Cảng

121 tỷ đồng đầu tư phát triển nguồn nhân lực phục vụ sân bay Long Thành

Nam Bình 11/02/2025 06:34

Hàng nghìn người lao động địa phương của Đồng Nai, đặc biệt là những người dân bị thu hồi đất phục vụ dự án Cảng hàng không Quốc tế Long Thành sẽ được ưu tiên đào tạo, tuyển dụng vào làm việc tại sân bay này trong thời gian tới.

UBND tỉnh Đồng Nai vừa ban hành quyết định về “Đào tạo và phát triển nguồn nhân lực tại chỗ phục vụ Cảng hàng không quốc tế Long Thành giai đoạn 2024 - 2026, định hướng đến năm 2030” trên địa bàn tỉnh.

Ưu tiên đào tạo nguồn nhân lực tại chỗ

Theo UBND tỉnh Đồng Nai, việc đào tạo nhân lực tại địa phương phục vụ trong và ngoài Cảng hàng không quốc tế Long Thành đảm bảo về số lượng cơ cấu và chất lượng, đáp ứng yêu cầu vị trí việc làm là yêu cầu cấp thiết hiện nay. Đặc biệt là ưu tiên đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho người dân bị thu hồi đất thuộc dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành.

Do đó, Đồng Nai đặt mục tiêu tổ chức đào tạo, hỗ trợ tìm việc làm trong và ngoài sân bay Long Thành cho người lao động thường trú trên địa bàn tỉnh Đồng Nai đến năm 2030 là khoảng 4.800 người.

Việc đào tạo chia làm hai giai đoạn chính. Từ 2024 - 2026, sẽ thực hiện chính sách lồng ghép tổ chức đào tạo cho 1.600 người. Tiếp đó, giai đoạn 2027 - 2030 sẽ vừa tổ chức đào tạo lồng ghép và đặt hàng đào tạo cho 3.200 người.

lao dong
Đồng Nai đặt mục tiêu ưu tiên đào tạo nguồn nhân lực làm việc tại sân bay Long Thành cho lao động địa phương. Ảnh: VGP.

Đồng Nai cũng đặt mục tiêu có sự gắn kết về cung - cầu lao động, phối hợp giữa đơn vị đào tạo với doanh nghiệp tuyển dụng, người sử dụng lao động như các đơn vị khai thác, cung cấp các dịch vụ hàng không trong và ngoài sân bay Long Thành.

Có sự thống nhất về cơ chế ưu tiên tuyển dụng lao động tại chỗ vào làm tại Cảng hàng không quốc tế Long Thành trên cơ sở đáp ứng tiêu chuẩn tuyển dụng theo quy định của ngành hàng không.

Cũng theo UBND tỉnh Đồng Nai, nhu cầu 5 lĩnh vực đào tạo nguồn nhân lực phục vụ dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành giai đoạn 1 gồm: lĩnh vực cảng hàng không, với nhu cầu lao động là 2.961 người; lĩnh vực quản lý bay với nhu cầu lao động khoảng 881 người; lĩnh vực vận tải hàng không với nhu cầu lao động khoảng 828 người; lĩnh vực cung cấp dịch vụ hàng không có nhu cầu lao động là 8.909 người và lĩnh vực cảng vụ hàng không với nhu cầu lao động là 190 người.

Để đảm bảo đủ nhân lực phục vụ cho Cảng hàng không quốc tế Long Thành, giai đoạn 2024-2026, Đồng Nai tập trung đào tạo, thu hút và cung cấp đủ nhân lực cho các ngành nghề, vị trí công việc phục vụ trực tiếp cho hoạt động của sân bay với khoảng 1.600 người, bao gồm các chuyên ngành như quản lý sân bay, bảo vệ an ninh hàng không, khai thác vận hành sân bay, kỹ thuật bảo trì, và các dịch vụ hỗ trợ hành khách.

