Cụ thể, sáng kiến về loại thị thực mới này được đưa ra nhằm thiết lập chương trình thị thực chung cho 6 nước Đông Nam Á, gồm Việt Nam, Malaysia, Thái Lan, Lào, Campuchia và Myanmar.
Kích thích du lịch
Tổng cục Du lịch Thái Lan đi đầu trong sáng kiến này với kỳ vọng đơn giản hóa thủ tục nhập cảnh cho du khách quốc tế, tăng lượng du khách và doanh thu cho ngành du lịch cho các quốc gia.
Theo đó, chính sách này có thể định vị ngành du lịch Thái Lan, đồng thời củng cố sự phát triển của ngành hàng không và dịch vụ tại nước này.
Từ tháng 4, Thủ tướng Thái Lan Srettha Thavisin tích cực thúc đẩy sáng kiến về thị thực chung cho các nước Đông Nam Á với lãnh đạo 5 nước còn lại.
Đề xuất về thị thực chung này được thiết kế nhằm thu hút khách du lịch quốc tế muốn lưu trú lâu và trải nghiệm nhiều chuyến du lịch xuyên suốt các quốc gia.
Theo TTW, sáng kiến này có khả năng thay đổi cục diện xu hướng du lịch và thị hiếu trải nghiệm các dịch vụ của du khách. Tuy nhiên, về tiến trình thực hiện, một số chuyên gia cho rằng việc triển khai các thỏa thuận miễn thị thực giữa từng quốc gia có thể ít phức tạp hơn về mặt thủ tục.
Nhiều khu vực đã áp dụng visa chung
Ông Anup Kumar Keshan, Tổng biên tập của TTW cho biết: "Từ năm nay, tiềm năng du lịch quốc tế ở cả 6 quốc gia Đông Nam Á phát triển vượt mốc thời kỳ đại dịch. Các nước thành viên đang hướng đến đồng thuận chung cho sáng kiến về thị thực mới tương tự visa Schengen".
Ông Keshan đưa dẫn chứng về 6 quốc gia thành viên của Hội đồng hợp tác các nước vùng Vịnh (GCC) gồm Saudi Arabia, UAE, Qatar, Bahrain, Kuwait và Oman. 6 quốc gia này đã phê duyêt một chương trình thị thực chung, dự kiến thực hiện trước tháng 12.
Tại khu vực Nam Phi, các quốc gia gồm Nam Phi, Botswana, Namibia, Lesotho, Swaziland và Zimbabwe cũng đang tiến hành các sáng kiến tương tự.
Về tính hiệu quả, Đại diện TTW cho rằng thị thực chung giúp ích đáng kể cho ngành du lịch. Nếu chính sách được thông qua, các đại lý du lịch, đơn vị lữ hành có thể lên kế hoạch phát triển thêm sản phẩm với những hành trình xuyên quốc gia.
Ngoài ra, sáng kiến về thị thực chung cũng giúp các quốc gia Đông Nam Á tăng sức cạnh tranh với những thị trường du lịch lớn như Trung Quốc, Ấn Độ, Hàn Quốc và Nhật Bản. Chương trình thị thực mới kiểu Schengen dự kiến giúp du khách quốc tế có thể khám phá nhiều điểm đến giữa các quốc gia thành viên, đa dạng loại hình di chuyển bằng đường bộ, đường thủy, đường hàng không.
Thị thực Schengen, thường được gọi là visa châu Âu, là loại thị thực được cấp bởi cơ quan lãnh sự của 27 quốc gia tham gia Thoả thuận Schengen.
Visa Schengen giúp du khách nước ngoài có cơ hội tiếp cận 27 nước ở châu Âu chỉ với một lần làm thủ tục xin visa, tiết kiệm thời gian, chi phí.
Du khách có thị thực Schengen có thể nhập cảnh nước đã cấp visa, và những nước còn lại trong khối Schengen.