Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tập trung cứu nạn, cứu hộ với người bị nạn, mất tích, cứu chữa những người bị thương, lo hậu sự cho người xấu số, nhanh chóng ổn định tình hình.
Chiều 11/9, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì cuộc họp của Thường trực Chính phủ về một số nội dung quan trọng.
Trước tình hình mưa lũ vẫn diễn biến phức tạp, Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương đặt tính mạng, an toàn, sức khỏe của người dân lên trên hết, trước hết, không để ai bị đói, bị rét, bị khát, không có chỗ ở.
Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, cơ quan, địa phương tổ chức ứng trực 24/24h để ứng phó, giải quyết các vấn đề khẩn cấp. Người đứng đầu Chính phủ chỉ đạo Bộ Quốc phòng, Bộ Công an và các cơ quan, đơn vị, địa phương không bị ảnh hưởng bởi bão số 3 tập trung lực lượng, hỗ trợ địa phương, cơ quan, người dân bị thiệt hại, trên tinh thần "ai có của giúp của, ai có công giúp công, có ít giúp ít, có nhiều giúp nhiều", "lá lành đùm lá rách", "lá rách ít đùm lá rách nhiều", "tương thân, tương ái".
Đồng thời, hưởng ứng lời kêu gọi của Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cả cộng đồng chung tay khắc phục hậu quả do cơn bão số 3 và lũ lụt, sạt lở do hoàn lưu bão gây ra.
Các bộ, ngành, địa phương, các lực lượng tiếp tục tập trung cứu hộ, cứu nạn với người bị nạn, mất tích, cứu chữa những người bị thương; lo hậu sự cho người xấu số và nhanh chóng ổn định tình hình trong thời gian sớm nhất.
Đặc biệt, Thủ tướng yêu cầu tìm mọi biện pháp, bằng mọi phương tiện đường thủy, đường bộ, hàng không, tiếp cận, hỗ trợ trợ nhu yếu phẩm cho khu vực bị chia cắt, nhất là lương thực, thực phẩm, nước uống, thuốc men...
Cùng với đó, Thủ tướng lưu ý chuẩn bị sinh phẩm, thuốc men, xử lý ô nhiễm môi trường, phòng chống dịch bệnh sau thiên tai, nhất là tại các địa phương bị ngập lụt, chia cắt, những nơi đã ổn định tình hình thì khẩn trương đón học sinh đến trường; đồng thời, có chính sách khoanh nợ, giãn nợ, cho vay, hỗ trợ người dân, doanh nghiệp dân doanh khôi phục sản xuất, kinh doanh, ổn định sản xuất, sinh kế, đời sống.
Thủ tướng yêu cầu tiếp tục kiểm tra, giám sát chặt chẽ tình hình đê điều, hồ đập và có đánh giá, dự báo sát tình hình để có phương án xử lý phù hợp, di dời người dân khỏi vùng nguy hiểm.
Trong công tác khắc phục hậu quả, Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành hướng dẫn thủ tục mua sắm trong điều kiện khẩn cấp để các cơ quan, địa phương có trang thiết bị, phương tiện kỹ thuật, vật tư, hàng hóa phục vụ ứng phó, khắc phục hậu quả do bão số 3 và mưa lũ, sạt lở do hoàn lưu bão gây ra.
Cùng với đó, đẩy mạnh cung ứng trang thiết bị, vật tư, nhiên nguyên liệu phục vụ sản xuất, kinh doanh, khôi phục các hoạt động nông nghiệp, công nghiệp, kiểm soát thị trường, giá cả, bảo đảm cung ứng đủ hàng hóa phục vụ dân sinh, không để thiếu hàng, tránh tình trạng găm hàng, đội giá.
Thủ tướng yêu cầu các cơ quan truyền thông cùng với cập nhật diễn biến tình hình mưa, lũ, tăng cường thông tin khuyến cáo và hướng dẫn kỹ năng cho người dân phòng, chống, thích ứng, khắc phục hậu quả bão lụt và khôi phục đời sống, sản xuất, kinh doanh.
Trước đó, theo Cục Quản lý đê điều và phòng, chống thiên tai (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), do ảnh hưởng của bão số 3 và mưa lũ sau bão, các địa phương đã thống kê bước đầu một số thiệt hại tính đến 13h30 ngày 11/9, có 296 người tử vong, mất tích (155 người chết, 141 người mất tích), tăng 4 người (tại tỉnh Yên Bái) so với báo cáo lúc 11h cùng ngày.
