Du lịch

'Hòa vốn' khi du lịch nhờ thủ tục hoàn thuế

Thu Trang 07/10/2024 06:20

Mỗi chuyến đi không chỉ là cơ hội để khám phá văn hóa và cảnh đẹp, mà còn là dịp để mua sắm. Với chính sách hoàn thuế, du khách còn có thể tiết kiệm một khoản chi phí đáng kể.

snapedit_1728103933113(1).jpeg
Ảnh: sey.chanboromey.

Nam du khách Đình Kiên (31 tuổi, TP.HCM) cho biết từng nhận được số tiền hoàn thuế tương đương 6 triệu đồng sau chuyến đi châu Âu, được chuyển thẳng về thẻ thanh toán quốc tế.

"Tôi thường tranh thủ mua quần áo trong mỗi chuyến đi, vì có mẫu mã đa dạng, độc đáo. Người thân, bạn bè cũng thường nhờ tôi sắm đồ hộ vì có giá hời, sản phẩm đảm bảo hơn so với việc đặt hàng qua trung gian", nam du khách chia sẻ.

Tranh thủ "hòa vốn"

Ông Bùi Thanh Tú, Giám đốc truyền thông Marketing BestPrice, cho biết tùy vào từng hành trình, điểm đến cụ thể mà hướng dẫn viên sẽ có hướng dẫn cặn kẽ về chính sách hoàn thuế du lịch cho khách khi đi tour.

Đối với du khách đi tự túc, nếu có nhu cầu mua sản phẩm, hàng hóa dịch vụ hoàn thuế nên tìm hiểu kỹ điều khoản, điều kiện và chính sách ở các điểm đến để nắm rõ. Một số khách lần đầu mua sắm ở nước ngoài còn tỏ ra ngạc nhiên với chính sách này.

"Có du khách lần đầu đi Thái Lan mua túi hiệu và được hoàn gần 4 triệu đồng. Họ rất vui vì đi chơi còn được đem tiền về. Chính sách hoàn thuế mua sắm cũng là yếu tố kích cầu chi tiêu của khách du lịch", ông Tú bày tỏ.

Tương tự, Đức Phương (35 tuổi, TP.HCM) chia sẻ mỗi lần đi du lịch nước ngoài anh đều dành thời gian mua đồ vì "lời" 10-20% so với chi phí mua ở Việt Nam nhờ chính sách miễn thuế. Anh coi số tiền được hoàn là khoản "huề vốn" cho giá vé máy bay và phí visa đắt đỏ

Điển hình vào năm 2018, khi đi Singapore du lịch, Đức Phương tình cờ đến đúng đợt iPhone mới mở bán. Anh cũng tranh thủ chốt đơn và được lời 4 triệu đồng so với khi mua ở Việt Nam.

"Tôi cũng không có chủ đích mua sắm trước khi lên kế hoạch du lịch. Nhưng khi đến các quốc gia có cơ chế miễn thuế mua sắm, tôi dễ tính hơn khi đưa ra quyết định 'chốt đơn'", nam du khách chia sẻ.

Đức Phương thường mua thực phẩm chức năng khi đến Australia với mức hoàn thuế lên đến 10%, nước hoa khi đến Pháp được hoàn thuế 12%, bánh kẹo khi đến Nhật Bản với mức hoàn 10%…

Cần tìm hiểu kỹ quy định

Tuy nhiên, du khách cũng cần tìm hiểu kỹ về quy định hoàn thuế, nhằm tránh những rắc rối phát sinh trong quá trình làm thủ tục.

Trong chuyến du lịch vào năm 2018 ở Hàn Quốc của Đức Phương. Ban đầu, nam du khách dự tính được hoàn vài triệu tiền mỹ phẩm ở trung tâm thương mại. Tuy nhiên, khi thanh toán, nhân viên ở đây lại thông báo rằng anh không đủ điều kiện để được hoàn tiền.

"Vì không thông thạo tiếng Hàn nên tôi cũng đành xách đồ về. Sau đó tìm hiểu mới biết thì ra mua trong siêu thị thì không được hoàn lại chi phí", nam du khách chia sẻ.

opensky_nvd.png
Hàng dài du khách xếp hàng chờ được hoàn thuế tại sân bay Melbourne. Ảnh: Đình Kiên.

Trong chuyến du lịch đến Australia của Đình Kiên, vì chủ quan, nam du khách đến sân bay Melbourne, sát giờ mới thực hiện thủ tục hoàn thuế. Khi đến nơi, Kiên thấy hàng người xếp chờ rất dài, mặc dù đã đứng đợi 30 phút nhưng vẫn chưa đến lượt.

Nhận thấy thời gian không còn nhiều và sợ có thể lỡ chuyến bay, Kiên không còn lựa chọn nào khác ngoài việc rời khỏi hàng và bỏ qua khoản hoàn thuế mà anh đã hy vọng nhận lại.

Trải nghiệm này khiến anh nhận ra tầm quan trọng của việc đến sớm hơn nếu có kế hoạch làm thủ tục hoàn thuế tại sân bay.

Theo ông Tú, tùy theo quy định và luật pháp của từng quốc gia mà chính sách hoàn thuế du lịch sẽ có mức hoàn, các quy định về sản phẩm được hoàn thuế và cách thức thực hiện hoàn thuế khác nhau.

Khi mua sắm, du khách cần kiểm tra xem cửa hàng có dịch vụ hoàn thuế hay không. Sau đó, có thể hỏi cửa hàng mức mua sắm tối thiểu để hoàn thuế là bao nhiêu.

Du khách mua sắm bằng thẻ thanh toán quốc tế sẽ được hoàn trả tối đa trong vòng 3 tháng. Hành khách nên có mặt sớm hơn 4 tiếng so với giờ bay để tránh bị lỡ chuyến.

Như Singapore, du khách nước ngoài đến mua sắm trên 100 SGD (bao gồm thuế hàng hóa và dịch vụ - GST) tại các cửa hàng tham gia trong chương trình có thể yêu cầu được hoàn lại tới 7% cho những mặt hàng đã mua. Du khách sẽ được hoàn thuế cho tối đa 3 hóa đơn/biên lai mua trong cùng ngày từ các cửa hàng có cùng số đăng ký GST để đáp ứng điều kiện số tiền mua sắm tối thiểu là 100 SGD.

Tại Australia, du khách mua sắm cần chi 300 AUD trở lên (bao gồm GST), mua hàng không quá 60 ngày trước khi khởi hành và các hóa đơn cùng một mã doanh nghiệp (Australian Business Number - ABN). Còn với Pháp, du khách cần chi tối thiểu là 100 EUR mỗi hóa đơn, với Italy là 70 EUR, tại Đức là 50 EUR. Du khách du lịch các nước thuộc Liên minh châu Âu (EU) có thể lấy hoàn thuế cho các hóa đơn mua hàng trong vòng 3 tháng tại sân bay trước khi rời khu vực này.

Hàn Quốc lại áp dụng việc tiến hành hoàn thuế ngay tại một số cửa hàng được chỉ định. Nếu giá trị hóa đơn trên 15.000 won và dưới 1 triệu won, tổng số tiền chi cho việc mua sắm dưới 5 triệu won, du khách có thể yêu cầu hoàn thuế ngay tại các cửa hàng này khi thanh toán.

Tại Việt Nam, dịch vụ hoàn thuế GTGT được áp dụng cho tất cả người nước ngoài sử dụng hộ chiếu còn hiệu lực, không do các cơ quan nhà nước có thẩm quyền của Việt Nam cấp, xuất nhập cảnh Việt Nam và không phải là thành viên của các tổ bay trên các chuyến bay xuất cảnh từ Việt Nam ra nước ngoài.

Để được hoàn thuế, du khách phải mua hàng hóa tại các cơ sở kinh doanh thí điểm bán hàng hoàn thuế GTGT tại Việt Nam và mang theo hàng hóa đó khi xuất cảnh.

Nổi bật
Mới nhất
'Hòa vốn' khi du lịch nhờ thủ tục hoàn thuế
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO