Dù chủ động mua vé trước 5 tháng, hành khách vẫn khó có được mức giá như mong muốn trong dịp Tết Nguyên đán 2025.
Giữa tháng 9, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đề xuất, lấy ý kiến các bộ ngành về phương án nghỉ Tết Nguyên đán 9 ngày, từ 25/1 đến 2/2/2025 tức từ 26 tháng Chạp đến mùng 5 Tết. Phương án được Bộ Nội vụ thống nhất chủ trương và tiếp tục trình Thủ tướng Chính phủ xem xét.
Trước thông tin này, Hoàng Mai, nhân viên văn phòng tại TP.HCM, quyết định tìm hiểu và đặt vé máy bay sớm. Cô dự định sẽ bắt đầu kỳ nghỉ của mình từ ngày 27/1 (28 tháng Chạp) đến 1/2/2025 (mùng 4 Tết).
"Từ đầu năm đến nay, giá vé máy bay luôn ở mức cao. Tôi hy vọng việc mua vé sớm và lệch ngày sẽ giúp tiết kiệm một phần chi phí", Mai chia sẻ.
Mức giá thấp nhất Mai có thể tìm thấy theo kế hoạch cô đặt ra, cho chuyến bay từ TP.HCM - Đà Nẵng là 3,8 triệu đồng/khứ hồi. Tuy nhiên, thời gian bay "khá xấu", rơi vào buổi đêm. Cụ thể, chuyến bay cô chọn chiều đi khởi hành lúc 22h55 và chiều về khởi hành lúc 0h5.
Nhân viên văn phòng nhận xét giá vé "cao hơn tưởng tượng". Nếu bay vào khung giờ đẹp hơn, giá vé tăng lên gấp đôi. Do về thăm nhà, không cần xem xét nhiều về mặt thời gian nên Mai vẫn quyết định chọn bay theo khung giờ trên.
Dữ liệu phòng vé Best Price cho thấy giá vé máy bay khứ hồi từ Hà Nội và TP.HCM đến các điểm du lịch dịp Tết Nguyên đán hiện đang cao hơn so với dịp lễ 2/9 vừa qua.
Cụ thể, các chặng bay từ Bắc vào Nam hay từ Hà Nội, TP.HCM đến các điểm du lịch dao động mức hơn 2 triệu đồng cho mỗi chiều. Tuy nhiên, mức giá này tương đương với giá vé năm ngoái, cho thấy sự ổn định trong thị trường vé máy bay trong dịp nghỉ Tết.
Thực tế, theo khảo sát sáng ngày 1/10 của phóng viên, giá vé máy bay khứ hồi dịp Tết từ ngày 25/1/2025 (26 tháng Chạp năm Giáp Thìn) đến hết ngày 2/2/2025 (mùng 5 tháng Giêng năm Ất Tỵ) đều đang ở mức cao so với mức giá được ghi nhận trong 12 tháng vừa qua, với các chuyến bay cùng thời điểm, có độ dài thời gian tương tự, có cùng điểm xuất phát và điểm đến, cùng số lượng điểm dừng, hạng vé và hãng hàng không.
Cụ thể, chặng TP.HCM - Hà Nội có giá rẻ nhất là 6,3 triệu đồng của Vietjet Air. Trong khi đó, các hãng khác như Vietravel Airlines, Bamboo Airways và Vietnam Airlines bán vé giá 7,1-7,3 triệu đồng.
Giá chặng bay ngách từ TP.HCM đi các tỉnh miền Bắc và miền Trung cũng tương đương "đường bay vàng". Chẳng hạn, mức giá khứ hồi thấp nhất cho hai chặng TP.HCM - Vinh và TP.HCM - Hải Phòng do hãng Vietjet Air khai thác có giá lần lượt là 5,9 triệu đồng và 6,3 triệu đồng. Tuy nhiên, để có được mức giá này, giờ bay thường khá xấu, đi sớm về trễ hoặc ngược lại.
Nếu bay về Nha Trang từ TP.HCM, hành khách sẽ phải trả mức giá 3,5-3,8 triệu đồng. Giá vé thấp nhất là các chuyến bay của Vietjet Air và cao hơn là của Vietnam Airlines.
Mức chênh lệch giá vé giữa các chiều bay từ Hà Nội/TP.HCM trong những dịp cao điểm thường có sự chênh lệch lớn. Lý giải cho điều này, ông Bùi Thanh Tú, Giám đốc Marketing Best Price, cho biết đây là hai thành phố lớn với mật độ dân cư đông, dẫn đến nhu cầu du lịch và trở về quê vào dịp lễ Tết tăng cao, khiến giá vé ở cả hai chiều này "đều có xu hướng tăng".
Giá vé tăng cao dẫn đến lượng đặt trước ở thời điểm này chưa sôi động. Ghi nhận từ bộ phận vé máy bay của công ty, khách hàng chủ yếu đang trong giai đoạn tìm hiểu thông tin hơn là quyết định đặt vé ngay. Lượng khách hỏi và đặt mua vé cho dịp Tết Nguyên Đán năm nay vẫn ở "mức khiêm tốn".
Theo báo cáo của Cục Hàng không Việt Nam, giá vé máy bay nội địa tăng nằm trong xu hướng chung của thế giới do chịu tác động bởi các nguyên nhân chính từ yếu tố cung cầu thị trường (sụt giảm quy mô đội tàu bay khai thác, nhu cầu đi lại tăng cao vào các dịp lễ, tết…) và yếu tố chi phí (biến động giá nhiên liệu bay, tỷ giá).
Trong đó, chi phí nhiên liệu bay chiếm tỷ trọng 37-42%. Đặc biệt, 80% chi chí của các hãng hàng không có liên quan đến tỷ giá ngoại tệ như chi phí nhiên liệu bay, sửa chữa, bảo dưỡng tàu bay hay nhân công nước ngoài.
Riêng với Vietnam Airlines và Vietjet Air, 2 hãng hàng không chiếm thị phần vận chuyển hàng không nội địa lớn nhất, thì yếu tố chủ yếu tác động đến giá thành dịch vụ vận chuyển hành khách trên các đường bay nội địa là chi phí sửa chữa, bảo dưỡng và phí thuê, mua thiết bị bay tăng. Tỷ giá USD/VND đắt thêm 4,4% cũng gây áp lực tài chính lớn cho các hãng.
Giá nhiên liệu bay Jet A1 tại thị trường Việt Nam, ngoài chịu tác động về biến động giá trên thế giới, còn đang chịu tác động lớn của 3 loại thuế là thuế nhập khẩu xăng dầu, thuế bảo vệ môi trường và thuế giá trị gia tăng, chiếm tỷ trọng 7,7%-8,7% tổng chi phí một chuyến bay.
Ngoài ra, tình trạng thiếu hụt tàu bay do lệnh triệu hồi động cơ từ nhà sản xuất Pratt & Whitney trên các tàu bay Airbus A321NEO dự kiến tiếp tục gây áp lực lên tải cung ứng dịp Tết Nguyên đán 2025.
Để giảm áp lực giá vé dịp Tết, Cục Hàng không Việt Nam đã chỉ đạo các hãng sắp xếp, cân đối nguồn lực vận tải, phối hợp với các đơn vị phục vụ mặt đất để bảo đảm nguồn cung tải phù hợp.
Bên cạnh đó, các hãng cần triển khai mở bán sớm các vé máy bay phục vụ giai đoạn Tết để hành khách có thể lựa chọn, xây dựng kế hoạch di chuyển phù hợp.
Ngoài ra, cần đẩy nhanh quá trình nhận tàu bay thuê, mua mới và đưa vào khai thác trở lại các tàu bay đã hoàn thành sửa chữa, bảo dưỡng động cơ từ nhà sản xuất.
Đại diện Vietnam Airlines cho biết hãng sẽ thường xuyên theo dõi nhu cầu thị trường, nguồn lực đội tàu bay, phân bổ suất từ Cục hàng không để mở bán các đợt vé Tết tiếp theo.
Song, hãng cũng khuyến cáo hành khách cần chủ động lên kế hoạch mua vé sớm.
Bên cạnh đó, Tết Dương lịch và Tết Âm lịch năm nay khá gần nhau, dự báo nhu cầu di chuyển và tận hưởng kỳ nghỉ dài của người dân sẽ cao hơn. Đại diện Best Price cũng khuyến cáo hành khách nên đặt vé sớm để tránh tình trạng tăng giá và đảm bảo chỗ ngồi, thời điểm lý tưởng để đặt vé là khoảng hai tháng trước Tết.
Nếu hành khách chờ đợi đến gần ngày bay, nguy cơ không tìm được vé giá rẻ sẽ rất cao, đặc biệt là vào thời điểm cao điểm. Vì vậy, việc mua vé ngay từ bây giờ được xem là "chiến lược hợp lý để tiết kiệm chi phí" và đảm bảo kế hoạch trong dịp Tết Nguyên đán.