Công ty cổ phần Phục vụ mặt đất Sài Gòn (SAGS) vừa thông qua kế hoạch thành lập pháp nhân mới để triển khai gói thầu sửa chữa, bảo dưỡng phương tiện tại Cảng Hàng không Quốc tế (Cảng HKQT) Long Thành.
Theo đó, tại đại hội đồng cổ đông bất thường lần 1 diễn ra hôm 6/3 ở TP.HCM, SAGS đã chính thức chốt kế hoạch thành lập một pháp nhân mới để triển khai dự án đầu tư và vận hành dịch vụ sửa chữa, bảo dưỡng phương tiện, trang thiết bị hàng không, cùng dịch vụ kỹ thuật thương mại mặt đất số 2 tại sân bay Long Thành.
Công ty này đã bắt tay với Công ty cổ phần Phục vụ mặt đất Hà Nội (HGS) để đấu thầu dự án, trong đó SAGS nắm 75% vốn điều lệ, còn HGS đảm nhận 25% còn lại. Tổng mức đầu tư 790 tỷ đồng sẽ được huy động hoàn toàn từ vốn chủ sở hữu, không dựa vào vốn vay.
Dự án bao gồm hai gói thầu, mỗi gói triển khai trên diện tích hơn 7.000 m2, tiến độ thực hiện trong 18 tháng và thời hạn hoạt động lên tới gần 25 năm. Quy mô lớn đến mức vượt 35% tổng tài sản của SAGS theo báo cáo kiểm toán gần nhất, buộc hội đồng quản trị phải xin ý kiến cổ đông cho các quyết định quan trọng.
Đại diện SAGS cho biết quyết định mở rộng đầu tư và thành lập pháp nhân mới không chỉ giúp công ty nâng cao năng lực cạnh tranh trong lĩnh vực phục vụ mặt đất mà còn góp phần quan trọng vào sự phát triển chung của ngành hàng không Việt Nam, đóng góp vào mục tiêu tăng trưởng 8% của Chính phủ.
Trước đó, ngày 7/12/2024, Bộ trưởng Giao thông Vận tải (nay là Bộ Xây dựng) đã ban hành Quyết định số 1499/QĐ-BGTVT, chính thức phê duyệt kết quả lựa chọn nhà đầu tư cho dự án này. Theo đó, liên danh giữa Công ty Cổ phần Phục vụ Mặt đất Sài Gòn (SAGS) và Công ty Cổ phần Phục vụ Mặt đất Hà Nội (HGS) đã trúng thầu thực hiện dự án tại Cảng HKQT Long Thành.
Đây là dự án quan trọng, tập trung vào các hoạt động sửa chữa, bảo trì phương tiện, trang thiết bị hàng không, đồng thời cung cấp các dịch vụ kỹ thuật thương mại phục vụ khai thác mặt đất, góp phần nâng cao chất lượng hạ tầng và dịch vụ hàng không tại cảng hàng không mới này.
SAGS và HGS hiện đều đang có vốn của Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) với tỷ lệ sở hữu lần lượt 48,03% và 20%. Ngoài ra, hãng hàng không Vietjet Air cũng nắm 9,11% vốn SAGS.