Hãng hàng không Vietjet Air trễ hẹn với Côn Đảo khi 2 tàu Embraer E190 dự kiến khai thác chặng Hà Nội - Côn Đảo chưa về Việt Nam.
Chia sẻ với Opensky, lãnh đạo Cục Hàng không Việt Nam cho biết đến nay chưa có thông tin về thời điểm hãng hàng không Vietjet Air khai thác chặng bay Hà Nội - Côn Đảo. Lý do là chưa có tàu nào trong số 2 chiếc Embraer E190 mà hãng dự kiến nhận về đến Việt Nam.
Trước đó, cuối tháng 9, Cục Hàng không Việt Nam thông tin thời gian tới Vietjet Air dự kiến nhận 10 tàu bay, trong đó có 8 tàu Airbus A321 và 2 tàu Embraer E190. Các tàu E190 sẽ được hãng dùng để khai thác chặng bay thẳng Hà Nội - Côn Đảo.
Đây cũng là dòng tàu bay trước đây được hãng hàng không Bamboo Airways dùng để bay thẳng từ Hà Nội đến Côn Đảo. Tuy nhiên, từ tháng 4, hãng này đã trả sớm 3 tàu, dừng các đường bay đến Côn Đảo trong quá trình tái cấu trúc.
Hồi tháng 6, một lãnh đạo Vietjet Air xác nhận với OpenSky hãng đang triển khai kế hoạch khai thác các chặng từ Hà Nội, TP.HCM đến Côn Đảo bằng tàu bay Embraer E190. Việc khai thác chặng bay này nhằm bảo toàn mạng lưới đường bay cũng như mở độ phủ các đường bay của Vietjet trên toàn quốc.
Vị này khẳng định Côn Đảo là điểm đến tốt, mang yếu tố tâm linh, lịch sử. Tuy nhiên bài toán kinh tế là vấn đề phải cân nhắc. "Vận hành thêm một dòng tàu bay mới thì yếu tố hiệu quả cần đặt lên hàng đầu", lãnh đạo Vietjet Air nói.
Thời gian qua, Vietjet cũng liên tục đăng tuyển phi công, thợ máy cho đội tàu E190. Với sự tham gia của hãng, hành khách có thêm lựa chọn, tiết kiệm thời gian, chi phí hơn trên đường bay đặc thù này. Sau khi Bamboo Airways rút khởi đường bay Côn Đảo, hành khách ở khu vực phía bắc tới Côn Đảo buộc phải bay nối chuyến qua sân bay Tân Sơn Nhất hoặc Cần Thơ, sau đó tiếp tục di chuyển bằng tàu ATR72 của Vietnam Airlines hoặc VASCO.
Do đặc thù đường đường cất/hạ cánh ngắn, sân bay Côn Đảo chỉ tiếp nhận được các tàu bay như ATR72, E190 hoặc tương đương. Mỗi chuyến bay bằng ATR72 chỉ chở tối đa 66 hành khách. Bên cạnh đó, sân bay Côn Đảo không có đèn đêm, các hãng hàng không chỉ khai thác được ban ngày, tối đa 30 chuyến một ngày.
Nhu cầu bay lớn, trong khi năng lực vận chuyển của các hãng bị giới hạn, nên giá vé chặng bay đến Côn Đảo luôn ở mức cao. Cụ thể, vé khứ hồi TP HCM - Côn Đảo thường quanh mức 2,7 triệu đồng. Vé bay thẳng Hà Nội - Côn Đảo trước đây Bamboo Airways khai thác cũng không dưới 3 triệu đồng một chiều. Nếu bay từ phía bắc, chi phí của hành khách phải bỏ ra khoảng 7 triệu đồng.
Hồi tháng 8, Bộ Giao thông Vận tải (Bộ GTVT) từng đề xuất mở rộng đường băng tại Côn Đảo từ 30 lên 45 m và xây mới một đường lăn song song để đón các máy bay lớn như A320, A321, B737.
Dự án đầu tư cải tạo, nâng cấp đường cất hạ cánh, đường lăn tại sân bay Côn Đảo được Bộ GTVT phê duyệt chủ trương đầu tư với tổng mức đầu tư khoảng 1.680 tỷ đồng, được Thủ tướng giao kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn ngân sách Nhà nước giai đoạn 2021-2025.
Trên cơ sở kết quả tính toán các đường bay dự kiến, điều kiện khai thác, tư vấn quốc tế ADPi (Pháp) kết luận chiều dài đường cất hạ cánh hiện tại của sân bay Côn Đảo đủ để tiếp nhận và khai thác hiệu quả hầu hết tàu bay code C do các hãng hàng không Việt Nam khai thác, ngoại trừ tàu bay A321 phải giảm tải trọng thương mại.