Tổng kết quý II, SASCO ghi nhận lợi nhuận sau thuế đạt 67,5 tỷ đồng, giảm gần 9% so với cùng kỳ.
CTCP Dịch vụ Hàng không Sân bay Tân Sơn Nhất - SASCO (HoSE: SAS), vừa công bố báo cáo tài chính quý II. Trong đó, doanh thu thuần của đơn vị đạt hơn 654 tỷ đồng, tăng 8% so với cùng kỳ năm trước.
Tuy nhiên, lợi nhuận sau thuế chỉ đạt 67,5 tỷ đồng, giảm gần 9% so với quý II/2023. Phía SASCO cho rằng nguyên nhân đến từ chi phí hàng bán và quản trị doanh nghiệp tăng lần lượt 11% và 30%. Ngoài ra, số thu từ lãi tiền gửi ngân hàng cũng giảm một nửa, xuống còn gần 9 tỷ đồng.
Trước đó, trong quý I/2024, SASCO ghi nhận doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ đạt 680 tỷ đồng, tăng 20% so với cùng kỳ. Sau khi trừ chi phí, công ty lãi 46 tỷ đồng trong quý I, tức mỗi tháng doanh nghiệp này lời 15,3 tỷ.
Lũy kế nửa đầu năm, công ty này lãi 113,5 tỷ đồng, tăng 2,8% so với cùng kỳ năm ngoái, chủ yếu nhờ hoạt động kinh doanh quý I khởi sắc và hoạt động kinh doanh được khôi phục hoàn toàn nhờ vào sự phục hồi của thị trường hàng không.
Năm nay, công ty đặt kế hoạch doanh thu thuần 2.788 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 343 tỷ đồng, tăng lần lượt 8% và 3% so với năm trước. Đến hết quý II, công ty đã thực hiện 49% doanh thu và 41% kế hoạch lợi nhuận.
Ngoài ra, sau nửa năm, nhờ vào tiền gửi ngân hàng, doanh nghiệp có hơn 829 tỷ đồng tiền nhàn rỗi, chiếm 37% tổng tài sản. Công ty đầu tư vào cổ phiếu của Ngân hàng thương mại cổ phần Đông Á (DongA Bank) với giá trị hơn 28,6 tỷ đồng nhưng đã trích lập dự phòng toàn bộ.
Theo ông Johnathan Hạnh Nguyễn, ngành hàng không đang phục hồi nhưng vẫn đối mặt với nhiều thách thức lớn như giá xăng dầu, tỷ giá và mức độ mở cửa của các nền kinh tế quốc tế trọng điểm.
Công ty đang tìm cách nắm bắt cơ hội phát triển tại nhà ga T3 Tân Sơn Nhất và cảng hàng không quốc tế Long Thành. Vua hàng hiệu cũng nhấn mạnh tương lai SASCO đặt tại sân bay Long Thành.
SASCO là một trong những đơn vị cung cấp dịch vụ hàng không lớn tại Việt Nam, chuyên quản lý và vận hành hệ thống cửa hàng miễn thuế, nhà hàng, phòng chờ thương gia tại sân bay.
Cổ đông lớn nhất tại công ty vẫn là Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) với 49,22% vốn nắm giữ. Ngoài ra, "vua hàng hiệu" và các cá nhân, tổ chức liên quan đang nắm khoảng 45,44% vốn doanh nghiệp.