Khách Trung Quốc được biết đến là một trong những nhóm khách có sức chi tiêu top đầu, tạo động lực phát triển cho nhiều điểm đến.
Trung Quốc là quốc gia chi tiêu cho du lịch nước ngoài cao nhất trong năm 2023, đạt 196,5 tỷ USD, theo Tổ chức Du lịch Thế giới (UN Tourism). Theo sau lần lượt là Mỹ (150 tỷ USD), Anh (110 tỷ USD) và Pháp (49 tỷ USD).
Theo số liệu từ Tổng cục Thống kê công bố hôm 29/5, lượng khách Trung Quốc đến Việt Nam tháng 5 ước đạt gần 357.200 lượt. Đây là lần đầu tiên sau hơn hai năm Việt Nam mở cửa đón khách quốc tế và hơn một năm Trung Quốc mở lại biên giới vì dịch bệnh, quốc gia này mới giành lại vị trí đầu bảng trong các thị trường gửi khách quốc tế lớn nhất đến Việt Nam.
Trước đó, vào tháng 2, dữ liệu tìm kiếm của nền tảng đặt phòng trực tuyến Agoda cũng cho thấy sự quan tâm trở lại của khách Trung Quốc với du lịch Việt Nam vào đầu năm nay, đạt 95% so với năm 2022.
TP.HCM, Hà Nội, Nha Trang, Đà Nẵng và Phú Quốc là 5 địa phương được nhóm khách này tìm kiếm nhiều nhất.
Ông Vũ Ngọc Lâm, Giám đốc Agoda tại Việt Nam, nhận xét khách Trung Quốc đại lục chiếm gần 1/3 tổng số du khách quốc tế, là nguồn thu du lịch lớn nhất của nước ta vào năm 2019. Số liệu tìm kiếm gần đạt mức trước đại dịch là "một tín hiệu tích cực cho ngành du lịch Việt Nam".
Không chỉ riêng Việt Nam, người dân Trung Quốc bắt đầu dành sự quan tâm trở lại cho các điểm đến quốc tế. Công ty nghiên cứu dữ liệu du lịch ForwardKeyes chỉ ra các chuyến du lịch quốc tế có lượng đặt vé, phòng ngày 27/4-5/5 của người Trung Quốc chỉ thấp hơn 7% so với năm 2019.
Tương tự, nền tảng du lịch trực tuyến Trip.com cũng ghi nhận số lượt tìm kiếm về các chuyến bay quốc tế trong kỳ nghỉ Tuần lễ vàng tăng 56% so với cùng kỳ 2023.
Các điểm đến phổ biến gồm Nhật Bản, Thái Lan, Hàn Quốc, Malaysia, Singapore. Trong đó Thái Lan, Malaysia và Singapore là 3 quốc gia áp dụng chính sách miễn thị thực song phương với Trung Quốc.
Ngoài ra, khách Trung Quốc ưa chuộng Nhật Bản bởi họ đang có các chuyến đi giá rẻ nhưng vẫn được sử dụng dịch vụ cao cấp vì đồng yen suy yếu. Gần nửa triệu lượt khách Trung đã đến Nhật trong tháng 3, đạt 65% so với năm 2019.
Italy là điểm đến yêu thích của khách Trung Quốc tại châu Âu. Số lượng đặt các chuyến đi tăng 19% so với trước dịch, tiếp theo là Anh với mức tăng 12%.
Trung Đông cũng là điểm đến được người dân nước này quan tâm. Trong đó, UAE là điểm đến hàng đầu trong khu vực cho các chuyến đi dịp nghỉ lễ vừa qua.
Sự phục hồi du lịch quốc tế của người Trung Quốc nhanh hơn so với dự báo hồi đầu năm. Sau dịch, nhiều đường bay quốc tế nối lại với thị trường Trung Quốc, giúp giá vé hạ thấp và thúc đẩy nhu cầu du lịch.
Bên cạnh đó, tâm lý lo lắng, e ngại khi đi du lịch của khách Trung Quốc không còn nặng nề như trước. Nhu cầu đi chơi đang phục hồi bất chấp lo ngại nền kinh tế ảm đạm.
Julia Simpson, Chủ tịch Hội đồng Du lịch & Lữ hành Thế giới (WTTC), nhận định du khách Trung Quốc là động lực cho ngành du lịch toàn cầu. Nhiều quốc gia nóng lòng chờ đợi sự quay trở lại của thị trường này và hoạt động chi tiêu của họ.
Báo cáo của WTTC năm 2023 cũng chỉ ra khách Trung Quốc đại lục đã vượt qua các thị trường khác về chi tiêu mua sắm với trung bình mỗi chuyến đi là 1.350 USD/người, đóng góp đáng kể cho thị trường du lịch toàn cầu.
Thống kê của UN Tourism chỉ ra khách du lịch Trung Quốc đã chi 133,8 tỷ USD cho du lịch nước ngoài vào năm 2019, với mức tiêu dùng bình quân đầu người là 863 USD, đứng đầu thế giới về chi tiêu du lịch nước ngoài, chiếm 23,8% tổng chi tiêu toàn cầu.
Niên giám thống kê mới nhất phát hành giữa năm 2023 của Tổng cục Thống kê cho thấy chi tiêu trung bình của khách Trung đến Việt Nam là hơn 880 USD/người/chuyến.
Các nhà phân tích dự báo Trung Quốc có thể giành lại "ngôi vương" về chi tiêu cho du lịch vào năm nay. Wang Peng, nhà nghiên cứu tại Học viện Khoa học Xã hội Bắc Kinh, nhận định với sức chi tiêu mạnh mẽ khi du lịch nước ngoài của người dân Trung Quốc sẽ thúc đẩy và tác động tích cực đến thị trường du lịch toàn cầu.
Wang cũng lưu ý rằng du lịch không phải là hoạt động tiêu dùng một lần mà sẽ thúc đẩy sự phát triển của nhiều ngành liên quan như ăn uống, giải trí và bán lẻ.
Trong khi đó, khảo sát do Công ty tư vấn quản lý và chiến lược kinh doanh của Mỹ, McKinsey thực hiện cho thấy người tiêu dùng Trung Quốc có kế hoạch cắt giảm chi tiêu cho bất động sản, quần áo và mỹ phẩm. Tuy nhiên, họ dự định chi nhiều hơn cho du lịch quốc tế và các mặt hàng có giá trị lớn hơn như ôtô.
Mặc dù số lượng chuyến du lịch quốc tế của Trung Quốc chưa đạt được như trước dịch, mức chi tiêu xa xỉ ở nước ngoài của du khách nước này lại tăng vọt. Theo đó, khách Trung chi tiêu ở Italia tăng 14%, 20% ở Pháp, 117% ở Nhật và 64% ở Singapore so với năm 2019.
Sự gia tăng này minh chứng cho nhu cầu du lịch mua sắm khi đi du lịch nước ngoài của người Trung Quốc đang "trỗi dậy" mạnh mẽ. Bên cạnh đó, mức chi tiêu gia tăng đáng kể, đặc biệt là ở Nhật Bản, điểm đến nổi tiếng với các dịch vụ sang trọng, công nghệ cao và ẩm thực, cho thấy sự thay đổi rõ rệt theo hướng du lịch trải nghiệm và ưu tiên chất lượng hơn số lượng của nhóm khách này.