Nhân dịp đầu năm mới, Opensky có cuộc trò chuyện cùng ông Lê Hoàng Minh - Chủ tịch Tổng Công ty Quản lý bay Việt Nam, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp hàng không Việt Nam.
Thưa ông, chúng ta bắt đầu bằng một tin vui, theo các số liệu thống kê, ngành hàng không Việt Nam đang có những bước phục hồi và tăng trưởng tích cực, hòa chung xu thế chung của khu vực và thế giới. Ông có thể chia sẻ những kết quả đáng chú ý mà ngành hàng không Việt Nam đã đạt được trong năm 2024?
Ông Lê Hoàng Minh: Nói một cách khái quát, thị trường hàng không quốc tế năm 2024 đã phục hồi mạnh mẽ, đặc biệt khu vực châu Á - Thái Bình Dương đạt mức tăng trưởng ấn tượng và dự kiến phục hồi hoàn toàn trong năm.
Du lịch quốc tế đến Việt Nam tăng mạnh so với 2023 và vượt mốc 2019, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh và hội nhập quốc tế. Mạng lưới đường bay quốc tế của các hãng hàng không Việt Nam liên tục được mở rộng, trong khi Nội Bài, Tân Sơn Nhất và Đà Nẵng tiếp tục là “đầu tàu” khai thác. Trên đường bay nội địa, tần suất các chuyến bay vẫn nhộn nhịp, dù đội tàu bay hạn chế khiến cung ứng trên một số tuyến giảm so với 2023 và 2019.
Dù vậy, 50 đường bay nội địa kết nối Hà Nội, TP.HCM và 20 cảng hàng không vẫn được duy trì. Vietnam Airlines dẫn đầu thị phần với 42%, tiếp theo là VietJet Air với 40%. Hệ số sử dụng ghế trung bình đạt 84%.
Tuy nhiên, hàng không Việt Nam cũng phải đối mặt nhiều thách thức như hạ tầng quá tải, thiếu nhân lực chất lượng cao, giá nhiên liệu Jet A1 và tỷ giá USD/VND biến động đẩy chi phí vận hành tăng cao.
Đội tàu bay giảm 40-45 chiếc so với 2023 do triệu hồi động cơ Pratt & Whitney và tái cơ cấu của Bamboo Airways, Pacific Airlines, trong khi giá thuê tàu bay tăng, làm gia tăng các khó khăn. Những khoản đầu tư lớn trước đại dịch chưa khai thác hết cũng tạo gánh nặng tài chính đáng kể.
Mặc dù vậy, theo dự báo, nhu cầu đi lại sẽ tiếp tục tăng mạnh trong thời gian tới, tạo cơ hội lớn cho các hãng hàng không Việt Nam phát huy tiềm năng và vị thế. Con số của Cục Hàng không Việt Nam cũng cho thấy với tốc độ tăng trưởng trung bình dự báo khoảng 5-6%/năm, thị trường hàng không Việt Nam hứa hẹn sẽ đón khoảng 150 triệu khách vào năm 2035 và 200 triệu khách vào năm 2040, tăng lần lượt 1,9 lần và gần 2,5 lần so với năm 2019. Đây là những tín hiệu rất đáng mừng.
Mới đây, Thủ tướng đã chỉ đạo Cảng hàng không quốc tế Long Thành phải được hoàn thành trước 31/12/2025 và các hạng mục chính như nhà ga hành khách, đường lăn, sân đỗ, đường cất hạ cánh hoàn thành trước 30/4/2025. Theo ông, đâu là những yếu tố then chốt để đảm bảo dự án hoàn thành đúng tiến độ?
Ông Lê Hoàng Minh: Cảng hàng không quốc tế Long Thành là sân bay quan trọng quốc gia, hướng tới trở thành một trong những trung tâm trung chuyển hàng không quốc tế của khu vực. Đây là công trình không chỉ mang ý nghĩa chiến lược trong việc phát triển hạ tầng hàng không mà còn mở ra cơ hội thúc đẩy kinh tế cho Đồng Nai, TP.HCM và cả khu vực Đông Nam Bộ, có ý nghĩa quan trọng đối với sự phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng an ninh của đất nước. Mục tiêu đưa Cảng hàng không quốc tế Long Thành trở thành trung tâm trung chuyển quốc tế đã nhận được sự quan tâm đặc biệt từ Chính phủ và toàn xã hội.
