Công ty cổ phần Cảng Đồng Nai (PDN) đặt mục tiêu sẽ triển khai xây dựng kho cung cấp nhiên liệu cho sân bay quốc tế Long Thành trong năm 2025.
Hoạt động này nằm trong các biện pháp nhằm mục tiêu đạt 1.400 tỷ đồng doanh thu và 360 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế trong năm 2025 của doanh nghiệp này.
Công ty cổ phần Cảng Đồng Nai (mã chứng khoán: PDN) vừa công bố báo cáo thường niên năm 2024.
Ban lãnh đạo Cảng Đồng Nai nhận định, do thị trường bất động sản chỉ mới bắt đầu phục hồi, nhu cầu đối với nguyên vật liệu xây dựng và sắt thép tại khu vực Đông Nam Bộ dự báo sẽ tiếp tục ở mức thấp cho đến hết năm 2025.
Trong khi đó, doanh nghiệp đối mặt nhiều áp lực cạnh tranh và cả những rủi ro về giá nguyên vật liệu...
Tại Bình Dương, PDN chịu áp lực cạnh tranh mới từ sự tham gia của các công ty logictics Trung Quốc khai thác các dịch vụ cước biển, khai thuê hải quan và vận tải, chi phí nâng hạ tại các cảng tại các doanh nghiệp có vốn đầu tư của Trung Quốc.
Bên cạnh đó, khu vực Cảng Cái Mép – Thị Vải cũng chịu sự cạnh tranh bởi một số doanh nghiệp có thể tiếp nhận phương tiện có kích thước lớn, sức chứa cao, thuận lợi hơn so với Cảng Gò Dầu chỉ có sức chứa 30.000DWT.
Ngoài ra, doanh nghiệp này còn chịu sự cạnh tranh trực tiếp khi các bến thủy nội địa tại Đồng Nai, Bình Dương và Bà Rịa-Vũng Tàu đang nhận được sự quan tâm đầu tư và có khả năng tiếp nhận tàu VR-SB (tàu pha sông biển) tới 3.500 DWT, thu hút một lượng lớn tàu từ Cảng Đồng Nai.
Về giá nguyên vật liệu, PDN nhận định, trong năm 2024, xung đột địa chính trị leo thang, chính sách cắt giảm sản lượng của Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) và ảnh hưởng của tăng trưởng kinh tế đã gây biến động giá xăng dầu ở cả hai chiều tăng giảm.
Tính từ 4/1/2024, giá xăng dầu trong nước trải qua 51 kỳ điều chỉnh. Trong đó, giá xăng có 24 lần tăng giá, và 27 kỳ giảm giá. Với giá dầu diesel (dầu DO), con số lần lượt là 21 lần và 30 lần.
Biến động giá xăng, dầu cũng như các khoản phí có liên quan sẽ gây ảnh hưởng trực tiếp tới kết quả hoạt động kinh doanh vận tải của PDN.
Ngoài ra, sự gia nhập của nhiều công ty logistics Trung Quốc, khai thác các dịch vụ như cước biển, khai thuê hải quan, vận tải và chi phí nâng hạ tại các doanh nghiệp có vốn đầu tư Trung Quốc ở Bình Dương, càng làm gia tăng áp lực cạnh tranh.
Mặc dầu vậy, tổng kết năm 2024, PDN vẫn đạt mức tăng trưởng tốt với tổng doanh thu năm 2024 đạt 1.364 tỷ đồng, tăng gầ 14,2% so với năm 2023 và đạt hơn 112% kế hoạch. Lợi nhuận sau thuế đạt 347 tỷ đồng, tăng hơn 17,3% so với năm 2023 và đạt gần 117,9% kế hoạch.
Trong năm 2025, PDN đặt mục tiêu đạt mức doanh thu 1.400 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế thu nhập doanh nghiệp ở mức 360 tỷ đồng.
Để thực hiện các mục tiêu này, doanh nghiệp đẩy mạnh chuyển đổi số, tận dụng tối đa các ứng dụng công nghệ như E-Port (hỗ trợ khai báo và thanh toán phí nâng, hạ container), E-Invoice (hóa đơn điện tử) và E-Cargo (giám sát hải quan tự động) nhằm đơn giản hóa thủ tục hải quan và quy trình xếp dỡ hàng hóa, nâng cao hiệu quả vận hành.
Đồng thời, duy trì và phát triển khách hàng hiện hữu thông qua ổn định chính sách giá, tăng cường dịch vụ chăm sóc khách hàng, đáp ứng linh hoạt các yêu cầu hợp lý, đồng thời rút ngắn thời gian xử lý hàng hóa và nâng cao chất lượng dịch vụ.
PDN cũng đầu tư và nâng cấp thiết bị, cải thiện hệ thống thiết bị xếp dỡ tại cầu cảng và bãi nhằm đáp ứng tốt hơn nhu cầu của khách hàng, nâng cao năng suất khai thác.
Cùng với đó là quản trị tài chính hiệu quả bằng cách tối ưu hóa lợi nhuận trong hoạt động sản xuất kinh doanh, đảm bảo sử dụng nguồn vốn đầu tư một cách hiệu quả và bền vững.
PDN cũng dự báo, tình hình thị trường bất động sản và nhu cầu nguyên vật liệu chưa có dấu hiệu phục hồi, kéo theo nhu cầu về nguyên vật liệu xây dựng và sắt thép tại khu vực Đông Nam Bộ dự báo sẽ duy trì ở mức thấp đến hết năm 2025.
Trong khi đó, cạnh tranh trong khu vực cảng và bến thủy nội địa ngày càng tăng. Với sự phân bố dày đặc của các cảng và bến thủy nội địa trong khu vực tại Phú Mỹ, Mỹ Xuân, Nhơn Trạch, thị trường mục tiêu giữa các cảng đang có sự chồng chéo, làm gia tăng thách thức trong việc thu hút sản lượng hàng hóa từ các cảng khác về Cảng Gò Dầu.
Do đó, trong năm 2025, PDN đẩy mạnh sẽ triển khai xây dựng kho đáp ứng nhu cầu cung cấp nhiên liệu cho sân bay quốc tế Long Thành và đẩy mạnh thi công bến B6.
Đồng thời, tập trung đàm phán với khách hàng lỏng để cho thuê bãi làm bồn, giúp giảm áp lực doanh thu và sản lượng của ngành hàng tổng hợp tại khu vực Gò Dầu.