tạp chí bầu trời

VIỆT NAM - ĐIỂM ĐẾN HẤP DẪN CỦA CÁC DOANH NGHIỆP SẢN XUẤT HÀNG KHÔNG

Tiềm năng ngành Hàng Không Việt Nam

Ngành Hàng không Việt Nam được đánh giá nhiều tiềm lực và phát triển mạnh mẽ trong khu vực. Theo dự báo của Hiệp hội Vận tải Hàng không Quốc tế (IATA), Việt Nam sẽ là thị trường hàng không phát triển nhanh thứ 5 thế giới, đạt 150 triệu lượt hành khách vận chuyển vào năm 2035. Ngành hàng không Việt Nam 10 năm trở lại đây, có sự tăng trưởng vượt trội so với các ngành khác và xuất hiện thêm nhiều hãng bay mới. Điều này, đồng thời cũng sẽ tạo tác động tích cực đến cả các doanh nghiệp dịch vụ hàng không khác trong ngành.

Vượt qua những khó khăn của đại dịch COVID-19, Việt Nam đã bắt đầu khôi phục lại các hoạt động đón khách du lịch quốc tế, khôi phục đường bay như giai đoạn trước đại dịch. Hiệp hội Vận tải Hàng không Quốc tế (IATA) dự báo thị trường hàng không thế giới sẽ phục hồi vượt mức trước khi có dịch Covid-19 vào đầu năm 2024 với tổng số hành khách dự kiến đạt 4 tỷ lượt khách; riêng thị trường nội địa Việt Nam dự báo phục hồi ở mức 96% ngay trong năm 2022. Các hãng hàng không cũng đang từng bước khai thác trở lại tất cả đường bay, tăng tần suất phục vụ nhu cầu đi lại của người dân, nâng cấp và hoàn thiện hoạt động khai thác để mang đến những trải nghiệm bay an toàn, thuận tiện. Theo đó, đường bay quốc tế đã được các hãng hàng không Việt Nam nối lại với nhiều quốc gia, gồm: Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan, Singapore... 

Với tốc độ phục hồi và tiềm năng trên, nhiều doanh nghiệp trong và ngoài nước đã xây dựng chiến lược phát triển tập trung vào thị trường Việt Nam tiềm năng. Để theo kịp với sự phát triển của công nghiệp khai thác các hãng hàng không, cơ sở hạ tầng sân bay ở Việt Nam cũng cần được nâng cấp và mở rộng. Hiện nay, Chính phủ và Nhà nước đang chỉ đạo rà soát và mở rộng hạ tầng sân bay (trong đó có Sân bay Tân Sơn Nhất là điểm nóng) nhằm gỡ khó cho các hãng hàng không. Ngoài ra, Chính phủ cũng chú trọng vào dự án sân bay Long Thành, dự án quan trọng đặc biệt cấp quốc gia với tổng vốn đầu tư lớn nhất từ trước tới nay. Với vị trí địa lý thuận lợi, chỉ mất 3 giờ để bay đến tất cả các nước Đông Nam Á, châu Á, kết nối Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, sân bay Long Thành sau năm 2030 sẽ thu hút đầu tư, du lịch, nâng tầm Việt Nam trong khu vực và thế giới không chỉ kinh tế mà cả an ninh quốc phòng. Việc đầu tư, hoàn thành dự án sẽ đưa Việt Nam thành điểm đến hấp dẫn trên bản đồ hàng không quốc tế, tăng cơ hội cạnh tranh với các sân bay trong khu vực. 

Dự án sân bay Long Thành

Những thông điệp đầu tư của Embraer, Boeing, UAC

Ông Michael Nguyen, Giám đốc Quốc gia Boeing Việt Nam, cho biết, Boeing tiếp tục đặt trọng tâm thúc đẩy quan hệ đối tác chiến lược với Việt Nam. Các khoản đầu tư của Boeing tại Việt Nam đã giúp phát triển ngành hàng không vũ trụ bản địa, tạo công ăn việc làm và thúc đẩy sự đổi mới. Boeing cam kết đổi mới và hợp tác vì sự phát triển bền vững của Việt Nam. 

Embraer đề cập trong Sách Trắng của mình những kỳ vọng phát triển tại Việt Nam rằng cần tăng cường công suất ngành hàng không để đáp ứng nhu cầu vận tải hàng không theo kế hoạch, phù hợp với sự tăng trưởng kinh tế dự kiến của đất nước là 6,4% trong giai đoạn từ năm 2021 đến 2030.

Theo ông Martyn Holmes, Giám đốc Thương mại của Tập đoàn Embraer, Việt Nam là một quốc gia với tiềm lực kinh tế mạnh mẽ, và việc đưa dòng máy bay phản lực hiện đại như E190-E2 vào bản đồ hàng không nội địa chắc chắn sẽ mở ra nhiều cơ hội cho những đường bay mới trong nước và khu vực. Các dòng máy bay phản lực E-Jets đã được đưa vào hoạt động tại Việt Nam từ năm 2020, giúp cải thiện khả năng kết nối giữa các sân bay trong nước, nổi bật là đường bay thẳng Hà Nội - Côn Đảo, hay dịch vụ máy bay phản lực đầu tiên từ Hà Nội và TP.HCM đến Điện Biên Phủ.

Tập đoàn Universal Alloy Corporation (UAC) chuyên sản xuất linh kiện máy bay và là nhà sản xuất linh kiện máy bay hàng đầu thế giới đã quyết định đầu tư 170 triệu USD để sản xuất thân máy bay và động cơ Rolls Royce tại Khu Công nghệ cao Đà Nẵng 2019 với mục tiêu đến năm 2021 đạt giá trị xuất khẩu 25 triệu USD, nâng lên 85 triệu USD vào năm 2022 và tạo ra giá trị xuất khẩu trên 180 triệu USD mỗi năm từ sau năm 2026. Thủ tướng Phạm Minh Chính đã tới thăm, khảo sát nhà máy sản xuất linh kiện hàng không vũ trụ do Tập đoàn UAC đầu tư với tổng số vốn vào tháng 6/2022.

Thông điệp và thông tin của triển lãm

Triển lãm Quốc tế Hàng không Việt Nam (VIA) 2022 là một nơi hoàn hảo để doanh nghiệp gia nhập thị trường đầy tiềm năng và triển vọng tại Việt Nam. Tính đến nay đã có nhiều công ty trong và ngoài nước đăng ký tài trợ, thuê quầy trưng bày sản phẩm công nghệ và dịch vụ tại Triển lãm Hàng không Quốc tế Việt Nam 2022. Triển lãm thu hút chính phủ và đại biểu từ nhiều quốc gia cũng như các nhà điều hành doanh nghiệp hàng không và nhà khai thác của Việt Nam và quốc tế. Trong đó nổi bật là sự tham gia và tài trợ từ công ty chế tạo máy bay Boeing (Mỹ) đang thiết kế khu trưng bày sản phẩm, xác nhận tài trợ VIP Dinner, Hội thảo 3 ngày Triển lãm, và công ty chế tạo máy bay Embraer (Brazil) xác nhận tài trợ và trưng bày sản phẩm tại Triển lãm. 

Với chủ đề “Phát triển bền vững cho tương lai tươi sáng”, VỈA 2022 mang lại không gian trưng bày sản phẩm, dịch vụ, công nghệ mới nhất, các máy bay từ các doanh nghiệp hàng không quốc tế. Triển lãm dự kiến thu hút hơn 3000 khách tham quan và 200 doanh nghiệp đến từ hơn 50 quốc gia trên thế giới. 

Triển lãm quốc tế Hàng không Việt Nam (lần 2) sẽ diễn ra vào 15-17/09/2022 tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia Việt Nam, Cổng số 1 Đại lộ Thăng Long, Nam Từ Liêm, Hà Nội.

 

Bình luận
Gửi bình luận
Bình luận