Tại Phú Thọ, tính đến chiều 11/9, sau hơn 2 ngày kể từ khi sự cố sập cầu Phong Châu xảy ra, lực lượng chức năng vẫn chưa tìm thấy người nào trong số 8 nạn nhân mất tích.
Công tác tìm kiếm các nạn nhân đang gặp nhiều khó khăn do mực nước tiếp tục dâng cao, chảy xiết. UBND huyện Tam Nông cho biết đã huy động nhiều phương tiện, nhân lực. Ba nạn nhân được cứu ngay trong sáng 9/9, sức khoẻ đã ổn định. Dù việc tìm kiếm diễn ra khó khăn, công tác này vẫn phải tiếp tục tiến hành bất chấp các khó khăn về thời tiết, nước lũ.
Tại Lào Cai, trời tiếp tục mưa, trên các dải núi vẫn có sạt lở. Công tác tìm kiếm tại thôn Làng Nủ hiện nay rất khó khăn, một tình huống không mong muốn đã xảy ra khiến các lực lượng tìm kiếm đã phải rút về. Hiện, trên các dải núi vẫn có sạt lở sau mưa bão nhiều ngày, đặc biệt trời vẫn đang tiếp tục mưa, điện chưa được cung cấp, nước chưa được khơi thông.
Theo thống kê đến 17h30 ngày 11/9, cơn lũ quét đã vùi lấp 37 hộ dân thuộc thôn Làng Nủ với 158 nhân khẩu, 100% là đồng bào dân tộc Tày. Trong đó, 34 người chết, 17 người bị thương đang được điều trị tích cực tại các cơ sở y tế, 46 người may mắn chạy thoát, còn lại 61 người hiện đang mất tích.
Đến chiều 11/9, đã có gần 500 người, gồm lực lượng Quân khu 2, Công an, dân quân tự vệ địa phương, y tế... có mặt để tiến hành công tác cứu hộ, cứu nạn, tìm kiếm người mất tích.
Tại Hà Nội, lúc 17h ngày 11/9, mực nước sông Hồng đã ngưng tăng khi đạt khi đạt 11,22 m, cách báo động 3 là 28 cm. Đây là mực nước đo được ở sông Hồng (đoạn Long Biên) lúc 15h. Như vậy, trong khoảng 2 giờ qua, lũ tại sông Hồng qua Hà Nội đã ngừng tăng, lũ có xu thế chững lại.
Thời điểm 11h ngày 11/9, mực nước sông Hồng tại Hà Nội lên 11,10 m, cách báo động 3 còn 40 cm.
Đài Khí tượng thủy văn khu vực đồng bằng và trung du Bắc Bộ dự báo mực nước sông Hồng tại Hà Nội tiếp tục biến đổi chậm và xuống dần. Từ 19h, mực nước sông Hồng tại Hà Nội là 11,35 m (dưới báo động 3 là 0,25 m).
Đến 1h ngày 12/9, mực nước còn 11,30 m (dưới báo động 3 là 0,20 m). Đến 7h ngày 12/9 mực nước trên sông Hồng tại Hà Nội là 11,25 m (dưới báo động 3 là 0,25 m).
Tuy nhiên, lũ trên sông Hồng vẫn ở mức cao gây ngập lụt vùng trũng thấp, các bãi nổi giữa sông, vùng ven sông, sạt và xói lở đất bờ bãi ven sông; nguy cơ mất an toàn đối với các tuyến đê thuộc các quận, huyện: Bắc Từ Liêm, Hai Bà Trưng, Đan Phượng, Phúc Thọ, Sơn Tây, Thanh Trì, Gia Lâm, Long Biên, Tây Hồ, Hoàn Kiếm, Đông Anh…
Kể từ trước và trong bão lũ, Thủ tướng đã ban hành 6 công điện, liên tiếp chỉ đạo các bộ, ngành, cơ quan, địa phương tập trung ứng phó bão, mưa lũ, sạt lở… Chính phủ cũng thành lập các đoàn do Thủ tướng, các phó thủ tướng, các bộ trưởng trực tiếp đi kiểm tra, đôn đốc, chỉ đạo triển khai công tác ứng phó ở các địa phương; quyết định lập Ban chỉ đạo tiền phương để trực tiếp chỉ đạo ứng phó bão.