Theo khảo sát của nhiều đơn vị trên toàn cầu, thế hệ Millennials và Gen Z là nhóm đối tượng sẵn sàng chi bạo để đi du lịch.
Khảo sát do Công ty nghiên cứu thị trường PMG thực hiện với du khách là người trưởng thành ở châu Mỹ, Âu và Á chỉ ra 65% gen Z và 72% thế hệ Millennials chi tiêu mạnh tay cho các chuyến du lịch. Trong khi đó các thế hệ còn lại chi tiêu tiết kiệm hơn. Đây là hai nhóm khách dẫn đầu về tăng chi tiêu du lịch trong năm nay.
Báo cáo "Cất cánh cùng ngành du lịch 2024" của Cốc Cốc công bố vào cuối tháng 4 chỉ ra 70% người trẻ ở độ tuổi 25-34 chi tiêu mạnh cho du lịch với chi phí 5 triệu đồng trở lên cho một chuyến đi.
Trong khi đó, lứa tuổi trung niên 35-44 tuổi lại hạn chế chi tiêu cho các chuyến đi hơn hơn. Đáng chú ý, độ tuổi từ 45 lại chi tiêu khá khiêm tốn cho du lịch với 27,8% người được hỏi tiêu từ 2 triệu đồng đến dưới 5 triệu đồng cho mỗi chuyến đi.
Báo cáo của Ngân hàng Mỹ (Bank of Ameria) hồi cuối tháng 5 cũng cho thấy hơn 70% số người được hỏi đang lên kế hoạch đi du lịch hè, thế hệ Millennials (sinh năm 1981-1996) và Gen Z (sinh năm 1997- 2012) có kế hoạch đi xa lâu hơn và chi tiêu nhiều hơn so với những năm trước.
Theo Intrepid Travel, công ty chuyên tổ chức nhóm du lịch nhỏ trên hơn 100 quốc gia, người trẻ (18-29 tuổi) có xu hướng đặt tour du lịch với người lạ để tìm tình bạn mới ngoài đời. Đáng chú ý, Matt Berna, Chủ tịch khu vực châu Mỹ của đơn vị này, nói người trẻ ưu tiên đi lại hơn mua nhà hay các khoản vay thế chấp.
Tuy nhiên, khả năng tài chính của Gen Z lại không lạc quan. Lindsey Roeschke, nhà phân tích du lịch và khách sạn của Morning Consult, dẫn chứng một nghiên cứu công bố hồi tháng 5 bởi công ty dịch vụ tài chính Empower chỉ ra 24% Gen Z nói rằng cảm thấy bị bạn bè gây áp lực khi phải thực hiện những chuyến đi mà họ không đủ khả năng chi trả.
Công ty dịch vụ tài chính Brankrate cũng ghi nhận 42% Gen Z sẵn sàng dùng thẻ tín dụng để có tiền đi du lịch mùa hè. Số còn lại vay bạn bè, người thân hoặc trả góp. Tâm lý sẵn sàng vay nợ để đi du lịch khiến các thế hệ lớn tuổi lo lắng.
Theo các chuyên gia, thế hệ Z đã trưởng thành trong khoảng thời gian "cực kỳ hỗn loạn", điều này tác động sâu sắc đến hành vi du lịch của họ. Nhiều người trẻ sinh ra tâm lí không muốn trì hoãn bất cứ chuyến đi nào vì lo sợ có thể đại dịch khác sẽ ập đến hoặc chiến tranh, khủng hoảng tài chính.
Các thế hệ lớn tuổi đặt kỳ nghỉ dựa trên sự nổi tiếng, ví dụ tháp Eiffel ở Paris. Với người trẻ, họ không có quan niệm như vậy và muốn trở thành người "tạo ra xu hướng". Tại Intrepid Travel, một trong những trải nghiệm được yêu thích là đạp xe qua các điểm du lịch ở Việt Nam.
So với kiểu du lịch nhóm truyền thống với khoảng 40 người và có hướng dẫn viên đi cùng để đến những địa điểm đông đúc, người trẻ làm ngược lại.
Họ đi du lịch theo nhóm 10 người, qua đó tạo cảm giác đi chơi như người địa phương. Những du khách này thích ăn ở nhà hàng nhỏ địa phương, ở khách sạn gia đình và tránh trải nghiệm nhiều người biết.
Còn với Millennials, họ đang già đi nhưng phong cách du lịch vẫn đa dạng. Cững như Gen Z, thế hệ này yêu thích các điểm đến ít người biết.
Báo cáo Xu hướng Du lịch Toàn cầu năm 2023 của American Express Travel cho thấy gần 80% thế hệ Millennials và những người được hỏi thuộc Gen Z cho biết "muốn có một ngày trải nghiệm cuộc sống của người dân địa phương tại điểm đến". Họ thích các điểm đến văn hóa địa phương và những nơi hấp dẫn ít người biết.
Còn với du khách trẻ Việt Nam, khi nền kinh tế phục hồi, sự quan tâm đến các điểm đến quốc tế gia tăng đáng kể từ 14,1% lên 21,5% so với cùng kỳ năm ngoái. Hàn Quốc, Nhật Bản, Mỹ là những quốc gia hấp dẫn nhất.
Hoạt động mua sắm khi đi du lịch cũng gắn liền với hai thế hệ này nhiều hơn, khoảng 33,3%, trong khi tỷ lệ này chưa đến 20% ở thế hệ trước đó.
Tuy nhiên, Gen Z cũng thể hiện sự thông minh khi đi du lịch, đặc biệt trong bối cảnh cao điểm hè, giá cả tăng cao. Họ lựa chọn cắt giảm chi phí đi lại, sử dụng các ứng dụng và công nghệ để so sánh giá cả, đổi điểm thẻ tín dụng thành tiền mặt, kiếm thêm việc làm để có tiền cho chuyến đi.