Để đẩy nhanh tiến độ thực hiện hệ thống xử lý hành lý tại sân bay Long Thành, phía đối tác là Vanderlande cần tiến hành thu thập và phân tích chi tiết các bản vẽ xây dựng cũng như kích thước thực tế tại công trường, nhằm đảm bảo hệ thống được thiết kế phù hợp với nhu cầu và quy mô của dự án.
Lãnh đạo Tổng Công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) vừa có cuộc họp quan trọng với đại diện Công ty Vanderlande để thảo luận về phương án đẩy nhanh tiến độ, triển khai hệ thống xử lý hành lý (Baggage Handling System - BHS) tại công trình Cảng hàng không quốc tế Long Thành.
Đây là hạng mục quan trọng nhất trong gói thầu 5.10, thuộc dự án xây dựng nhà ga hành khách, do liên danh Vietur thi công. Hạng mục này đóng vai trò quan trọng trong quy trình vận hành và khai thác của nhà ga.
Tại cuộc họp, các bên đã thảo luận và thống nhất các yêu cầu kỹ thuật, phương án phối hợp để phấn đấu đẩy nhanh nhất có thể tiến độ thử nghiệm tại nhà máy sản xuất, lắp đặt, thử nghiệm hệ thống xử lý hành lý, theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về việc cơ bản hoàn thành đồng bộ giai đoạn 1 Dự án Cảng HKQT Long Thành trước ngày 31/12/2025.
Trong buổi làm việc, ACV đã đưa ra một số yêu cầu cụ thể để đảm bảo chất lượng và tiến độ triển khai dự án.
Trước hết, ACV đề nghị Vanderlande bổ sung đội ngũ kỹ sư có kinh nghiệm làm việc trực tiếp tại công trường để giám sát thi công, lắp đặt và tư vấn chuyên sâu về thiết bị.
Bên cạnh đó, ACV mong muốn Vanderlande đẩy nhanh tiến độ triển khai bản vẽ thi công chi tiết cũng như các hồ sơ về vận hành bảo trì của hệ thống xử lý hành lý trong thời gian sớm nhất để ACV dễ dàng hình dung cách vận hành cũng như đảm bảo sự đồng bộ trong tích hợp với các hệ thống khác tại nhà ga.
Để hiểu rõ hơn về quy trình sản xuất và vận hành thiết bị, ACV dự kiến tổ chức chuyến thăm các nhà máy sản xuất của Vanderlande, tạo cơ hội cho các bên trao đổi chi tiết hơn nhằm đẩy nhanh tiến độ.
Về phía Vanderlande, công ty cam kết phối hợp chặt chẽ với ACV trong suốt quá trình thực hiện dự án. Quy trình triển khai sẽ được thực hiện bài bản qua các giai đoạn.
Vanderlande cần tiến hành thu thập và phân tích chi tiết các bản vẽ xây dựng, cũng như kích thước thực tế tại công trường, nhằm đảm bảo hệ thống được thiết kế phù hợp với nhu cầu và quy mô của dự án.
Từ đó, việc sản xuất và vận chuyển thiết bị sẽ được thực hiện với sự phối hợp chặt chẽ để đảm bảo tiến độ và tính an toàn. Sau đó, hệ thống sẽ được lắp đặt với sự hỗ trợ từ đội ngũ kỹ thuật của Vanderlande và các đối tác tại Việt Nam.
Cuối cùng, hệ thống sẽ trải qua giai đoạn kiểm tra toàn diện và chạy thử trước khi bàn giao, đảm bảo đạt tiêu chuẩn vận hành cao nhất.
Tại cuộc họp, hai bên đã thống nhất về lịch làm việc chi tiết tại Hong Kong (Trung Quốc) và Singapore. ACV và Vanderlande đều khẳng định quyết tâm xây dựng hệ thống xử lý hành lý hiện đại, góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động của Cảng HKQT Long Thành.
Vanderlande là một công ty tự động hóa hậu cần và xử lý vật liệu có trụ sở tại Veghel (Hà Lan) và là công ty con của Toyota Industries.
Vanderlande Industries có lịch sử hơn 75 năm, là đối tác hàng đầu trên thị trường toàn cầu về cung cấp giải pháp tự động hóa quy trình hậu cần và đảm bảo sẵn sàng cho tương lai trong các lĩnh vực kho bãi, vận chuyển hàng hóa – hành lý trong sân bay.
Có hơn 600 sân bay trên thế giới sử dụng hệ thống xử lý hành lý của Vanderlande, trong đó có 12/20 sân bay hàng đầu thế giới. Mỗi năm, Vanderlande di chuyển hơn 4 tỷ kiện hành lý, lắp đặt hơn 380 trạm kiểm soát an ninh hành khách tại các sân bay trên khắp thế giới.
Riêng về sân bay Long Thành, theo thiết kế, Cảng hàng không quốc tế Long Thành được trang bị các hệ thống “siêu” hiện đại áp dụng công nghệ mới nhất hiện nay như: Hệ thống làm thủ tục hành khách tự động (selfkios), hệ thống làm thủ tục ký gửi hành lý tự động (self baggage drop), hệ thống làm thủ tục xuất nhập cảnh tự động, cửa ra máy bay tự động…
Ngoài ra, Cảng hàng không quốc tế Long Thành còn có hệ thống cơ sở dữ liệu tập trung, được thiết kế cho sân bay thông minh để quản lý toàn bộ nguồn dữ liệu của sân bay (thông tin về chuyến bay, điều hành bay, xuất nhập cảnh, hải quan…).
Qua đó, giúp nhà điều hành sân bay có thể phân bổ khai thác cho toàn bộ sân bay (cửa ra máy bay, địa điểm làm thủ tục, bến đậu, cất, hạ cánh…) một cách hiệu quả nhất cũng như giúp nhà quản lý vận hành sân bay có thể giám sát, phát hiện, xử lý các vấn đề an ninh nhanh chóng và hiệu quả.