Cảng hàng không quốc tế Long Thành (Đồng Nai) có thể được coi là một siêu dự án của Việt Nam, được kỳ vọng trở thành một trong những trung tâm trung chuyển vận tải hàng không hiện đại hàng đầu tại khu vực Đông Nam Á.
Việt Nam là một trong những thị trường du lịch hàng không thương mại phát triển nhanh nhất trong ngành. Theo Cục Hàng không Việt Nam, các sân bay trong nước được dự báo sẽ phục vụ 78,3 triệu hành khách vào năm nay, tăng 8% so với cùng kỳ năm trước. Điều này được thúc đẩy bởi lưu lượng hành khách quốc tế tăng vọt, dự kiến đạt 43,5 triệu năm nay, tăng 33% so với năm 2023.
Việt Nam cũng là quốc gia có đường bay bận rộn nhất Đông Nam Á và bận rộn thứ 4 trên thế giới, chặng bay Hà Nội - TP.HCM phục vụ gần 11 triệu hành khách vào năm trước.
Tuy nhiên, tại các sân bay lớn của Việt Nam đều vượt công suất thiết kế. Theo đó, sân bay quốc tế Nội Bài được thiết kế đón 10 triệu hành khách/năm, hiện đang phục vụ 30 triệu lượt khách. Ở phía nam, sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất có công suất 30 triệu khách/năm, hiện đã vượt qua mốc đó hơn một thập kỷ trước và dự kiến đạt 150% công suất trong năm nay.
Do đó theo Simple Flying, cảng hàng không quốc tế Long Thành - "viên ngọc quý của Đông Nam Á" - đang dần thành hình sẽ là trung tâm hàng không lớn của thế giới với 5 dấu ấn quan trọng.
Sân bay Long Thành hiện đang được xây dựng cách trung tâm TP.HCM khoảng 40 km về phía đông trên một khu đất rộng khoảng 100 km2, diện tích gấp hơn 10 lần so với sân bay Tân Sơn Nhất.
Sau khi tất cả các giai đoạn hoàn thành, sân bay sẽ có 4 đường cất hạ cánh song song, mỗi đường dài 4.000 m và 4 nhà ga riêng biệt, mỗi nhà ga có 4 tầng và tổng diện tích sàn hơn 400.000 m2.
Với công suất lên đến 100 triệu hành khách/năm - gấp đôi lưu lượng sân bay Tân Sơn Nhất - khi hoàn thành tất cả 3 giai đoạn, sân bay Long Thành sẽ có nhiều không gian để phát triển thêm nhà ga và đường băng mới.
Sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất (TP.HCM) có lịch sử gần một thế kỷ với quy mô là sân bay nhỏ, đường băng chưa trải nhựa do chính quyền thực dân Pháp xây dựng. Vào giữa những năm 1950, một đường băng dài 7.200 feet (khoảng hơn 2.194 m) được xây dựng và đây là cửa ngõ quốc tế chính của Nam Việt Nam đến TP.HCM (chế độ cũ gọi là Sài Gòn).
Trong chiến tranh Việt Nam, cơ sở này đã trở thành một trong những căn cứ không quân bận rộn nhất trên thế giới. Hãng hàng không Mỹ Continental Airlines (sau này sáp nhập với United Airlines) đã khai thác hơn 30 chuyến bay thuê chuyến (charter) quân sự Boeing 707 hàng tuần đến và đi từ sân bay này trong giai đoạn năm 1968-1974.
Với sự sụp đổ của chính quyền Sài Gòn, Tân Sơn Nhất ban đầu được sử dụng như một sân bay đa chức năng trước khi được chuyển đổi thành sân bay dân dụng như ngày nay.
Ban đầu sân bay này chỉ có 1 nhà ga phục vụ chưa đến 8 triệu hành khách vào năm 2007 khi có thêm một nhà ga quốc tế. Nhưng kể từ đó, lưu lượng hành khách đã tăng vọt hơn 500%, sân bay Tân Sơn Nhất phục vụ 41 triệu hành khách vào năm trước, vượt xa công suất thiết kế ban đầu và đòi hỏi phải xây dựng sân bay Long Thành để giảm bớt áp lực.
Công tác chuẩn bị mặt bằng cho sân bay Long Thành chính thức bắt đầu vào tháng 1/2021 với việc xây dựng nhà ga đầu tiên bắt đầu một năm sau đó. Sân bay được hoàn thành theo 3 giai đoạn, cụ thể:
Giai đoạn 1 (2021-2026): Giai đoạn đầu có chi phí ước tính là 7,8 tỷ USD, bao gồm 2 trong 4 đường băng và nhà ga đầu tiên, cũng như giải phóng mặt bằng cho các giai đoạn sau. Khi hoàn thành vào đầu năm 2026, sân bay Long Thành có công suất ban đầu là 25 triệu hành khách và 1,2 triệu tấn hàng hóa mỗi năm.
