Dù gặp nhiều thách thức, Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam (VATM) vẫn đạt được kết quả kinh doanh khả quan.
Theo báo cáo của VATM, tính đến hết tháng 9, sản lượng điều hành bay của tổng công ty là khoảng 650.853 lần chuyến, đạt 86,07% kế hoạch năm nay, tăng 5,63% so với cùng kỳ năm 2023; tổng doanh thu ước tính 2.994 tỷ đồng, đạt 76,81% so với kế hoạch năm.
Phát biểu trong Hội nghị sơ kết 9 tháng đầu năm, Chủ tịch VATM Lê Hoàng Minh đánh giá để đạt được kết quả này, Tổng công ty đã phải nỗ lực vượt qua nhiều thử thách.
Trong 9 tháng đầu năm, tình hình thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường. Tình trạng bất ổn an ninh, chính trị leo thang tại một số quốc gia, khu vực khiến hoạt động hàng không bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
Siêu bão Yagi đầu tháng 9 đã để lại hậu quả nặng nề cho các tỉnh phía bắc Việt Nam. Khi cơn bão đổ bộ, nhiều sân bay đã phải dừng hoạt động, hàng trăm chuyến bay phải hoãn/hủy.
Trong quý III, hai dự án lớn là Đài kiểm soát không lưu Long Thành và Trung tâm kiểm soát không lưu Hồ Chí Minh (ATCC/HCM) đã đạt được một số thành quả đáng kể. Trong khi ATCC/HCM đã được cất nóc, Đài kiểm soát không lưu Long Thành cũng đã thành hình.
Các nhà thầu cũng đã ký cam kết đẩy nhanh tiến độ hoàn thành các hạng mục, đảm bảo hoàn thành trước thời hạn như kế hoạch ban đầu.
Một số công trình mới cũng được đưa vào hoạt động trong giai đoạn này như Đài kiểm soát không lưu Buôn Ma Thuột hay Đài kiểm soát không lưu Điện Biên.
Trong thời gian qua, VATM cũng đã thực hiện tốt các nội dung liên quan đến việc rà soát các phương thức bay, đường hàng không, tổ chức vùng trời và khai thác không lưu.
Tông công ty cũng đảm bảo việc duy trì, vận hành Hệ thống quản lý an toàn, thực hiện các nhiệm vụ liên quan đến công tác ứng phó khẩn nguy và tìm kiếm cứu nạn.
Bên cạnh đó, VATM đã ký kết với nhiều đối tác nước ngoài để nâng cấp các hệ thống kiểm soát hàng không. Trong đó nổi bật là hợp đồng trị giá 3 triệu USD với tập đoàn MITRE (Mỹ) để xây dựng hệ thống tự động hóa quản lý không lưu (ATM) và hệ thống quản lý luồng không lưu (ATFM) tại Việt Nam.
Cuối tháng 8, VATM cũng đã lựa chọn nhà thầu Indra của Tây Ban Nha cung cấp các dịch vụ như kiểm soát không lưu; giám sát hoạt động bay; thông tin, liên lạc hàng không; quản lý luồng không lưu… cho toàn bộ các hoạt động bay dân dụng, vận tải quân sự, các hoạt động bay chuyên dụng khác của ATCC/HCM.
Theo Chủ tịch VATM, bước sang quý IV, Tổng công ty cần hoàn thành 16 nhiệm vụ. Trong đó ông lưu ý tiến độ các dự án trọng điểm, đảm bảo an ninh, an toàn trong quản lý bay là những nhiệm vụ quan trọng mà VATM cần phải thực hiện.
Đây cũng là thời điểm Tổng công ty hướng tới kỷ niệm 30 năm ngày nhận lại quyền điều hành Vùng thông báo bay (FIR) Hồ Chí Minh.