Các công tố viên Italy ngày 5/10 đã cáo buộc 7 người và 2 nhà thầu phụ về các tội danh bao gồm gian lận và vi phạm các quy tắc an toàn máy bay.
Nhà chức trách Italy đã mở cuộc điều tra vào cuối năm 2022 sau khi Boeing cho biết một số bộ phận máy bay 787 Dreamliner của hãng do một nhà thầu phụ của tập đoàn hàng không vũ trụ Leonardo cung cấp đã được sản xuất không đúng cách.
Các nhà điều tra phát hiện ra rằng 2 nhà thầu phụ của nước này đã sử dụng các dạng titanium và nhôm rẻ tiền không đủ tiêu chuẩn để sản xuất một số bộ phận nhất định.
Với hành động này, các nhà thầu tiết kiệm được một khoản tiền đáng kể cho chi phí nguyên liệu thô, Reuters dẫn lời các công tố viên thành phố Brindisi ở phía nam Italy cho biết.
Tuy nhiên, báo cáo này không nêu tên các nhà thầu phụ và 7 người liên quan.
Theo các nhà điều tra, việc dùng nguyên liệu không đúng tiêu chuẩn tạo ra các bộ phận máy bay có đặc tính tĩnh và khả năng chống biến dạng thấp hơn đáng kể, gây hậu quả đến an toàn hàng không.
7 người và 2 nhà thầu phụ được cho thời gian để đưa ra bằng chứng bào chữa, trước khi các công tố viên quyết định có yêu cầu thẩm phán triệu tập phiên tòa hay không.
Các chuyên gia hàng không vũ trụ làm việc với các công tố viên đã chứng nhận ít nhất 4.829 linh kiện làm bằng titanium và 1.158 linh kiện làm bằng nhôm chất lượng kém, các công tố viên cho biết.
Sau quá trình điều tra, các chuyên gia đã kết luận rằng một số thành phần cấu trúc không đạt yêu cầu về lâu dài có thể gây hại cho sự an toàn của máy bay. Việc này khiến nhà sản xuất máy bay Mỹ phải bắt đầu một chiến dịch bảo dưỡng đặc biệt đối với các máy bay liên quan.
Điều tra viên cho biết Boeing và Leonardo là nạn nhân của các hành vi phạm tội và đã hợp tác điều tra.
Ngành công nghiệp sản xuất máy bay đang phải đối mặt với việc thiếu hụt nguồn nguyên liệu ảnh hưởng từ xung đột Nga – Ukraine và căng thẳng chính trị ở Trung Đông.
Hợp kim titanium là một thành phần quan trọng trong chuỗi cung ứng hàng không vũ trụ. Vật liệu này thường được sử dụng để chế tạo hệ thống càng đáp, cánh quạt và đĩa turbine cho máy bay.
Trong tuyên bố đưa ra ngày 14/6, cả Airbus và Boeing đều khẳng định các máy bay có những bộ phận được làm từ titanium nghi bị làm sai lệch hoặc giả mạo hồ sơ đều an toàn để bay.
Năm ngoái, nhà sản xuất động cơ phản lực CFM International tiết lộ hàng nghìn bộ phận động cơ của hãng có thể đã bị bán ra bởi một nhà phân phối tại Anh với tài liệu giả mạo. Phát hiện trên đã thúc đẩy các hãng hàng không thay đổi các bộ phận trên một số loại máy bay.