Theo tôi, để đảm bảo dự án hoàn thành đúng tiến độ, yếu tố quan trọng nhất ngoài sự lãnh đạo, chỉ đạo sát sao từ Chính phủ, các Bộ, ngành liên quan, còn là sự phối hợp chặt chẽ giữa các Bộ, ngành, địa phương, các cơ quan, đơn vị và sự chủ động, quyết liệt, phối hợp nhịp nhàng của các chủ đầu tư, các nhà thầu, tư vấn của các dự án thành phần.
Các chủ đầu tư cần căn cứ mục tiêu hoàn thành dự án theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và tiến độ thi công thực tế để xây dựng tiến độ chi tiết đảm bảo phù hợp với mục tiêu đề ra; lường trước các khó khăn vướng mắc có thể xảy ra trong quá trình triển khai để có giải pháp xử lý hoặc báo cáo cơ quan có thẩm quyền xử lý nhằm đảm bảo tiến độ, chất lượng dự án, tránh để xảy ra phát sinh ngoài dự kiến ảnh hưởng đến tiến độ.
Bên cạnh đó, việc đảm bảo nguồn vốn thực hiện đúng kế hoạch cũng là một yếu tố không thể thiếu, vì bất kỳ sự thiếu hụt hoặc chậm trễ nào về tài chính đều có thể làm gián đoạn tiến độ. Ngoài ra, cần chú trọng ổn định đời sống, sinh kế cho người dân trong khu vực giải tỏa, tạo điều kiện để họ có việc làm và môi trường sống mới phù hợp. Sự đồng thuận từ phía người dân sẽ là động lực quan trọng giúp dự án được triển khai suôn sẻ.
Với sự chỉ đạo quyết liệt từ Chính phủ, sự phối hợp nhịp nhàng giữa các Bộ, ngành, địa phương, các chủ đầu tư, tư vấn, nhà thầu và cơ quan, đơn vị liên quan cùng với sự ủng hộ của người dân, tôi tin tưởng rằng Cảng hàng không quốc tế Long Thành sẽ hoàn thành đúng tiến độ, trở thành biểu tượng mới của ngành hàng không Việt Nam và khu vực.
Ông cũng là Chủ tịch HĐTV Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam (VATM) - thành viên của Hiệp hội doanh nghiệp hàng không Việt Nam. Ông có thể cho biết những kết quả kinh doanh VATM như thế nào? Điều gì khiến ông hài lòng nhất? Tiến độ, triển khai đối với dự án thành phần 2 “Các công trình phục vụ quản lý bay” thuộc dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành giai đoạn 1 như thế nào?
Ông Lê Hoàng Minh: Với việc triển khai đồng bộ các giải pháp, năm 2024, VATM đã hoàn thành xuất sắc các chỉ tiêu kế hoạch đảm bảo an toàn cho 100% các chuyến bay trong vùng trời trách nhiệm. Bộ chỉ số an toàn của Tổng công ty (14/14 chỉ số) đạt 100% mức độ an toàn chấp nhận được. Sản lượng điều hành bay của Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam thực hiện đến 31/12/2024 là 867.086 lần chuyến, đạt 108,33% kế hoạch năm 2024 và tăng 14,55 % so với thực hiện năm 2023.
VATM đang triển khai 05 cụm công trình thuộc dự án thành phần 2 “Các công trình phục vụ quản lý bay” thuộc dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành giai đoạn 1. Đến nay, các gói thầu thuộc dự án thành phần 2 “Các công trình phục vụ quản lý bay” đều cơ bản đảm bảo tiến độ. Trong đó, Đài kiểm soát không lưu đã hoàn thành 100% phần thô, vượt tiến độ 2 tháng; hiện nay, đang thi công phần kết cấu thép.
Các cụm công trình khác (Trạm radar sơ cấp/thứ cấp và Trạm phát sóng vô tuyến; Trạm thu sóng vô tuyến và Trạm giám sát phụ thuộc; Trạm radar khí tượng; Đài dẫn đường đa hướng và đo cự li DVOR/DME) cũng đã hoàn thành phần thô, đang thi công phần hoàn thiện, dự kiến hoàn thiện trước 30/4/2025. Hệ thống trang thiết bị chuyên ngành quản lý bay đang trong giai đoạn tổ chức lựa chọn nhà thầu, ký hợp đồng trong tháng 01/2025, thời gian lắp đặt và tổ chức chạy thử dự kiến thực hiện trong Tháng 11/2025.
VATM nhận được sự chỉ đạo quyết liệt từ Ban chỉ đạo, Chính phủ và Bộ Giao thông Vận tải, cùng sự phối hợp chặt chẽ của các cơ quan, đơn vị liên quan. Tuy nhiên, dự án thành phần 2 “Các công trình phục vụ quản lý bay” cũng gặp khó khăn nhất định vì là hệ thống thiết bị kỹ thuật đặc thù, không phải hàng hóa thông dụng, phổ biến trên thị trường nên công tác thu thập thông tin, báo giá từ các hãng sản xuất nước ngoài rất khó và mất nhiều thời gian trong quá trình triển khai lập dự toán chi phí mua sắm các gói thiết bị chuyên ngành.
Ngoài ra, các loại thiết bị, vật tư nhập ngoài dễ bị ảnh hưởng bởi các yếu tố bất ổn như chiến tranh, đứt gãy chuỗi cung ứng và biến động thời tiết phức tạp. Tuy nhiên, VATM đã chủ động chỉ đạo các cơ quan, đơn vị liên quan cùng các nhà thầu, tư vấn quyết tâm rút ngắn tiến độ, đồng thời xây dựng các giải pháp, phương án dự phòng để đảm bảo tiến độ, chất lượng theo yêu cầu của Thủ tướng, Ban Chỉ đạo và Bộ GTVT.
Hiện nay, chúng ta đang nói rất nhiều về bước chuyển mình của đất nước - một kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc. Theo ông, ngành hàng không nói chung và Hiệp hội Doanh nghiệp Hàng không Việt Nam nói riêng có vai trò như thế nào trong kỷ nguyên này?
Ông Lê Hoàng Minh: Năm 2025 là cột mốc quan trọng đối với Hiệp hội Doanh nghiệp Hàng không Việt Nam (VABA). Tiếp nối những thành quả từ năm 2024, Hiệp hội đặt mục tiêu tiếp tục phản ánh kịp thời tình hình chung, bảo vệ quyền lợi hội viên và làm cầu nối gắn kết các doanh nghiệp. Qua hoạt động của Hiệp hội, các doanh nghiệp hội viên đã tăng cường giao lưu, hợp tác, hỗ trợ thị trường, tạo động lực cùng phát triển.
Trong năm 2025, Hiệp hội sẽ kiện toàn Ban Chấp hành, thành lập văn phòng đại diện phía Nam để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Đồng thời, Hiệp hội sẽ tích cực tham gia hội thảo, góp ý sửa đổi các văn bản pháp luật liên quan đến lĩnh vực hàng không và giao thông vận tải, cũng như tổ chức các buổi làm việc với Bộ, ngành và địa phương.
Các trọng tâm bao gồm đề xuất, kiến nghị giải pháp, cơ chế, chính sách trong việc: giảm phí, lệ phí, thuế môi trường nhiên liệu bay; đầu tư, xây dựng hạ tầng hàng không; hỗ trợ vốn, lãi suất cho doanh nghiệp;… Việc lãnh đạo, chỉ đạo từ Chính phủ, sự phối hợp giữa các Bộ, ngành và các cơ quan chức năng có liên quan để xem xét, tháo gỡ tháo gỡ các khó khăn vướng mắc và xây dựng các cơ chế, chính sách là điều cần thiết, góp phần củng cố nền tảng cho sự phát triển của ngành.
Hiệp hội cần theo sát tình hình, kịp thời phản ánh khó khăn, vướng mắc của hội viên lên các cơ quan thẩm quyền, đồng thời đề xuất các giải pháp thích ứng linh hoạt. Các hội viên cũng cần chủ động kết nối, chia sẻ thông tin để Hiệp hội có thể hỗ trợ hiệu quả. Bên cạnh đó, doanh nghiệp cần hợp tác, tháo gỡ khó khăn về vốn, cơ chế, thuế phí, đồng thời tuân thủ các điều khoản thanh toán hợp đồng. Chỉ khi hài hòa lợi ích và cùng hướng tới mục tiêu chung, ngành hàng không mới có thể phát triển bền vững, đóng góp quan trọng vào kỷ nguyên vươn mình của đất nước.
Thời gian tới, Hiệp hội sẽ có những kiến nghị tới Chính phủ và cơ quan chức năng để gì để hỗ trợ các hội viên?
Ông Lê Hoàng Minh: Hiện thị trường hàng không đang trong giai đoạn tăng trưởng nhưng vẫn tiềm ẩn không ít rủi ro. Để hỗ trợ các doanh nghiệp, đặc biệt là các hãng hàng không, vượt qua khó khăn và phát triển bền vững, Hiệp hội Doanh nghiệp Hàng không Việt Nam (VABA) kiến nghị một số giải pháp cụ thể.
Trước tiên, cần duy trì các chương trình hỗ trợ như hiện nay, đồng thời cần triển khai các chương trình hỗ trợ chi phí marketing nhằm mở rộng các đường bay và điểm đến mới.
VABA cũng đề xuất xây dựng quy hoạch cụ thể về số lượng tàu bay hàng năm để đảm bảo lượng ghế cung ứng và số chuyến bay phù hợp với nhu cầu hành khách cũng như hạ tầng sân bay. Việc nghiên cứu cơ chế quản lý giá linh hoạt cũng rất cần thiết, giúp các hãng điều chỉnh giá vé theo cơ chế thị trường nhưng vẫn đảm bảo cạnh tranh lành mạnh và bình đẳng.
Ngoài ra, Hiệp hội kiến nghị phát triển chiến lược hàng không gắn kết chặt chẽ với các ngành du lịch, khách sạn, giao thông đường bộ, đồng thời xây dựng các chương trình nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. Việc mở rộng chính sách miễn thị thực nhập cảnh cho các thị trường lớn, tiềm năng như Mỹ, Australia, và Ấn Độ sẽ là đòn bẩy quan trọng thúc đẩy tăng trưởng hành khách quốc tế và nâng cao sức cạnh tranh cho ngành hàng không Việt Nam.
Ông có thể đánh giá một cách ngắn gọn về bức tranh hàng không Việt Nam năm 2025? Nhân dịp năm mới, ông muốn gửi thông điệp gì tới những thành viên thuộc Hiệp hội và khách hàng của mình?
- Ông Lê Hoàng Minh: Tôi kỳ vọng rằng với những chuyển biến tích cực mà đất nước đang và sẽ đạt được trong thời gian tới, ngành hàng không Việt Nam sẽ giữ vững đà phát triển, vươn xa hơn nữa để khẳng định vị thế quan trọng của mình trên bản đồ hàng không khu vực và thế giới. Hiệp hội Doanh nghiệp Hàng không Việt Nam sẽ tiếp tục là cầu nối mạnh mẽ, dẫn dắt các doanh nghiệp trong ngành cùng đổi mới, hợp tác và đạt được những thành tựu lớn lao hơn.
Tôi tin rằng, với sự nỗ lực không ngừng của các doanh nghiệp và sự đồng hành từ Hiệp hội, ngành hàng không Việt Nam sẽ trở thành một ngành kinh tế mũi nhọn, đóng góp lớn vào sự phát triển của dân tộc trong kỷ nguyên mới - một kỷ nguyên của hội nhập, sáng tạo và bền vững.
Xin cảm ơn ông.