Long Thành: Cơ hội vàng để hàng không Việt Nam cất cánh
Linh Đan•16/02/2025 14:07
Nhân dịp đầu năm 2025, Opensky đã có buổi trò chuyện cùng TS. Nguyễn Đức Kiên - Đại biểu Quốc hội các khóa XII, XIII, XIV và nguyên Tổ trưởng Tổ Tư vấn kinh tế của Thủ tướng, để thảo luận về vai trò của Cảng Hàng không Quốc tế Long Thành và những định hướng phát triển ngành hàng không Việt Nam trong tương lai.
Theo TS. Nguyễn Đức Kiên, để ngành hàng không phục hồi mạnh mẽ, cần có động lực chủ chốt thúc đẩy toàn bộ hệ sinh thái và tập trung đầu tư vào các năng lực sản xuất mới. Cảng Hàng không Quốc tế Long Thành được xác định là trọng điểm quan trọng, cùng với nhà ga hành khách T3 tại Cảng Hàng không Quốc tế Tân Sơn Nhất. Dưới sự chỉ đạo quyết liệt của Thủ tướng, tiến độ các dự án này cơ bản được đảm bảo, mở ra cơ hội để Việt Nam trở thành điểm đến hấp dẫn cho các hãng hàng không quốc tế.
Bên cạnh đó, các hãng bay cũng đang từng bước khôi phục hoạt động. Vietjet Air đã tái cơ cấu đội bay, tăng số lượng máy bay và mở rộng mạng lưới bay trong nước lẫn quốc tế. Bamboo Airways, sau giai đoạn khó khăn, đã tiến hành tái cấu trúc toàn diện và bắt đầu khôi phục các chuyến bay quốc tế thường lệ. Vietravel Airlines tìm được cổ đông chiến lược, tạo điều kiện mở rộng mạng bay, nâng cao năng lực cạnh tranh và cải thiện chất lượng dịch vụ.
Trong bối cảnh ấy, theo ông, Cảng Hàng không Quốc tế Long Thành sẽ có tác động thế nào tới ngành hàng không Việt Nam?
Cảng Hàng không Quốc tế Long Thành, đạt cấp 4F theo phân cấp của Tổ chức Hàng không Dân dụng Quốc tế (ICAO), là cửa ngõ hàng không lớn và quan trọng, không chỉ của Việt Nam mà còn của khu vực Đông Nam Á. Long Thành được kỳ vọng trở thành trung tâm trung chuyển vận tải hàng không trong khu vực, không chỉ thúc đẩy sự phát triển của ngành hàng không mà còn mang lại tác động tích cực đến kinh tế - xã hội của toàn vùng và cả nước.
Năm 2025, một trong những ưu tiên của ngành hàng không là tích hợp hệ thống sân bay Long Thành với các loại hình giao thông khác như đường bộ và đường sắt đô thị, đảm bảo kết nối thuận tiện đến các địa phương. Chẳng hạn, cần nghiên cứu tác động của các chuyến bay từ Long Thành trong phạm vi 500-700 km đối với hoạt động tại sân bay Tân Sơn Nhất. Để Long Thành vận hành hiệu quả, việc khẩn trương phát triển các tuyến đường sắt hoặc tàu điện ngầm theo hướng ngắn nhất và nhanh nhất là điều cần thiết.
Những tuyến đường này khi hình thành không chỉ thuận lợi cho khách đi và đến sân bay Long Thành mà chúng cùng với sân bay Long Thành sẽ mở ra không gian phát triển mới cho vùng kết nối, tạo động lực tăng trưởng mới, thúc đẩy cơ cấu kinh tế mới thiên về sản xuất dịch vụ, tạo ra năng lực cạnh tranh mới cho vùng và cả nền kinh tế.
Trong cuộc họp với Thủ tướng cùng các doanh nghiệp lớn, nữ tỷ phú Nguyễn Thị Phương Thảo, Chủ tịch Vietjet Air, đã bày tỏ kỳ vọng đưa Việt Nam trở thành trung tâm trung chuyển hàng không quốc tế. Liệu chúng ta có thể hiện thực hóa mục tiêu này?
Ước mơ trở thành trung tâm trung chuyển hàng không quốc tế là điều nhiều quốc gia hướng đến, nhưng điều quan trọng hơn là làm thế nào để biến ước mơ đó thành hiện thực.
Ảnh: Thắng Nguyễn.
“
Để trở thành điểm trung chuyển hàng không quốc tế, Việt Nam cần tập trung nâng cao chất lượng và năng lực cạnh tranh. Các hãng hàng không sẽ chỉ tìm đến nếu chúng ta khác biệt, vượt trội và cung cấp điều kiện thuận lợi hơn hẳn các sân bay trong khu vực. Nếu chất lượng dịch vụ và cơ sở hạ tầng không đồng bộ hoặc chỉ tương đương với sân bay khác, Long Thành khó có thể trở thành trung tâm hàng không khu vực. Đây là bài toán cần lời giải từ các đơn vị trong ngành.
TS. Nguyễn Đức Kiên, nguyên Tổ trưởng Tổ Tư vấn kinh tế của Thủ tướng.
Kinh nghiệm thành công từ những sân bay quốc tế không thiếu. Singapore, dù diện tích nhỏ và vị trí địa lý không thuận lợi bằng, nhưng sân bay Changi của họ vẫn đón 70-80 triệu khách mỗi năm và được đánh giá là một trong những sân bay có dịch vụ tốt nhất thế giới.
Theo ông, mô hình khai thác và kinh doanh các dịch vụ tại Cảng Hàng không Quốc tế Long Thành cần được thiết kế như thế nào để vừa đảm bảo sự cân đối giữa khu vực tư nhân và Nhà nước, vừa phù hợp với xu thế phát triển hiện đại?
Cơ cấu hoạt động tại sân bay Long Thành có thể chia thành hai phần chính: đầu tư và khai thác. Về đầu tư, Nhà nước đã đảm nhiệm phần này. Đối với khai thác, cần tạo điều kiện để các doanh nghiệp tham gia đấu thầu các hạng mục như nhà ga, khu thương mại, dịch vụ sân bay, bao gồm xe buýt, taxi, ăn uống, vui chơi giải trí, cung cấp nhiên liệu, tổ chức sự kiện, hội nghị và dịch vụ ngân hàng. Việc đấu thầu sẽ đảm bảo sự cạnh tranh, minh bạch và nâng cao chất lượng dịch vụ.
Riêng lĩnh vực kỹ thuật, như xây dựng nhà chứa máy bay (hangar), theo tôi, nên chỉ định Vietnam Airlines thực hiện. Điều này đồng nghĩa với việc Vietnam Airlines phải bỏ vốn đầu tư để phát triển một trung tâm kỹ thuật sửa chữa và bảo dưỡng máy bay đạt tiêu chuẩn khu vực. Như vậy, các dòng máy bay mới, cỡ lớn khi đến Long Thành có thể được kiểm tra và bảo dưỡng tại chỗ theo chuẩn quốc tế, thay vì phải bay sang Singapore hay Thái Lan như hiện nay. Điều này không chỉ nâng cao năng lực cạnh tranh mà còn góp phần định vị Long Thành là trung tâm hàng không của khu vực.
Vì sao phải chỉ định Vietnam Airlines?
Theo tôi, Vietnam Airlines với vai trò là hãng hàng không quốc gia và là hãng duy nhất tại Việt Nam đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế cần phát huy vai trò chủ lực của mình. Vietnam Airlines có sẵn nguồn nhân lực đủ điều kiện, đạt chuẩn để cung cấp dịch vụ bảo trì, bảo dưỡng máy bay và các dịch vụ hàng không.
Vì vậy, Vietnam Airlines nên tận dụng kinh nghiệm và thế mạnh trong lĩnh vực hàng không để xây dựng và phát triển các trung tâm sản xuất linh kiện, bảo trì, bảo dưỡng máy bay, cung ứng dịch vụ hàng không và thiết lập một hệ sinh thái đồng bộ, đáp ứng yêu cầu vận hành Cảng Hàng không Quốc tế Long Thành.
Vietnam Airlines có sẵn nguồn nhân lực đủ điều kiện, đạt tiêu chuẩn để cung cấp dịch vụ bảo trì, đạt chuẩn để cung cấp dịch vụ bảo trì, bảo dưỡng máy bay và các dịch vụ hàng không. Ảnh: Khánh Huyền. Vietnam Airlines nên tận dụng kinh nghiệm và thế mạnh để cung ứng dịch vụ hàng không và thiết lập một hệ sinh thái đồng bộ, đáp ứng yêu cầu vận hành Cảng Hàng không Quốc tế Long Thành. Ảnh: VNA.
Nhà nước, thông qua việc đầu tư vào công trình trọng điểm quốc gia, có thể sử dụng Vietnam Airlines như một công cụ chiến lược để tạo ra năng lực sản xuất mới cho nền kinh tế, đồng thời thúc đẩy môi trường kinh doanh ngành hàng không cạnh tranh, đa dạng hóa các hình thức sở hữu doanh nghiệp.
Hiện tại, chỉ có Vietnam Airlines đủ năng lực triển khai ngay và có vị thế để huy động vốn cho các dự án này. Quan trọng hơn, mọi quyết định phải đặt lợi ích quốc gia và người dân lên hàng đầu, đảm bảo phát triển đồng bộ và bền vững cho ngành hàng không.
Xin cảm ơn ông!
Chất lượng dịch vụ hành khách giữa các chuyến bay nội địa và quốc tế tại các cảng hàng không ở Việt Nam hiện vẫn có sự chênh lệch lớn. Để thu hẹp khoảng cách này, cần sự phối hợp chặt chẽ và nhịp nhàng hơn giữa các cảng hàng không quốc tế và các hãng bay. Quan trọng nhất là phải lấy khách hàng làm trung tâm, thay vì chỉ tập trung vào doanh thu hay lợi nhuận của bất kỳ doanh nghiệp hàng không nào.
Bình luận của bạn đã được gửi và sẽ hiển thị sau khi được duyệt bởi ban biên tập.
Ban biên tập giữ quyền biên tập nội dung bình luận để phù hợp với qui định nội dung của Báo.