Drone (máy bay không người lái) đã được huy động, hỗ trợ vận chuyển nhu yếu phẩm trong bối cảnh mưa lũ nguy cấp ở nhiều địa phương miền Bắc.
Ngày 10/9, anh Quốc Việt (Hà Nội) cùng đồng nghiệp công ty Việt-Flycam nảy ra ý tưởng sử dụng drone để hỗ trợ bà con trong việc vận chuyển hàng hóa, thay cho thuyền, cano.
Theo đó, nhóm anh có khoảng 20 máy, phân phối thành 3-5 tổ máy. Mỗi tổ gồm 2 máy trinh sát, một máy tầm nhiệt, 2 máy tải đồ. Các thiết bị được trang bị loa, đèn, vài bộ áo phao, đội mưa di chuyển để hỗ trợ cứu hộ trong điều kiện khắc nghiệt.
Hiện, đoàn anh Việt đã di chuyển đến Lào Cai sau khi hỗ trợ ở Thái Nguyên, Tuyên Quang.
"Khó khăn nhất là thông tin, vì thông tin trên mạng hầu hết đều cập nhật chậm. Thậm chí có người đưa thông tin sai sự thật để câu like, khiến ban đầu tôi rất hoang mang. May mắn chúng tôi được sự hỗ trợ của chính quyền địa phương", anh Việt nói.
Đầu tiên, drone gắn camera sẽ bay tỏa đi khắp khu vực, đến những nơi xa xôi để tìm người dân gặp khó khăn, cano không tiếp cận được, cách xa khu vực 5-7 km. Máy bay sẽ phát hiện người thông qua camera tầm nhiệt.
Nhóm phối hợp với chính quyền địa phương, để tiếp cận danh sách những hộ cần hỗ trợ và loại nhu yếu phẩm cần thiết, như đồ ăn, nước uống, sạc dự phòng.
Từ danh sách đó, những chiếc drone chỉ cần bay theo lịch trình đã định sẵn. Tất cả các máy bay sẽ được trang bị hệ thống gắp nhả đồ, vận chuyển 25-30 gói hàng mỗi giờ. Mỗi lần bay, drone sẽ chở đến cho từng hộ, chọn nơi khô ráo, thả đồ rồi quay lại.
Nhận thông tin cần người điều khiển drone hỗ trợ bà con vùng lũ, Trần Duy Tiệp (18 tuổi) đã cấp bách vượt hơn 150 km di chuyển trong đêm từ Hà Nội đến Yên Bái - địa phương hứng chịu thiên tai nặng nề do ảnh hưởng của bão số 3.
Rạng sáng ngày 11/9, Tiệp và 5 người bạn đồng hành có mặt tại đây. Có 5 năm điều khiển flycam và kinh nghiệm cứu hộ cứu nạn, nhưng đối với Tiệp đây là lần hỗ trợ khó khăn nhất.
Việc di chuyển thiết bị đến tập kết hỗ trợ rất gian truân. Khi đó, trời tối, không có điện, nước lũ chảy xiết, khiến đoàn không thể di chuyển bằng thuyền mà phải đi nhờ bằng máy phát của người dân địa phương và tạm trú tại trường mầm non.
"Nước mắt tôi cũng rơi cùng những hạt mưa vì sợ mưa nước lại dâng, dân còn đói rét còn khổ tiếp. Nhiều lúc bất lực vì mưa nặng hạt, máy bay không thể cất cánh", Tiệp ngậm ngùi.
Chia sẻ về lưu ý khi sử dụng drone để hỗ trợ, anh Quốc Việt cho biết nên thả vật tư từ độ cao 20-80 m tuỳ từng địa hình, không hạ cánh xuống thấp vì sẽ gây nguy hiểm cho cả máy bay và người dân phía dưới. Với các khu vực làm việc buổi tối, người điều khiển nên chú ý tới ánh sáng đèn xoay tròn, đó là nơi có người cần hỗ trợ.
Mỗi chiếc drone có giá dao động từ 150 tới 800 triệu đồng, song anh chấp nhận rủi ro để hỗ trợ bà con ở vùng lũ lụt.
"Tối đến anh em chúng tôi lại ngồi vệ sinh lại máy. Hiện giờ ưu tiên số một là hỗ trợ để giúp đồng bào vượt qua phần nào khó khăn của bão lụt. Tôi hy vọng sẽ có thêm những nhóm flycam cùng tham gia để hỗ trợ bà con", anh Việt bày tỏ.