Moody's Rating và S&P Global Ratings đang xem xét hạ xếp hạng tín dụng của Boeing xuống cấp độ có thể khiến công ty này phải đối mặt hậu quả.
Sau Moody's Rating, công ty S&P Global Ratings (Mỹ) đang xem xét hạ bậc tín dụng của Boeing xuống mức “rác”, với lý do nhu cầu “đốt" tiền mặt của hãng sản xuất máy bay thương mại lớn thứ nhì thế giới ngày càng tăng khi phải đương đầu với cuộc đình công kéo dài.
Hiện tại, S&P xếp hạng Boeing ở mức BBB-, mức đầu tư thấp nhất.
Fitch Ratings, cái tên thứ ba tạo nên thế chân kiềng “Big Three" - ba công ty xếp hạng tín dụng lớn nhất thế giới chưa làm điều tương tự hai công ty trên, nhưng cho biết tháng trước rằng cuộc đình công có thể làm tăng nguy cơ Boeing bị hạ cấp xuống mức rác.
Các công ty bị xếp hạng tín dụng “rác” phải đối mặt với chi phí cho khoản vay lớn hơn nhiều so với công ty được xếp hạng cao hơn.
S&P ước tính Boeing sẽ tiêu tốn khoảng 10 tỷ USD tiền mặt trong năm nay. Boeing đang “khát" vốn để đáp ứng nhu cầu tiền mặt hàng ngày và thanh toán các khoản nợ đáo hạn.
Theo Moody's Ratings, Boeing có khoản nợ 4 tỷ USD đến hạn vào năm 2025 và 8 tỷ USD đến hạn vào năm 2026.
Cuộc đình công cũng khiến quá trình phục hồi của Boeing gặp nhiều rủi ro. S&P tin Boeing vẫn phải chịu mức nợ và áp lực sử dụng tiền mặt cao hơn dự kiến trong ít nhất một hoặc hai năm tới.
Năm nay, Boeing đối mặt thêm hàng loạt áp lực. Trong khi chưa giải quyết xong tình trạng lắp ráp máy bay chậm trễ, cuộc đình công của 33.000 công nhân ập đến, khiến hoạt động sản xuất trên khắp Tây Bắc Thái Bình Dương tê liệt.
Cuộc đình công khiến Boeing thiệt hại hơn 1 tỷ USD mỗi tháng, ngay cả khi công ty áp dụng một loạt biện pháp tiết kiệm chi phí, cân đối dòng tiền như cho nhân viên nghỉ phép trong 1 tuần, cứ 4 tuần một lần.
S&P hiện nay không còn kỳ vọng Boeing đạt được mục tiêu sản xuất 38 máy bay 737 MAX mỗi tháng bắt đầu từ giữa năm 2025. Dẫu vậy, S&P vẫn kỳ vọng Boeing sẽ tạo ra dòng tiền nhàn rỗi dương vào năm tới, đi kèm cảnh báo Boeing “cực kỳ nhạy cảm với chi phí tăng cao liên quan đến việc ngừng hoạt động".
Nỗ lực tìm tiếng nói chung giữa Boeing và tổ chức đại diện cho công nhân đang đi vào bế tắc khi mới đây, hãng thông báo ngừng đàm phán với Hiệp hội Thợ máy và Nhân viên Hàng không Quốc tế (IAM), đại diện cho hơn 33.000 công nhân, đồng thời rút lại lời đề nghị trả lương cho lao động.
Trong tuyên bố, Boeing cáo buộc IAM "không xem xét nghiêm túc các đề xuất", đồng thời coi các yêu cầu của nghiệp đoàn này là "không thể thương lượng và vượt xa những gì hãng có thể chấp nhận".
Nghiệp đoàn yêu cầu tăng lương 40% và khôi phục chế độ lương hưu đã bị xóa bỏ trong hợp đồng cách đây một thập kỷ. Một thỏa thuận trước đó đưa ra mức tăng 25% trong 4 năm đã bị hơn 90% người lao động bỏ phiếu phản đối vào tháng 9.
Boeing đưa ra đề nghị "tốt nhất và cuối cùng" vào tháng trước. Theo đó, Boeing sẽ tăng 30% lương cho công nhân trong 4 năm và khôi phục tiền thưởng hiệu suất, cải thiện phúc lợi hưu trí và tiền thưởng phê chuẩn tăng gấp đôi lên 6.000 USD nhưng nghiệp đoàn đã từ chối sau một cuộc bỏ phiếu vì cho rằng mức tăng này là không đủ.