Vé trong nước

Rủi ro lừa đảo từ vé máy bay giá rẻ

Vân Khanh 24/08/2024 07:10

Chức năng thanh toán sau cho phép các đối tượng lừa đảo tạo ra những mã đặt chỗ "ảo" nhằm chiếm đoạt tài sản khách hàng.

cheap-air-best-time-to-book-flightbook0319-96dcb21b53fb44da9adeff5cdabcd608.jpg

Theo ghi nhận từ trình duyệt Cốc Cốc trong quý I năm nay, lượng tìm kiếm từ khoá "vé máy bay giá rẻ" tăng vọt do biến động của giá vé.

Lợi dụng tâm lý ham rẻ và nhu cầu du lịch trong kỳ nghỉ lễ 2/9 của du khách, kẻ gian đã thực hiện hành vi lừa đảo thông qua việc đăng bán vé máy bay hay combo du lịch giá rẻ.

Đừng ham rẻ

"Tùy thuộc vào dịch vụ khách hàng lựa chọn, khi mua vé máy bay hoặc combo du lịch qua các công ty lữ hành và đại lý bán vé sẽ có giá rẻ hơn khoảng 5-20%", ông Bùi Thanh Tú, Giám đốc Marketing công ty lữ hành Best Price, nói với OpenSky.

Thông thường, các công ty đã có sẵn series vé của hãng hàng không và ký quỹ khách sạn, resort cho từng thời điểm nên con số này sẽ chênh lệch hơn so với khách hàng tự mua.

mao-danh-6094c90a86231.jpg
Hình ảnh hóa đơn bị làm giả gửi xác nhận cho khách hàng sau khi giao dịch. Ảnh: BestPrice.

Tuy nhiên, ông Tú vẫn nhấn mạnh với khách hàng trong giai đoạn cao điểm du lịch cần đặc biệt cẩn thận và tỉnh táo trước thông tin "giá rẻ".

Bản thân công ty ông cũng đã là "nạn nhân" của kẻ gian khi liên tục bị mạo danh để lừa khách. Điều này không chỉ gây hại cho khách hàng mà cả danh tiếng của công ty.

Theo ông Tú, kẻ gian thường lợi dụng việc du khách không am hiểu quy trình đặt vé rồi tạo hoá đơn giả để chiếm đoạt tài sản. Chiêu trò này khá đơn giản nhưng lại rất thuyết phục.

Các chứng từ, hóa đơn thanh toán bản mềm khá dễ kiếm trên mạng. Kẻ lừa đảo chỉ cần tải về, chỉnh sửa để gửi cho khách làm tin khi đặt vé máy bay, khách sạn. Chỉ khi khách đến nơi, đọc mã đặt chỗ/phòng mới phát hiện bị lừa.

Tùy vào đơn vị bán vé, khách hàng có thể dựa vào một số điểm bất thường trên hoá đơn để đánh giá. Lấy ví dụ từ chính công ty mình, ông Tú gợi ý du khách nhìn vào một số thông tin như hình ảnh logo cũ, địa chỉ văn phòng sai.

Ngoài ra, khi thực hiện giao dịch, du khách cần tìm hiểu rõ nhân thân người bán, tránh mua của các cá nhân, rao vặt trên mạng xã hội mà không có pháp danh cũng như thông tin đầy đủ. Nên chọn các hãng du lịch lữ hành uy tín và chính thống về mặt giấy phép và có trụ sở, cơ sở kinh doanh rõ ràng.

Khách hàng lưu ý cần có hợp đồng rõ ràng, quy định về quyền lợi và trách nhiệm mỗi bên khi thực hiện giao dịch.

Du khách cũng nên xem xét kỹ mã số chuyến bay trên các hóa đơn. Mỗi mã số chuyến bay thường tương ứng với chặng nhất định nên sẽ không giống nhau. Ví dụ mã VN271 là chuyến bay Hà Nội - TP.HCM, khai thác bởi Vietnam Airlines.

Tuy nhiên, đối tượng lừa đảo thường đợi khách hàng chuyển khoản thành công mới cung cấp mã đặt chỗ/phòng. Nếu du khách có thể kiểm tra lại từ website của hãng hàng không hoặc điểm lưu trú cũng đã "quá trễ".

Lợi dụng lỗ hổng khi đặt vé

Mới đây, Cục An toàn thông tin (Bộ Thông tin và Truyền thông) cũng đưa ra cảnh báo về chiêu lừa online đang nở rộ trước kỳ nghỉ lễ 2/9.

Các chuyến bay đêm đang có mức giá thấp hơn so với chuyến bay vào
Hành khách cần tỉnh táo, cẩn thận trước khi quyết định giao dịch. Ảnh: Nguyễn Thắng.

Với người có nhu cầu di chuyển bằng máy bay, Cục cho biết cũng ghi nhận các tài khoản ảo rao bán vé máy bay giá rẻ.

Theo đó, kẻ gian thường giả mạo công ty du lịch nổi tiếng hoặc dùng chiêu đăng số điện thoại dễ nhớ hoặc tên tài khoản ngân hàng để lấy lòng tin, đồng thời quảng bá về chương trình khuyến mãi, mã giảm giá với ưu đãi lớn và số lượng có hạn.

Sau khi nhận tiền cọc, đối tượng gửi code vé, code đặt phòng cho nạn nhân. Chúng khiến nhiều người sập bẫy vì thực tế không thanh toán tiền mà chỉ lợi dụng tính năng hỗ trợ đặt vé, đặt phòng của một số khách sạn hoặc hãng bay.

Với tính năng trên, khách hàng có thể lấy mã trước và thanh toán chậm trong 12-24 giờ. Chỉ khi đến sân bay hay địa điểm du lịch, nạn nhân mới biết mình đã bị lừa.

Cục An toàn thông tin khuyến cáo người dân đề cao cảnh giác khi mua bán vé máy bay trên các nền tảng mạng xã hội. Hành khách cần xác minh kỹ thông tin công ty, yêu cầu đối tượng cung cấp hợp đồng công ty, có chữ ký của giám đốc.

Ngoài ra, có thể tra cứu tên miền website, hồ sơ đăng ký kinh doanh, địa chỉ và mã số thuế công ty trước khi giao dịch.

Các hãng bay cũng đã nhiều lần đưa ra cảnh báo với khách hàng về hình thức lừa đảo này. Do đây là giao dịch dân sự giữa các cá nhân, hãng không thể hỗ trợ xử lý các sự vụ, chỉ dừng ở mức cảnh báo, tư vấn.

Khi phát hiện dấu hiệu lừa đảo, người dân cần trình báo ngay với lực lượng chức năng, chia sẻ qua mạng xã hội để phòng ngừa, ngăn chặn hành vi lừa đảo lan rộng.

Bên cạnh đó, Cục An toàn thông tin cũng khuyến cáo người dân cẩn trọng khi đặt dịch vụ lưu trú qua nền tảng mạng xã hội. Người dân cần kiểm tra và xác minh kỹ thông tin về vị trí, cơ sở vật chất của nơi ở cũng như lai lịch của người cung cấp dịch vụ, đồng thời hạn chế việc chuyển tiền đặt cọc với những khách sạn, nhà nghỉ ít được biết đến.

Nhằm đáp ứng nhu cầu đi lại bằng đường không của hành khách vào dịp lễ, các hãng đã có kế hoạch tăng chuyến, đặc biệt là đường bay du lịch nội địa.

Từ ngày 30/8 đến 3/9, các hãng sẽ khai thác hơn 4.200 chuyến bay, bình quân 840 chuyến mỗi ngày, tăng 3% so với tuần trước nghỉ lễ và tăng 3,5% so với cùng kỳ năm 2023.

Trong đó, các đường bay du lịch và đường bay trục Bắc - Nam vẫn là những đường bay có số lượng ghế cung ứng tăng nhiều nhất, bình quân lần lượt là 33.000 ghế/ngày và 55.400 ghế/ngày, tăng trung bình 6,8% so với tuần trước nghỉ lễ và tăng 3% so với cùng kỳ năm trước.

Giá vé trong dịp nghỉ lễ 2/9 cũng được Cục Hàng không Việt Nam ghi nhận mức tăng 20% so với ngày thường trước kỳ nghỉ lễ. Giá vé có chiều hướng tăng so với ngày thường song chủ yếu vào ngày bắt đầu và kết thúc kỳ nghỉ lễ. Với những ngày giữa kỳ nghỉ, giá vé tương đương ngày thường.

Nổi bật
Mới nhất
Rủi ro lừa đảo từ vé máy bay giá rẻ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO