Quý II, Công ty cổ phần Dịch vụ hàng hóa Sài Gòn (SCSC) ghi nhận doanh thu thuần 264 tỷ đồng, trong đó lãi sau thuế 190 tỷ đồng, tăng 47% so với cùng kỳ năm trước.
Báo cáo tài chính quý II của SCSC cho thấy đây là quý kinh doanh mà công ty ghi nhận doanh thu và lợi nhuận cao nhất từ trước đến nay.
SCSC ghi nhận doanh thu thuần 264 tỷ đồng và lãi sau thuế 190 tỷ đồng, lần lượt tăng 53% và 47% so với cùng kỳ 2023.
Kết quả kinh doanh này cho thấy cứ thu 10 đồng, doanh nghiệp lãi 7 đồng. Đây là kết quả khả quan trong bối cảnh vận tải đường biển đang gặp khó khăn, tắc nghẽn ở một số tuyến chính.
Lũy kế 6 tháng đầu năm, SCSC ghi nhận doanh thu thuần 477 tỷ đồng và lãi ròng 337 tỷ đồng, tăng tương ứng 43% và 39% so với cùng kỳ năm trước.
Tính chung nửa đầu năm, tổng doanh thu của SCSC cũng tăng mạnh 33%, đạt 506 tỷ đồng. Lợi nhuận trước thuế theo đó tăng 39%, đạt 381 tỷ đồng. Tỷ suất lãi gộp đạt gần 80% và tỷ suất lãi ròng là gần 71%.
Năm nay, SCSC đặt mục tiêu tổng doanh thu đạt 968 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế 680 tỷ đồng. Như vậy sau nửa đầu năm, công ty đã thực hiện được 52% chỉ tiêu doanh thu và 56% kế hoạch lợi nhuận.
Lý giải về mức tăng mạnh mẽ này, SCSC cho biết nhờ sự phục hồi của nền kinh tế toàn cầu trong 6 tháng đầu năm cùng với việc duy trì và phát triển khách hàng mới cũng như kiểm soát, tối ưu hoạt động, tổng sản lượng của công ty trong quý II tăng 50,4% so với cùng kỳ. Nhờ đó, doanh thu dịch vụ của SCSC tăng hơn 53%, góp phần làm tăng lợi nhuận.
Bên cạnh kết quả kinh doanh ấn tượng, SCSC hiện nắm giữ hơn 1.000 tỷ đồng tài sản ngắn hạn. Trong đó, 900 tỷ đồng là tiền mặt và tiền gửi. Doanh nghiệp không có khoản vay nợ thuê tài chính ngắn hạn, trong khi nợ phải trả ngắn hạn chỉ ở mức 175 tỷ đồng.
Theo lãnh đạo SCSC, công ty lạc quan với triển vọng tăng trưởng trong 6 tháng tới khi mùa vận chuyển container cao điểm, giá cước vận tải biển cao cùng với thời gian vận chuyển dài hơn để tránh xung đột Israel - Hamas ở khu vực Biển Đỏ và thời tiết xấu ở châu Á sẽ hỗ trợ các doanh nghiệp vận tải hàng không.
Trước đó, theo Hiệp hội Vận tải Hàng không Quốc tế (IATA), khủng hoảng ở Biển Đỏ khiến chênh lệch giá cước vận tải hàng không so với vận tải biển giảm mạnh trong nửa đầu năm, làm tăng đáng kể khả năng cạnh tranh của vận chuyển hàng hóa hàng không.
Khủng hoảng Biển Đỏ kéo dài có thể làm thay đổi chuỗi cung ứng toàn cầu, đem đến thuận lợi cho ngành vận tải hàng không.
Tại thị trường Việt Nam, SCSC nắm tới 15% thị phần dịch vụ hàng không toàn quốc và 45% thị phần ở cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất.
Hoạt động kinh doanh của công ty này được dự báo có nhiều tiềm năng phát triển khi nhà ga T3 ở Tân Sơn Nhất hoàn thiện và đi vào hoạt động từ quý II/2025 với vốn đầu tư 11.000 tỷ đồng, công suất 20 triệu khách/năm, khai thác được các loại tàu bay cỡ lớn Code C và Code E.
SCSC được thành lập từ năm 2008 và hiện có vốn điều lệ 949 tỷ đồng, hoạt động chính trong mảng vận tải hàng hóa hàng không.
Đây là công ty được góp vốn từ các cổ đông lớn như tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV), công ty cổ phần Gemadept, công ty sửa chữa máy bay A41 và các nhà đầu tư tài chính.