tạp chí bầu trời

Xây dựng sân bay mới: Huy động tối đa vốn xã hội

Về vốn đầu tư cho sân bay mới, Bộ GTVT cho biết sẽ huy động tối đa nguồn vốn của xã hội đầu tư theo phương thức đối tác công tư.

Theo Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng hàng không, sân bay toàn quốc thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 vừa được Bộ GTVT trình Chính phủ, trong giai đoạn năm 2021-2030 sẽ ưu tiên tập trung đầu tư một số cảng hàng không lớn, đóng vai trò đầu mối tại vùng thủ đô Hà Nội (cảng hàng không Nội Bài) và vùng TP.HCM (cảng hàng không Tân Sơn Nhất và Long Thành);

Từng bước nâng cấp và khai thác có hiệu quả 22 cảng hàng không hiện hữu, đầu tư 6 cảng hàng không mới để nâng tổng số cảng hàng không của cả nước đưa vào khai thác lên 28 cảng, tổng công suất thiết kế hệ thống cảng hàng không đáp ứng khoảng 278 triệu hành khách, bảo đảm trên 95% dân số có thể tiếp cận tới cảng trong phạm vi 100km.

Đầu tư hệ thống cơ sở hạ tầng, thiết bị quản lý bay theo hướng đồng bộ, hiện đại, ngang tầm khu vực, đáp ứng nhu cầu vận tải. Từng bước đầu tư các trung tâm logistics, trung tâm đào tạo, huấn luyện bay, bảo dưỡng sửa chữa máy bay và hệ thống trang thiết bị bảo đảm hoạt động bay.

 
Xay dung san bay moi: Huy dong toi da von xa hoi
Phối cảnh Cảng hàng không Quảng Trị. Ảnh: UBND tỉnh Quảng Trị

Theo tính toán của Bộ GTVT, nhu cầu vốn đầu tư phát triển hệ thống cảng hàng không đến năm 2030 khoảng 400.000 tỷ đồng (chiếm khoảng 22% nhu cầu vốn đầu tư toàn ngành), được huy động nguồn vốn ngân sách nhà nước, vốn ngoài ngân sách và các nguồn vốn hợp pháp khác.

Để thực hiện quy hoạch, Bộ GTVT đề xuất nghiên cứu điều chỉnh, bổ sung và hoàn thiện các quy định của pháp luật (luật và các nghị định liên quan) để có thể huy động nguồn vốn ngoài ngân sách đầu tư theo phương thức nhượng quyền đầu tư, khai thác cảng hàng không. Xây dựng và ban hành quy định về lựa chọn nhà đầu tư đối với công trình dịch vụ chuyên ngành hàng không tại cảng.

Nghiên cứu xây dựng cơ chế đầu tư xây dựng công trình kết cấu hạ tầng cảng, công trình bảo đảm hoạt động bay, phục vụ dùng chung hàng không dân dụng và quân sự trên đất do quốc phòng quản lý; xây dựng cơ chế chuyển sân bay chuyên dùng thành cảng quốc nội khi sân bay chuyên dùng có nhu cầu khai thác các chuyến bay thường lệ và có cơ sở hạ tầng bảo đảm phục vụ hành khách công cộng.

Về giải pháp về huy động vốn đầu tư, đối với cảng mới, trong Tờ trình cũng nêu rõ sẽ huy động tối đa nguồn vốn của xã hội đầu tư theo phương thức đối tác công tư. Giao UBND các tỉnh, thành phố có quy hoạch cảng hàng không mới là cơ quan có thẩm quyền để huy động, cân đối nguồn lực và tổ chức thực hiện đầu tư.

Đối với cảng hiện đang khai thác, Bộ GTVT đề xuất nghiên cứu xây dựng cơ chế phân cấp quản lý các cảng để địa phương có thể huy động nguồn lực đầu tư nâng cấp, mở rộng các cảng phục vụ nhu cầu phát triển kinh tế, xã hội của địa phương. Nghiên cứu xây dựng cơ chế tài chính để doanh nghiệp cảng và doanh nghiệp cung ứng dịch vụ bảo đảm hoạt động bay đủ năng lực tự đầu tư, quản lý và khai thác các công trình kết cấu hạ tầng sân bay và công trình kỹ thuật bảo đảm hoạt động bay.

 

Riêng các cảng quan trọng quốc gia, các cảng có hoạt động quân sự chiến lược về quốc phòng, an ninh và các cảng khu vực biên giới, hải đảo sẽ ưu tiên sử dụng nguồn lực của Nhà nước (doanh nghiệp Nhà nước và ngân sách Nhà nước) để đầu tư...

Liên quan đến kiến nghị phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển cảng hàng không, sân bay toàn quốc thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn 2050 của Bộ GTVT, ngày 23/11, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành đã giao Bộ GTVT rà soát kỹ các nội dung của Quy hoạch bảo đảm phù hợp với chỉ tiêu sử dụng đất phát triển hạ tầng tại Quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 2 Quốc hội khóa XV, chuẩn bị báo cáo Thường trực Chính phủ về nội dung quy hoạch, trong đó nêu rõ việc xây dựng tiêu chuẩn, tiêu chí, quy trình lựa chọn quy hoạch hệ thống cảng hàng không.

Minh Thái/datviet.trithuccuocsong.vn

Bình luận
Gửi bình luận
Bình luận