Nhiên liệu hàng không bền vững (SAF - Sustainable Aviation Fuel) là một giải pháp tất yếu mở đường cho hành trình hướng đến phát triển bền vững. Việt Nam cần học hỏi kinh nghiệm từ các quốc gia đi trước và tham gia tích cực vào chuỗi cung ứng SAF khu vực.
Ngành hàng không, một phần không thể thiếu của giao thương toàn cầu, hiện đang đối mặt với áp lực lớn trong việc giảm thiểu tác động đến môi trường. Đóng góp 2-3% tổng lượng khí thải carbon trên thế giới, ngành này đang tìm kiếm những giải pháp đột phá. Trong đó, nhiên liệu hàng không bền vững (SAF - Sustainable Aviation Fuel) là một giải pháp tất yếu mở đường cho hành trình hướng đến phát triển bền vững.
Trong xu hướng xanh hóa ngành hàng không (greening the aviation), nhiều hãng hàng không trên toàn thế giới sử dụng SAF. Các sân bay cũng đã cung cấp nhiều lợi ích và ưu đãi khác nhau cho các công ty trong ngành hàng không để bắt đầu chuyển đổi sang các giải pháp thay thế có thể tái tạo.
Các tổ chức như Hiệp hội Vận tải Hàng không Quốc tế (IATA), Hiệp hội Thí nghiệm và Vật liệu Mỹ (ASTM) đã có những nỗ lực để cải thiện quy trình chuỗi cung ứng và phổ cập thông tin về SAF. Điều này sẽ giúp giảm chi phí áp dụng đồng thời tăng tính khả dụng của sản phẩm này trên quy mô toàn cầu.
Sự tăng trưởng của SAF còn được thúc đẩy những cam kết mang tính ràng buộc khắt khe hơn từ chính phủ, các nhóm môi trường và chính ngành hàng không. Chương trình bù trừ và giảm thiểu carbon cho hàng không quốc tế (CORSIA) của Tổ chức Hàng không Dân dụng Quốc tế (ICAO) đang đặt ra các mục tiêu nghiêm ngặt để giảm lượng khí thải hàng không, là kim chỉ nam tiếp tục thúc đẩy các hãng hàng không áp dụng SAF rộng rãi hơn. Các chính phủ đã và đang đưa ra những chính sách bắt buộc tuân thủ tỷ lệ sử dụng SAF tối thiểu như tại châu Âu (RefuelEU) hay như tại Nhật Bản, Singapore và Indonesia. Chính phủ Mỹ cũng đang tiến hành hỗ trợ chính sách cho nghiên cứu và phát triển nhiên liệu SAF.
Ngoài ra, trái phiếu xanh và các khoản vay liên quan đến tính bền vững đang được chú ý như những cách để tài trợ cho các dự án SAF. Một số chính phủ đang xem xét các chương trình bảo lãnh cho vay để giúp giảm rủi ro đầu tư vào các cơ sở sản xuất SAF.
Tại Việt Nam, Quyết định số 876/QĐ-TTg năm 2022 đánh dấu sự nghiêm túc của Chính phủ trong việc chuyển đổi năng lượng xanh, đặc biệt là đối với ngành hàng không. Đặc biệt, vào năm 2050, Việt Nam đặt mục tiêu chuyển đổi toàn bộ sang sử dụng năng lượng xanh và SAF cho tàu bay, giảm tối đa lượng phát thải khí nhà kính. Phần phát thải còn lại, nếu có, sẽ được xử lý thông qua các biện pháp bù đắp carbon, đảm bảo đạt mức phát thải ròng bằng không.
Mới đây, Vietnam Airlines thông báo tất cả các chuyến bay của hãng khởi hành từ các sân bay châu Âu sẽ sử dụng SAF từ ngày 1/1/2025. Đây được xem là bước tiến mới của hãng hàng không quốc gia trong hành trình xanh hóa, góp phần thực hiện cam kết của Việt Nam cùng cộng đồng quốc tế giảm lượng phát thải với mục tiêu “Net Zero” vào năm 2050.
Hãng hàng không quốc gia cho biết giá SAF hiện nay cao hơn từ 2-3 lần so với nhiên liệu hóa thạch truyền thống, thậm chí có thời điểm cao gấp 5-6 lần. Do đó, hãng ước tính chi phí khai thác các đường bay đến/đi từ châu Âu sẽ tăng thêm khoảng 4,8 triệu USD mỗi năm khi sử dụng nhiên liệu SAF.
Trước đó, hồi tháng 5/2024, Vietnam Airlines thực hiện thành công chuyến bay sử dụng SAF với số hiệu VN660, hành trình từ Singapore đến Hà Nội. 5 tháng sau, hãng hàng không Vietjet Air cũng sử dụng SAF cho 2 chuyến bay liên tiếp từ Việt Nam đi Melbourne (Australia) và Seoul (Incheon, Hàn Quốc) với các máy bay hiện đại của hãng, nhiên liệu do Petrolimex Aviation tra nạp.
Ông Nguyễn Văn Học - Tổng giám đốc Petrolimex Aviation - khẳng định: “Trong thời gian tới, công ty cam kết tiếp tục tích cực tham gia vào quá trình chuyển đổi năng lượng xanh, sạch tại Việt Nam, chung tay góp phần xanh hóa ngành hàng không vì một tương lai bền vững và góp phần thực hiện thành công Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2050 cũng như cam kết của Việt Nam tại Hội nghị COP 26 với mục tiêu giảm khí thải carbon để đạt mức phát thải ròng bằng không vào năm 2050”.
Tuy nhiên, SAF vẫn chưa thể được sử dụng phổ biến. Chi phí nhiên liệu cao và nguồn cung hạn chế đang là rào cản lớn. Sau chuyến bay thử nghiệm, Vietnam Airlines chưa triển khai thêm chuyến nào khác với SAF, chủ yếu do giá thành cao.
Bên cạnh đó, từ 1/1/2025, các hãng hàng không khởi hành từ EU sẽ phải sử dụng ít nhất 2% SAF, tỷ lệ này sẽ tăng lên 6% vào năm 2030, 20% vào năm 2035 và 70% vào năm 2050.
Những yêu cầu khắt khe này chắc chắn tạo áp lực lớn lên các hãng hàng không. Với chi phí SAF hiện tại, giá vé máy bay sẽ tăng, gây bất lợi cho người tiêu dùng. Đồng thời, sự phụ thuộc vào nguồn cung SAF quốc tế cũng làm giảm khả năng tự chủ của các hãng bay, đặc biệt là tại Việt Nam.
Không dừng lại ở đó, quy định ReFuelEU không công nhận biofuel làm từ thực vật là SAF. Điều này càng làm tăng chi phí sản xuất và vận hành, khiến các hãng hàng không Việt Nam khó cạnh tranh trên các chặng bay quốc tế, đặc biệt là giữa Việt Nam và EU.
Để đảm bảo ngành hàng không Việt Nam không bị “bỏ lại phía sau”, các chuyên gia đề xuất nhiều giải pháp. Trước tiên, cần có sự hỗ trợ mạnh mẽ từ chính phủ để các doanh nghiệp có thêm thời gian thích nghi với các quy định quốc tế mà vẫn bảo đảm sự phát triển bền vững trong nước.
Bộ Ngoại giao đã khuyến nghị Việt Nam cần tranh thủ sự hỗ trợ từ các đối tác lớn như Mỹ, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc trong việc chuyển giao công nghệ, đào tạo nhân lực và quản lý vận hành. Đồng thời, việc thu hút đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực sản xuất SAF tại Việt Nam cũng là một bước đi quan trọng để giảm phụ thuộc vào nguồn cung quốc tế.
Ngành hàng không cần theo dõi sát sao các động thái quốc tế, học hỏi kinh nghiệm từ các quốc gia đi trước và tham gia vào chuỗi cung ứng SAF khu vực. Đây là cách để Việt Nam không chỉ đảm bảo nguồn nhiên liệu mà còn củng cố vị thế trong thị trường hàng không bền vững toàn cầu.
Dù còn nhiều thách thức, ngành hàng không Việt Nam đang cho thấy quyết tâm mạnh mẽ trong hành trình hướng đến một tương lai xanh. Với sự đồng lòng từ chính phủ, doanh nghiệp và các đối tác quốc tế, những thách thức hiện tại hoàn toàn có thể vượt qua. SAF không chỉ là xu thế mà còn là cánh cửa mở ra một tương lai bền vững, nơi ngành hàng không không còn là một trong những nguyên nhân của biến đổi khí hậu mà trở thành biểu tượng của những giải pháp xanh, kiến tạo một hành tinh bền vững và thịnh vượng cho các thế hệ mai sau.