Theo quy hoạch, có ba tuyến đường sắt phục vụ sân bay Tân Sơn Nhất và sân bay Long Thành, gồm tuyến metro số 2, metro số 6 và tuyến đường sắt Thủ Thiêm - Long Thành. TP.HCM đề xuất phương án để triển khai nhanh dự án tuyến đường sắt Thủ Thiêm - Long Thành.
Sở Giao thông công chánh TP.HCM vừa có công văn gửi các sở: Tài chính, Tư pháp, Xây dựng và Ban Quản lý đường sắt đô thị TP.HCM về đề nghị góp ý phương án đầu tư tuyến đường sắt Thủ Thiêm đi sân bay Long Thành và tuyến đường sắt từ trung tâm đi huyện Cần Giờ.
Liên quan đến hai dự án này, ngày 21/3, UBND TP.HCM đã giao Sở Giao thông công chánh chủ trì, phối hợp các đơn vị liên quan nghiên cứu các công việc cần thực hiện để triển khai đầu tư hai dự án đường sắt theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
Sau khi nghiên cứu hồ sơ liên quan, Sở Giao thông công chánh TP.HCM đề nghị các cơ quan liên quan nghiên cứu, góp ý và gửi ý kiến trước ngày 31/3 để tổng hợp, đảm báo chặt chẽ trước khi tham mưu UBND TP báo cáo Thủ tướng.
Theo quy hoạch, có ba tuyến đường sắt phục vụ sân bay Tân Sơn Nhất và sân bay Long Thành, gồm tuyến metro số 2, metro số 6 và tuyến đường sắt Thủ Thiêm - Long Thành.
Trong đó, hai tuyến metro đang được TP nghiên cứu, ưu tiên đầu tư theo cơ chế, chính sách đặc thù, đặc biệt đã được Quốc hội thông qua tại nghị quyết số 188 vào tháng 2/2025.
Bao gồm, tuyến đường sắt đô thị số 6 kết nối Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất với tuyến đường Sắt Thủ Thiêm - Long Thành (nút giao Phú Hữu). Sau đó dùng chung hạ tầng tuyến đường Sắt Thủ Thiêm - Long Thành kết nối tới Cảng hàng không quốc tế Long Thành, lộ trình đầu tư trước năm 2030.
Tuyến đường sắt đô thị số 2 kết nối Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất đến ga Thủ Thiêm Sau đó theo tuyến đường sắt Thủ Thiêm - Long Thành để kết nối với Cảng hàng không quốc tế Long Thành; lộ trình đầu tư trước năm 2030.
Còn tuyến đường sắt Thủ Thiêm - Long Thành dài khoảng 42km với tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 3,5 tỉ USD, đang được Bộ Xây dựng chủ trì chuẩn bị đầu tư.
Tuyến đường sắt này được thiết kế đường đôi, khổ đường 1435mm, tốc độ thiết kế 120km/h, với 20 ga, vận chuyển hành khách nội ngoại ô từ TP.HCM, tỉnh Đồng Nai đến Cảng hàng không quốc tế Long Thành.
Tổng mức đầu tư dự kiến của tuyến đường sắt này khoảng 3,5 tỷ USD. Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án cũng đã lấy ý kiến của các địa phương.
Bộ Xây dựng đang hoàn thiện Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi để dự kiển trình Quốc hội phê duyệt chủ trương đầu tư trong tháng 10/2025.
Đối với các dự án đường sắt đô thị của TP.HCM, hiện nay, TP đang tập trung nghiên cứu, ưu tiên chuẩn bị đầu tư tuyến đường sắt đô thị số 6 và tuyến đường sắt đô thị số 2 theo cơ chế, chính sách đặc thù, đặc biệt được Quốc lìội thông qua tại Nghị quyết số 188/2025/QH15 ngày 19/2/2025.
Trong đó, tuyến đường sắt đô thị số 2 đoạn Bến Thành - Tham Lương, TP đang trình Thủ tướng Chính phủ chấp thuận dừng sử dụng vốn ODA, Vốn Vay ưu đãi nước ngoài và chuyển qua hình thức đầu tư công, phấn đấu khởi công tháng 12/2025.
Trong khi đoạn Bến Thành - Thủ Thiêm và đoạn Tham Lương - Củ Chi của dự án này đang nghiên cứu chuẩn bị đầu tư, đến năm 2035 sẽ hoàn thành.
Riêng tuyến đường sắt đô thị số 6 thuộc dự án ưu tiên đầu tư, đến năm 2035 sẽ hoàn thành.
Về phương án để triển khai nhanh dự án tuyến đường sắt Thủ Thiêm - Long Thành, mới đây, Bộ Xây dựng đã có văn bản báo cáo Thủ tướng thống nhất giao UBND TP.HCM là cơ quan chủ quản đầu tư dự án để sớm hoàn thiện, kết nối hai sân bay.
Sau khi nghiên cứu ý kiến của Bộ Xây dựng, Sở Giao thông công chánh TP.HCM nhận thấy tuyến đường sắt Thủ Thiêm - Long Thành được xác định là đường sắt quốc gia, đi qua địa phận hai địa phương TP.HCM và Đồng Nai. Trường hợp giao cho địa phương làm cơ quan có thẩm quyền triển khai dự án, Quốc hội sẽ xem xét, quyết định.
Bên cạnh đó, nghị quyết số 188 về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù, đặc biệt để phát triển metro tại TP.HCM và Hà Nội không quy định áp dụng cho các địa phương khác.
Do đó, để dự án đường sắt Thủ Thiêm - Long Thành được áp dụng cơ chế đặc biệt này (đối với đoạn qua tỉnh Đồng Nai) cần phải trình Quốc hội xem xét điều chỉnh nghị quyết 188. Đồng thời, dự án cũng cần thực hiện các thủ tục điều chỉnh, cập nhật các quy hoạch có liên quan.
Do đó, phương án Bộ Xây dựng tiếp tục là cơ quan chủ trì thực hiện dự án, hoàn thiện báo cáo nghiên cứu tiền khả thi trình Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư trong kỳ họp gần nhất là phù hợp với quy định hiện nay.