Trong số đó, ưu tiên cho người lao động thuộc các hộ gia đình bị thu hồi đất để thực hiện dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành, với 3 nhóm lao động chính gồm nhóm nhân viên bốc xếp hành lý, hàng hóa; nhân viên vệ sinh máy bay, nhóm nhân viên lái vận hành trang thiết bị mặt đất và nhóm nhân viên phục vụ hành khách; nhân viên hướng dẫn xếp, điều phối chuyến bay và nhân viên kiểm soát tải.

Giai đoạn 2027-2030, tổ chức đào tạo cho 3.200 người (bình quân mỗi năm đào tạo 800 lao động), trong đó lồng ghép đào tạo và thu hút lao động đã được đào tạo cho 2.800 người và đặt hàng đào tạo cho 400 người với các ngành nghề liên quan đến lĩnh vực hàng không để đáp ứng nhân lực phục vụ Cảng hàng không quốc tế Long Thành với 3 nhóm lao động chính nêu trên.

Tổng kinh phí thực hiện Đề án là hơn 121 tỷ đồng, từ nguồn ngân sách nhà nước và nguồn doanh nghiệp đóng góp, trong đó kinh phí vốn vay của học sinh, sinh viên giai đoạn 2024 - 2030 là 72 tỷ đồng.

Nhiều giải pháp để hiện thực hóa mục tiêu

Theo ông Võ Tấn Đức, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai, dân số trên địa bàn tỉnh hiện nay hơn 3 triệu người. Độ tuổi lao động từ 15 tuổi trở lên khoảng 1,75 triệu người, thuận lợi cho việc phát triển nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu đào tạo nguồn nhân lực trên địa bàn.

Cùng với đó, hiện tại trên địa bàn tỉnh có 5 trường đại học và 15 trường cao đẳng, trung cấp, hàng năm có quy mô khả năng tuyển sinh đào tạo từ 20.000 đến 25.000 người, đáp ứng được nhu cầu đào tạo nguồn nhân lực phục vụ trong và ngoài Cảng hàng không quốc tế Long Thành.

Để thực hiện mục tiêu đào tạo nguồn nhân lực cho sân bay Long Thành, trong thời gian tới, Đồng Nai sẽ tăng cường các hoạt động tuyên truyền đến học sinh, phụ huynh, người dân về chính sách hỗ trợ đào tạo và tìm kiếm việc làm cũng như các điều kiện, tiêu chuẩn, nhu cầu tuyến dụng ngành nghề đào tạo để phục vụ Cảng Hàng không Quốc tế Long Thành.

osky.1cdn.vn-2024-12-27-_giao-duc.jpg
Khu đất quy hoạch Làng Đại học đổi mới sáng tạo tại huyện Long Thành, nơi có sân bay quốc tế Long Thành đang xây dựng. Ảnh: Sở GD-ĐT Đồng Nai.

Đồng thời, ký kết với Tổng Công ty hàng không Việt Nam, Công ty Dịch vụ mặt đất, các hãng hàng không (Vietnam Airlines, Vietjet Air...) về thông tin tuyển dụng, chính sách ưu tiên tuyển dụng lao động tỉnh Đồng Nai, đặc biệt là lao động thuộc diện bị thu hồi đất cho Dự án Cảng hàng không Quốc tế Long Thành.

Ngoài ra, Đồng Nai sẽ thực hiện nâng cao hiệu quả công tác dạy và học ngoại ngữ tại các cơ sở giáo dục, giáo dục nghề nghiệp, phát triển các trung tâm đào tạo ngoại ngữ để giúp học sinh, sinh viên, người dân có điều kiện nâng cao trình độ ngoại ngữ.

Bà Nguyễn Thị Thu Hiền, Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh Đồng Nai, thông tin, nhằm sẵn sàng khi sân bay Long Thành khi đi vào khai thác, thời gian qua, Đồng Nai đã thực hiện nhiều hoạt động chuẩn bị nguồn nhân lực.

