Nếu hoàn tất các thủ tục thuê tàu bay và triển khai bổ sung AOC trong nửa tháng tới, Vietjet Air hoàn toàn có thể bay khai các thác đường bay tới Côn Đảo từ đầu tháng 8.
Từ cuối năm 2018, Vietjet Air đã có văn bản gửi Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) tìm hiểu khả năng khai thác đường bay đến cảng hàng không Côn Đảo. Hãng lúc đó đã làm việc với các đối tác để dự kiến khai thác 2-3 máy bay Airbus A319. Đường bay mà Vietjet Air dự kiến triển khai là Hà Nội - Côn Đảo, TP.HCM - Côn Đảo và Côn Đảo - Hà Nội với tần suất 4 đến 6 chuyến/ngày.
Tuy nhiên, phải đến năm nay, Vietjet Air mới có thể tiến gần hơn tới "đường bay vàng" này.
Chia sẻ với OpenSky, ông Trịnh Hàng, Giám đốc Sở Du lịch tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, cho biết Vietjet Air đã lên kế hoạch khai thác các chặng từ Hà Nội, TP.HCM đến Côn Đảo trong thời gian tới.
"Phía Vietjet Air đã thuê máy thân hẹp để bay thử nghiệm, sắp tới hãng sẽ khai thác các đường bay mà Bamboo Airways đã ngừng hoạt động", ông Hàng nói.
Để một hãng hàng không có thể khai thác đường bay ra Côn Đảo, Cục Hàng không Việt Nam là cơ quan xem xét cấp quyền vận chuyển. Về điều kiện để được cấp phép, theo một chuyên gia hàng không, Vietjet Air là hãng hàng không đáp ứng đủ các yêu cầu theo quy định và nếu khai thác bằng tàu bay Embraer E190 thì không có trở ngại gì bởi trước đó Bamboo Airways đã từng khai thác.
"Thực tế, Cục Hàng không luôn tạo điều kiện cho các hãng phát triển để tăng năng lực phục vụ nhu cầu của xã hội, tăng tính cạnh tranh của thị trường”, chuyên gia này nói.
Theo quy định hiện hành và thực tiễn hoạt động của ngành hàng không Việt Nam, nếu muốn mở đường bay tới Côn Đảo, Vietjet Air cần trải qua một số thủ tục.
Đầu tiên, hãng cần báo cáo kế hoạch sơ bộ và xin cấp quyền vận chuyển để thực hiện các chuyến bay thường lệ đến Côn Đảo. Báo cáo bao gồm kết quả nghiên cứu thị trường, đánh giá khả năng mở đường bay của hãng; loại tàu bay khai thác, dự kiến lịch bay; nguồn nhân lực… sau đó xin cấp slot hoặc thực hiện song song.
Kế đến, hãng bay tìm kiếm bên cho thuê tàu bay dựa trên đánh giá thị trường. Nếu thuê ướt (thuê tàu bay và tổ bay), Vietjet Air có thể đưa vào khai thác luôn sau khi đã có quyền vận chuyển và slot bay.
Nhược điểm của phương án này là chi phí cao, thời gian thuê ướt tàu bay bị giới hạn trong khung từ 3 tháng tới tối đa 12 tháng.
Nếu thuê khô tàu bay (thuê tàu bay không có tổ bay) để khai thác dài hạn, hãng phải hãng phải làm thủ tục bổ sung loại tàu bay mới vào AOC (Air Operator Certificate - Giấy chứng nhận người khai thác tàu bay) mất khoảng 2-3 tháng. Sau khi được cấp AOC, hãng mới có thể tổ chức bay.
Để được cấp bổ sung AOC, hãng cần chuẩn bị chuẩn bị tài liệu về khai thác, kế hoạch bảo dưỡng tàu bay mới, tuyển dụng và đào tạo nhân sự (phi công, tiếp viên, thợ máy…), kế hoạch hậu cần kỹ thuật cho loại tàu bay mới…
Bên cạnh đó, hãng bay cần lên phương án thương mại liên quan như tổ chức bán vé, sửa chữa bảo dưỡng, bảo hiểm, thiết lập kho vật tư, ký hợp đồng bổ sung với các đơn vị liên quan như phục vụ mặt đất, đơn vị cung cấp dịch vụ xăng dầu.
Cuối cùng là công tác quảng bá, bán vé theo chiến lược, kế hoạch kinh doanh.
Nếu tiến hành các thủ tục thuê tàu bay và bổ sung AOC từ nay cho đến nửa đầu tháng 6, Vietjet Air hoàn toàn có thể bắt đầu khai thác các đường bay này từ đầu tháng 8 như một số thông tin được bàn luận sôi nổi gần đây.
Hơn 12 năm trước, hãng hàng không Air Mekong đã khai thác đường bay Hà Nội - Côn Đảo bằng tàu bay phản lực Bombardier CRJ 900. Thời điểm đó, dù phải dừng tiếp nhiên liệu ở Tân Sơn Nhất khiến tổng thời gian bay kéo dài hơn 3 giờ, nhiều hành khách từ Hà Nội vẫn rất hào hứng với Air Mekong. Họ không cần phải nối chuyến từ TP.HCM - Côn Đảo hoặc Cần Thơ - Côn Đảo và chờ đợi 5-8 tiếng.
Dù vậy, chỉ sau một năm Air Mekong phải dừng đường bay này do thua lỗ.
Mãi đến cuối tháng 9/2020, mới có hãng hàng không Bamboo Airways chính thức khai thác 3 đường bay từ Hà Nội, Hải Phòng, Vinh đến Côn Đảo và tiếp tục mở đường bay TP.HCM - Côn Đảo vào tháng 2/2021 bằng tàu bay Embraer E190. Loại máy bay này có thể bay thẳng trực tiếp từ Hà Nội đến Côn Đảo chỉ mất hơn 2 giờ. Trong khi nếu chọn Vietnam Airlines và VASCO (đơn vị thành viên của Vietnam Airlines) thì phải bay vào TP.HCM sau đó mới ra Côn Đảo.
Trước sự cạnh tranh từ Bamboo Airways, Vietnam Airlines Group đã giảm giá vé bay nối chặng, từ mức 5-7 triệu đồng (bao gồm thuế, phí) có thời điểm chỉ còn 2,7 đến 3 triệu đồng.
Tuy nhiên, đến ngày 1/4/2024, Bamboo Airways cũng dừng hết các đường bay đến Côn Đảo. Khách bay không còn lựa chọn và phải dồn từ các sân bay địa phương về Tân Sơn Nhất để đến Côn Đảo. Quá trình di chuyển vì thế trở lại như trước đây, mất ít nhất 5 đến 8 tiếng để chờ đợi. Trong khi đó, giá vé lại đắt đỏ khi số lượng nhà cung cấp giảm đi.
Do đường cất/hạ cánh ngắn, hiện chỉ có Vietnam Airlines và VASCO khai thác bay đến cảng hàng không Côn Đảo bằng tàu bay ATR 72 từ TP.HCM và Cần Thơ. Trong bối cảnh Bamboo Airways dừng khai thác đến Côn Đảo, ngày 18/3, Vietnam Airlines đã tăng 50% tần suất trên đường bay này so với tháng 2.
Thời gian tới, với sự bổ sung nhà cung cấp dịch vụ bay tới Côn Đảo, Giám đốc Sở Du lịch tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu Trịnh Hàng đánh giá đây là điều tích cực cho ngành du lịch tỉnh. "Đường bay hoạt động sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho du khách trong nước nói chung và miền Bắc nói riêng đến với Côn Đảo", ông Hàng hào hứng.
Theo quy hoạch tới năm 2025, đường băng của sân bay Côn Đảo được xây mới với chiều dài 2.400 m, đủ năng lực phục vụ an toàn, hiệu quả các dòng máy bay Airbus A320 hoặc Boeing 737 và tương đương. Hiện tại, đường bay này chỉ dài 1.830 m, đồng nghĩa bất kỳ hãng bay nào ngoài Vietnam Airlines/VASCO nếu muốn khai thác bay Côn Đảo phải biên chế dòng máy bay mới phù hợp.
Theo thống kê, số lượng chuyến bay đi và đến Côn Đảo là 20-22 chuyến/ngày vào ngày thường và 25-26 chuyến/ngày vào cuối tuần. Sân bay Côn Đảo hiện chỉ có năng lực phục vụ tối đa 33 chuyến/ngày trong khoảng thời gian 6-18h vì chưa có hệ thống đèn hàng không phục vụ bay đêm.
Tính riêng trong năm 2023, thị phần vận chuyển khách du lịch bằng đường không chiếm tỷ lệ 72% trên tổng số lượt khách đến Côn Đảo, cho thấy nhu cầu di chuyển bằng đường không đến đảo rất cao.
Theo báo cáo của UBND huyện Côn Đảo, tổng lượt khách đến Côn Đảo trong năm 2023 ước đạt 586.000 lượt, tăng 11,94% so với cùng kỳ 2022. Trong đó, lượng khách quốc tế đạt khoảng 17.000 lượt.