Giai đoạn 2 (2026-2035): Sẽ đầu tư thêm 4,8 tỷ USD để tăng gấp đôi năng lực đón khách lên hơn 50 triệu khách/năm, tiếp tục đầu tư xây dựng thêm 1 nhà ga hành khách và 1 đường cất hạ cánh.
Giai đoạn 3 (sau năm 2035): Giai đoạn cuối cùng sẽ có chi phí ước tính là 7,2 tỷ USD. Giai đoạn này sẽ bổ sung thêm đường băng và tòa nhà nhà ga hành khách thứ 4, nâng tổng công suất thiết kế lên hơn 100 triệu hành khách và 5 triệu tấn hàng hóa mỗi năm.
Sau khi giai đoạn 1 hoàn thành, cảng hàng không quốc tế Long Thành dự kiến hoạt động song song với sân bay Tân Sơn Nhất. Vietnam Airlines và hầu hết các hãng hàng không quốc tế bay đến Việt Nam có thể sẽ chuyển đến cơ sở mới trong khi Tân Sơn Nhất vẫn giữ nguyên vị trí cho các hãng hàng không giá rẻ, tương tự như Bangkok (Thái Lan). Khi sân bay mở cửa hoàn toàn, Long Thành có khả năng trở thành sân bay chính của Việt Nam, thay thế sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất.
Công ty kiến trúc Hàn Quốc Heerim Architects & Planners - đơn vị thiết kế các công trình nổi tiếng như sân bay Incheon, sân vận động Olympic Baku hay trung tâm điện ảnh Busan - là đơn vị thiết kế sân bay Long Thành. Bên cạnh đó, liên danh Tập đoàn Cảng hàng không quốc tế Incheon (Hàn Quốc) và Công ty cổ phần dịch vụ tư vấn PMI (Việt Nam) là nhà thầu cung cấp các dịch vụ tư vấn công tác quản lý, khai thác cảng hàng không quốc tế Long Thành.
Lấy ý tưởng từ quốc hoa của Việt Nam, sân bay quốc tế Long Thành được thiết kế theo hình bông sen cách điệu. Phần sảnh chính có những lớp mái xếp chồng lên nhau như một bông sen đang bung nở. Hình ảnh hoa sen còn xuất hiện trong phần nội thất ở sảnh làm thủ tục và mặt chính của nhà ga.
Thiết kế sân bay quốc tế Long Thành lấy cảm hứng từ hình bông hoa sen tượng trưng cho sự thanh lịch, mạnh mẽ và văn hóa ấm áp của người Việt Nam. Sân bay hoàn thiện cao cả về mặt thẩm mỹ và chức năng, tận dụng công nghệ và thiết kế sân bay tốt nhất thế giới, đồng thời tích hợp liền mạch các yếu tố văn hóa Việt Nam vào cửa ngõ mới của đất nước với thế giới.
Heerim Architects and Planners mô tả.
Theo Simple Flying, một bất lợi của sân bay Long Thành khi nằm cách trung tâm TP.HCM khoảng 40 km - nơi có tình trạng tắc nghẽn giao thông đường bộ đáng kể. Do đó, các nhà quy hoạch sân bay đã đưa ra một loạt các lựa chọn giao thông mặt đất để tránh việc đi lại có thể mất 2 giờ đến sân bay mới.
Đường sắt cao tốc: Một tuyến đường sắt cao tốc mới sẽ kết nối sân bay như một phần của tuyến đường sắt cao tốc Bắc - Nam đoạn TP.HCM - Nha Trang. Tuyến đường sắt sẽ chạy ngầm qua trục trung tâm của sân bay, với vị trí nhà ga của tuyến đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam được đặt ở vị trí ngay trước nhà ga T1 của sân bay Long Thành.
Đường sắt nhẹ: Tuyến đường sắt nhẹ nối sân bay với Thủ Thiêm, ngay phía đông TP.HCM đang được quy hoạch và dự kiến xây dựng vào năm 2025-2030. Tàu chạy với tốc độ tối đa 80 km/h sẽ đưa hành khách đến trung tâm TP.HCM chỉ trong hơn nửa giờ.
Đường bộ: Có thể tiếp cận sân bay thông qua tuyến đường cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây và một tuyến đường bổ sung đang được quy hoạch ở phía đông sân bay để kết nối với tuyến đường cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết.