Châu Á đang đẩy mạnh sản xuất nhiên liệu hàng không bền vững (SAF), kỳ vọng tăng sản lượng để đáp ứng nhu cầu và có thể xuất khẩu sang các khu vực khác. Tuy nhiên, khu vực này cần chính sách và quy định đồng bộ để tăng nhu cầu sử dụng SAF trong thời gian tới.
Reuters dẫn nguồn các nhà phân tích dầu mỏ cho rằng khả năng cung cấp nhiên liệu hàng không bền vững (SAF) của châu Á sẽ vượt xa nhu cầu của khu vực này trong năm nay và năm sau. Đặc biệt, khi sản lượng sản xuất tăng lên cũng sẽ thúc đẩy một số lượng lớn SAF được xuất khẩu, có khả năng giúp giảm giá thành của loại nhiên liệu này. Đây được cho là thông tin tốt khi các hàng hàng không đều đang gặp áp lực vì giá SAF vừa đắt vừa khan hiếm.
Trong năm 2024, khu vực này đã xuất khẩu hơn 370.000 tấn SAF, chủ yếu từ nhà máy của Neste tại Singapore, cơ sở sản xuất SAF lớn nhất thế giới.
Mới nhất, nhà máy lọc dầu Nhật Bản Cosmo Energy cho biết bắt đầu sản xuất SAF từ tháng 4 này, trong khi PTT Global Chemical của Thái Lan đã vận hành nhà máy, và Bangchak Petroleum dự kiến đi vào hoạt động vào quý II năm nay.
Tính đến thời điểm này, đã có ít nhất năm dự án SAF ở châu Á, không bao gồm Trung Quốc, đã khởi động hoặc được lên kế hoạch bắt đầu sản xuất SAF trong năm nay, hướng tới xuất khẩu trong khu vực và sang các quốc gia châu Âu.
Theo dự báo của Công ty tư vấn hàng không Endau Analytics, năng lực sản xuất SAF của khu vực Châu Á - Thái Bình Dương sẽ đạt 3,5 triệu tấn mỗi năm (tương đương 77.671 thùng mỗi ngày) vào cuối năm 2025, so với 1,24 triệu tấn vào năm 2024. Thậm chí, Đông Nam Á được dự báo có thể cung cấp 12% nhu cầu SAF toàn cầu vào năm 2050.
Cho đến thời điểm này, dù chưa có quy định bắt buộc nhưng một số hãng hàng không châu Á đã tự nguyện sử dụng SAF. Đây là hành động nhằm nâng cao uy tín với khách hàng và thực hiện cam kết về môi trường.
Cathay Pacific Airways của HongKong (Trung Quốc) cho biết đã sử dụng hơn 6.800 tấn SAF vào năm 2024 và đang nỗ lực sử dụng nhiều hơn nữa trong năm 2025 này.
Air New Zealand của New Zealand dự kiến sử dụng 1,6% lượng SAF trong năm tài chính kết thúc vào tháng 6 này, tăng 0,4% so với năm trước đó.
Hiệp hội Hàng không Châu Á - Thái Bình Dương (AAPA), với sự tham gia của nhiều hãng hàng không quốc gia châu Á, đặt mục tiêu sử dụng 5% SAF vào năm 2030.
Dù đang có rất nhiều tín hiệu tích cực song các chuyên gia cho rằng năng lực sản xuất và nhu cầu sử dụng SAF tại châu Á vẫn cần xem xét để cân bằng hợp lý.
Lý do là vì, hiện nay, các chuyến bay khởi hành từ Liên minh châu Âu (EU) và Vương quốc Anh bắt buộc phải sử dụng 2% SAF trong khoang nhiên liệu. Điều này không giống với châu Á, nơi nhu cầu sử dụng nhiên liệu bền vững còn thấp và nhiều quốc gia chưa có chính sách bắt buộc sử dụng.
Việc bắt buộc sử dụng SAF ở châu Á sẽ chỉ bắt đầu vào năm 2026 khi Singapore và Thái Lan thực hiện quy định bắt buộc 1% đối với các hãng bay. Hàn Quốc yêu cầu sử dụng 1% SAF đối với các chuyến bay vào năm 2027 và Nhật Bản là 10% vào năm 2030.
“Các hãng hàng không châu Á vẫn tập trung nhiều hơn vào việc tăng tần suất chuyến bay và SAF không phải là ưu tiên hàng đầu vì nó vẫn đắt đỏ hơn các nhiên liệu khác khiến lợi nhuận của các hãng giảm xuống”, ông Shukor Yusof, người sáng lập Công ty tư vấn hàng không Endau Analytics nhận định.
Theo IATA, năng lực sản xuất dự kiến không có nghĩa là thực tế sẽ sản xuất được như kỳ vọng do ngành này tập trung vào lợi nhuận và nhu cầu thực tế. IATA cho biết 1 triệu tấn SAF đã được sản xuất trên toàn cầu vào năm 2024, thấp hơn dự báo 1,5 triệu tấn, một sự chậm chạp đáng thất vọng.
"Việc sử dụng SAF ở các nước châu Á có khả năng sẽ rơi vào tình trạng cầu thấp hơn cung do thiếu các chính sách và quy định đồng bộ trong toàn khu vực", ông Lamberto Gaggiotti, người đứng đầu bộ phận năng lượng xanh của Công ty nhiên liệu sinh học Apical nhận định.
Theo Hiệp hội Vận tải Hàng không quốc tế (IATA), ngành hàng không chiếm 2,5% lượng khí thải carbon toàn cầu. Tại Hội nghị IATA lần thứ 77 năm 2021, các hãng hàng không trong hiệp hội cam kết giảm phát thải CO2 về 0 (net zero) trước năm 2050.
Nhiên liệu hàng không bền vững (SAF) được sản xuất từ các nguyên liệu tái tạo, như sinh khối phế thải và thực phẩm thừa được kỳ vọng sẽ giảm đáng kể lượng khí thải nhà kính. Thế nhưng, loại nhiên liệu này hiện nay vẫn còn quá đắt và chỉ chiếm 0,3% sản lượng nhiên liệu máy bay toàn cầu. Theo các chuyên gia, đây chính là cơ hội để các quốc gia, trong đó có châu Á, đẩy nhanh khả năng sản xuất và xuất khẩu SAF trong thời gian tới.