Đến nay, trên địa bàn tỉnh đã có 2 trường cao đẳng chủ động ký kết hợp tác cơ sở đào tạo và doanh nghiệp chuyên ngành hàng không. Trong đó, Trường Cao đẳng Công nghệ quốc tế Lilama 2 đã chủ động tiến hành ký kết hợp tác với Công ty TNHH Một thành viên Kỹ thuật máy bay (VAECO) đào tạo một số ngành trong lĩnh vực kỹ thuật hàng không.

osky.1cdn.vn-2024-12-27-_lillama.jpg
Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa trong một lần dự lễ khai giảng của Trường Cao đẳng Công nghệ quốc tế Lilama 2 đã đề nghị nhà trường cần tập trung nắm bắt nhu cầu, đào tạo nhân lực chất lượng cao, phục vụ dự án sân bay Long Thành. Ảnh: Trần Khánh.

Trong năm 2024, Trường Cao đẳng Công nghệ quốc tế Lilama 2 cũng đã ký kết hợp tác với Công ty Cổ phần Phục vụ mặt đất Sài Gòn (SAGS) đào tạo một số ngành nghề kỹ thuật trong lĩnh vực hàng không như nhân viên điều khiển, vận hành thiết bị hàng không, phương tiện hoạt động tại khu vực hạn chế cảng hàng không, sân bay; nhân viên khai thác mặt đất phục vụ chuyến bay… Trong năm 2024, trường đã tuyển sinh được 78 chỉ tiêu.

Ngoài ra, Lilama 2 cũng hợp tác với Tổng Công ty Cảng Hàng không Việt Nam (ACV) đào tạo một số ngành nghề như nghiệp vụ nhân viên điều khiển, vận hành thiết bị hàng không, phương tiện hoạt động tại khu vực hạn chế cảng hàng không, sân bay; vận hành bảo dưỡng hệ thống trang thiết bị nhà ga…

Cùng với đó, Trường Cao đẳng Công nghệ cao Đồng Nai cũng đã hợp tác liên kết đào tạo với Học viện Hàng không Vietjet Air tổ chức các khóa học ngắn hạn như đào tạo bổ sung, đào tạo cấp chứng chỉ thuộc lĩnh vực chuyên ngành hàng không cho học sinh, sinh viên... Hiện nay, nhà Trường đang phối hợp với Học viện Hàng không Vietjet Air xây dựng chương trình đào tạo cho thời gian tới.

Với hàng loạt biện pháp nêu trên, Đồng Nai kỳ vọng, sẽ chuẩn bị được nguồn lao động chất lượng cao, phục vụ cả bên trong lẫn bên ngoài khi sân bay Long Thành khi đi vào khai thác trong năm 2026 tới đây.

Thành lập Hội đồng tư vấn đào tạo nghề hàng không

Đồng Nai sẽ thành lập Hội đồng tư vấn gồm đại diện các trường đại học, cao đẳng, trung cấp trên địa bàn tỉnh và doanh nghiệp hàng không, các sở, ban, ngành, địa phương liên quan để tham gia xây dựng chương trình đào tạo, đánh giá chất lượng đào tạo các ngành nghề hàng không theo hướng hội nhập quốc tế.

Hội đồng này sẽ chịu trách nhiệm đề xuất, xây dựng chương trình đào tạo chuyên sâu phù hợp với yêu cầu thực tế của ngành hàng không; đánh giá chất lượng đào tạo tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp và các trường đại học trên địa bàn tỉnh.

Đồng thời, xây dựng chính sách liên kết giữa các cơ sở giáo dục và doanh nghiệp trong ngành hàng không; đảm bảo chương trình đào tạo hội nhập quốc tế, đáp ứng yêu cầu về tiêu chuẩn quốc tế trong ngành hàng không; hỗ trợ phân luồng, quy hoạch nguồn nhân lực phục vụ trong và ngoài Cảng hàng không quốc tế Long Thành….

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
121 tỷ đồng đầu tư phát triển nguồn nhân lực phục vụ sân bay Long Thành
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO