Bộ GTVT cần rà soát phương án đầu tư tổng thể sân bay Côn Đảo (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) để bảo đảm đồng bộ, hiệu quả, tránh dàn trải và báo cáo Chính phủ trước 20/8.
Ngày 16/8, Văn phòng Chính phủ có văn bản truyền đạt ý kiến của Phó thủ tướng Trần Hồng Hà về phương án đầu tư Cảng hàng không Côn Đảo.
Văn bản nêu rõ xét kiến nghị của Bộ GTVT, Phó thủ tướng yêu cầu Bộ GTVT rà soát phương án đầu tư tổng thể Cảng hàng không Côn Đảo bảo đảm đồng bộ, hiệu quả, tránh đầu tư dàn trải và đảm bảo phù hợp với Đề án định hướng huy động nguồn vốn xã hội đầu tư kết cấu hạ tầng cảng hàng không.
Phó thủ tướng yêu cầu phương án đầu tư tổng thể đề xuất để kêu gọi, thu hút và triển khai dự án đầu tư phải nêu rõ cơ sở pháp lý, cơ sở khoa học, tính khả thi (về tiến độ đầu tư, hiệu quả đầu tư, sự phù hợp với quy mô và định hướng phát triển, phù hợp với các quy hoạch…).
Đồng thời, phương án phải nêu rõ các nội dung nào đã đảm bảo tuân thủ đúng chỉ đạo của lãnh đạo Chính phủ về thu hút đầu tư theo phương thức PPP (kêu gọi đầu tư PPP toàn bộ hay từng phần? Lý do? Đánh giá tính khả thi và tiến độ triển khai).
Bộ GTVT trao đổi, thống nhất phương án đầu tư với UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu và báo cáo Thủ tướng trước ngày 20/8.
Trước đó, Bộ GTVT đề xuất Thủ tướng phương án nâng cấp đường băng sân bay Côn Đảo. Với chiều dài đường băng hiện hữu chỉ 1.830 m, cùng đường cất hạ cánh, đường lăn xuống cấp, chịu tải kém, sân bay này cần nâng cấp để đón được máy bay cỡ lớn và đáp ứng nhu cầu đi lại của khách du lịch.
Theo báo cáo của Cục Hàng không, để khai thác đầy tải trọng thương mại với các dòng tàu bay tầm trung như A321, cần kéo dài đường cất hạ cánh ra phía biển khoảng 860 m (về phía đông) để đạt chiều dài 2.400 m. Ước tính sơ bộ kinh phí đầu tư phát triển sân bay Côn Đảo theo kịch bản này là khoảng trên 10.000 tỷ đồng.
Tuy nhiên, địa hình khu vực sân bay Côn Đảo hạn chế, cùng điều kiện triển khai ra phía biển phức tạp, kinh phí đầu tư lớn. Bên cạnh đó là tác động lớn tới môi trường nếu kéo dài đường băng.
Trong khi đó, sau một thời gian nghiên cứu, đánh giá, đơn vị tư vấn ADPi (Pháp) cho rằng chiều dài đường băng 1.830 m là đủ để tiếp nhận hầu hết máy bay Code C như A320 neo/ceo, B737-7/8, E190/E195, ngoại trừ máy bay A321 phải giảm tải trọng khi khai thác.
Từ kết luận của ADPi, Bộ GTVT đề xuất Chính phủ tiếp tục thực hiện dự án đầu tư cải tạo, nâng cấp đường băng, đường lăn tại sân bay Côn Đảo với tổng đầu tư khoảng 1.680 tỷ đồng.
Phương án đề xuất được cập nhật là không kéo dài đường băng sân bay Côn Đảo mà mở rộng đường băng hiện hữu theo quy hoạch với kích thước 1.830 x 45 m, kết hợp nâng cao sức chịu tải của kết cấu mặt đường, xây mới một đường lăn song song và các đường lăn nối, bổ sung các hạng mục an toàn, hệ thống thiết bị hạ cánh đồng bộ để khai thác hiệu quả các loại máy bay Code C.
Thủ tướng đã phê duyệt điều chỉnh tổng thể quy hoạch chung xây dựng Côn Đảo đến năm 2045. Trong đó dự báo quy mô khách du lịch đến năm 2030 là khoảng 1-1,2 triệu khách/năm, năm 2045 khoảng 1,7-2 triệu khách/năm.
Với quy mô trên, Bộ GTVT cho rằng giai đoạn đến năm 2030 cần nghiên cứu, đầu tư xây dựng khu hàng không dân dụng như nhà ga hành khách, sân đỗ, hạ tầng kỹ thuật đồng bộ mới với công suất khoảng 2 triệu hành khách/năm. Ước tính kinh phí đầu tư khoảng 2.100 tỷ đồng.