm đến mức đáng thất vọng”, Willie Walsh, Tổng giám đốc IATA nhận định.
Theo Willie, để đạt được mức phát thải CO2 ròng bằng 0 vào năm 2050, phân tích của IATA cho thấy, cần có từ 3.000 đến hơn 6.500 nhà máy nhiên liệu tái tạo mới. Những nhà máy này cũng sẽ sản xuất dầu diesel tái tạo và các nhiên liệu khác cho các ngành công nghiệp khác.
Điều đáng mừng là chi phí vốn trung bình hàng năm cần thiết để xây dựng các cơ sở mới trong giai đoạn 30 năm tới là khoảng 128 tỷ USD mỗi năm, theo kịch bản tốt nhất. Con số này ít hơn đáng kể so với tổng số tiền đầu tư ước tính vào thị trường năng lượng mặt trời và năng lượng gió, ở mức 280 tỷ USD mỗi năm, giai đoạn từ 2004 - 2022.
Tại Việt Nam, Petrolimex Aviation là đơn vị đầu tiên triển khai cung cấp và tra nạp SAF cho các hãng hàng không khởi hành tại Việt Nam.
Chia sẻ tại sự kiện tra nạp SAF cho các chuyến bay quốc tế của VietJet hồi giữa tháng 10/2024, ông Nguyễn Văn Học, Tổng giám đốc Petrolimex Aviation cho biết, trong thời gian tới, Petrolimex Aviation cam kết sẽ tiếp tục tích cực tham gia vào quá trình chuyển đổi năng lượng xanh, sạch tại Việt Nam.
Qua đó, chung tay góp phần xanh hóa ngành hàng không vì một tương lai bền vững và góp phần thực hiện thành công Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn 2050 cũng như cam kết của Việt Nam tại Hội nghị COP 26 với mục tiêu giảm khí thải carbon để đạt mức phát thải ròng về 0 vào năm 2050.
Với Vietnam Airlines, bên cạnh nỗ lực sử dụng SAF, hãng đang thực hiện nhiều biện pháp khác nhằm cắt giảm lượng khí thải CO2 như khai thác, sử dụng đội máy bay thế hệ mới, tăng cường áp dụng các giải pháp vận hành khai thác máy bay để giảm phát thải CO2 thông qua tiết kiệm nhiên liệu; tối ưu đường bay, lịch bay và tối ưu trọng lượng chất xếp để giảm tiêu hao nhiên liệu...
Năm 2024, lượng CO2 cắt giảm được thông qua các giải pháp tiết kiệm nhiên liệu của Vietnam Airlines ước đạt gần 70.000 tấn.
Trong tương lai, Vietnam Airlines sẽ tiếp tục hợp tác với các đối tác trong chuỗi cung ứng để mở rộng việc sử dụng SAF, cũng như thúc đẩy các giải pháp phát triển bền vững một cách toàn diện, góp phần kiến tạo tương lai không carbon.
Nhiên liệu hàng không bền vững - SAF là loại nhiên liệu được sản xuất từ nguyên liệu tái tạo và có nguồn gốc bền vững, như dầu ăn đã qua sử dụng và mỡ động vật thải. SAF đáp ứng các tiêu chuẩn hàng không quốc tế nghiêm ngặt và có thể sử dụng an toàn trên các chuyến bay thương mại.
Theo các nghiên cứu, SAF có thể giúp giảm tới 80% lượng khí thải nhà kính trong suốt vòng đời của nhiên liệu, đồng thời giảm thiểu các khí thải độc hại khác như NOx, SO2 và bụi mịn, từ đó góp phần giảm hiệu ứng nhà kính.
Ngoài ra, SAF có thể được lưu trữ và vận chuyển như nhiên liệu hóa thạch truyền thống, có khả năng hoạt động tốt trong điều kiện thời tiết lạnh và giúp cải thiện hiệu suất bay.