Quân sự

UAV - chủ nhân bầu trời
trong chiến tranh hiện đại

Nguyễn Thắng 27/05/2024 17:24

Những dự án máy bay chiến đấu tốn kém vẫn được các cường quốc triển khai, nhưng trên chiến trường, phương tiện bay không người lái (UAV) đang đứng đầu chỉ số về hiệu quả.

sei_195599377.jpg
Ảnh: iNews

Từ năm 2023, Nga tuyên bố đã dùng những chiếc UAV tự sát Lancet tiêu diệt khoảng 10 xe tăng Leopard II của Ukraine. Tỷ lệ thành công của các phi vụ gần như tuyệt đối đã cho thấy loại vũ khí mới này nguy hiểm và hiệu quả đến mức nào.

Trước khi lao vào xe tăng đối phương, những chiếc UAV đã gửi hàng loạt thông tin chiến trường có giá trị về sở chỉ huy. Video về cuộc tấn công được đăng tải ngay sau đó.

Tiêu diệt xe tăng đối phương, nó đã làm được một công đôi việc.

Video ghi lại cuộc tấn công tự sát của Lancet nhắm vào xe tăng Leopard II. Video: @astrahandm/Telegram.

UAV khuấy đảo
chiến trường Ukraine

Bình luận về vụ việc này, The National Interest cho rằng Lancet được sử dụng để tiêu diệt xe tăng hiện đại, chẳng hạn như Leopard II do Đức cung cấp cho Ukraine ngày càng trở nên phổ biến.

Theo tính toán của The National Interest, chi phí cho một chiếc Lancet vào khoảng 35.000 USD trong khi đó xe tăng Leopard II có giá khoảng 11 triệu USD. Như vậy với chi phí cho mỗi chiếc xe tăng Đức sản xuất, Nga có thể tạo ra 314 UAV cảm tử. Nếu áp dụng sức mua tương đương ở mỗi nước, con số này thậm chí còn lên tới gần 700 UAV đổi một xe tăng.

telemmglpict000345194601_16914906218700_trans_nvbqzqnjv4bqqvzuuqpflyliwib6ntmjwfsvwez_ven7c6bhu2jjnt8.jpeg
Ảnh: The Telegraph.

Số tiền Đức chế tạo một xe tăng Leopard II bằng Nga sản xuất 700 UAV Lancet.

The National Interest

Ukraine muốn giành lại bầu trời

Không chỉ Nga nhìn thấy tiềm năng quân sự của UAV, vào tháng 2, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskyy thành lập một lực lượng riêng chuyên về vũ khí không người lái. Vài ngày sau, chính phủ nước này thông báo các nhà máy quân sự đang trên đà sản xuất hơn một triệu máy bay không người lái vào cuối năm 2024.

Theo tạp chí Time, các công ty công nghệ phương Tây đang biến Ukraine thành “phòng thí nghiệm chiến tranh AI”. Công ty Skydio ở Thung lũng Silicon đã gửi hàng trăm máy bay không người lái cỡ nhỏ tốt nhất của họ tới Ukraine để hỗ trợ nước này đối phó Nga trên chiến trường.

Dù các máy bay của Skydio không đạt được hiệu quả trong giao tranh, các công ty khởi nghiệp Mỹ vẫn nuôi tham vọng sản xuất UAV giá rẻ cung cấp cho quân đội Ukraine. Theo công ty dữ liệu PitchBook, gần 300 công ty công nghệ UAV tại Mỹ đã huy động được tổng cộng khoảng 2,5 tỷ USD vốn đầu tư mạo hiểm trong hai năm qua.

Sự đầu tư ồ ạt của cả Nga và Ukraine khiến cuộc chiến giữa 2 nước trở thành sân chơi của loại phương tiện mới này.

Binh lính
không dám rời nơi ẩn nấp

Theo The Washington Post, UAV hay drone đang ngày càng đóng vai trò quan trọng trên chiến trường Ukraine, giúp cả hai bên giám sát mọi hoạt động của đối phương, khiến mặt trận gần như tê liệt.

Số lượng UAV bay trên trên bầu trời khu vực giao tranh nhiều đến mức cả lính Nga và Ukraine đều không thể biết chính xác đâu là máy bay của mình, đâu là máy bay đối phương. Nỗi lo bao trùm khiến binh lính hai bên không dám rời khỏi nơi ẩn nấp.

Mỗi khi làm nhiệm vụ, thay vì hành quân theo đội hình, họ lao từ công sự này sang công sự khác, hy vọng các phi công điều khiển UAV đối phương không phát hiện. Bất kể ngày hay đêm, UAV có thể săn lùng một người lính bộ binh đến tận cùng, bám theo họ đến tận nơi ẩn náu hay chiến hào để tung đòn quyết định.

Ảnh: Atlantic Council.
UAV từ nhiệm vụ hỗ trợ chiến đấu đã trở thành vũ khí quyết định cuộc chiến. Ảnh: Atlantic Council.

Máy bay không người lái
đầu tiên

Theo Londonist, năm 1917 kỹ sư người Anh Archibald Low đã chế tạo một thiết bị bay có thể điều khiển từ mặt đất trong thời gian làm việc tại Quân đoàn bay Hoàng gia .

Nhiệm vụ của chiếc UAV đầu tiên này là dẫn đường cho tên lửa. Thật không may, hoạt động của nó không như kỳ vọng. Máy bay bị lật nhào ngay lần thử nghiệm đầu tiên và không bao giờ được đưa vào sử dụng.

Tuy nhiên, khi nhận được tin tình báo, quân Đức tỏ ra lo ngại về sự nguy hiểm của loại vũ khí này. Trong khi Low tiếp tục dự án nghiên cứu, ông đã hai lần bị ám sát nhưng đều may mắn sống sót.

Archibald Low và bản thiết kế UAV đầu tiên của mình. Ảnh: Londonist.

Đến năm 1935, lực lượng không quân Hoàng gia Anh đã cho ra đời máy bay điều khiển bằng sóng vô tuyến Queen Bee DH.82B dùng làm mục tiêu trong huấn luyện.

Các nhà lịch sử học về quân sự cho rằng thuật ngữ "máy bay không người lái" đã bắt đầu được sử dụng vào thời điểm này. Trước Chiến tranh thế giới thứ hai, Không quân Anh đã có một phi đội với hơn 400 UAV.

Cuộc chạy đua

Người Mỹ cũng nhanh chóng nhận thấy tác dụng của UAV. Năm 1944, Hải quân Mỹ đã tấn công các căn cứ tàu ngầm của Đức bằng UAV điều khiển từ xa được phóng từ các máy bay B-17.

Những thiết bị tương tự như trên bắt đầu xuất hiện phổ biến trong biên chế quân đội Mỹ từ cuối những năm 1940, ban đầu chủ yếu được sử dụng trong vai trò làm mục tiêu huấn luyện cho các hệ thống phòng không. Từ năm 1951, UAV được Mỹ sử dụng làm máy bay do thám.

Loại UAV đầu tiên được Mỹ sản xuất hàng loạt là họ máy bay Firebee của Hãng Teledyne Ryan. Chúng được sử dụng nhiều tại chiến tranh Triều Tiên (1950-1953) và giai đoạn trước năm 1973 tại Việt Nam với mục đích do thám, phá sóng vô tuyến, làm vũ khí tấn công đa chức năng.

af72669b08af057cd889afbe3324e323.jpg
Họ máy bay Firebee được Mỹ sử dụng rộng rãi khi tham chiến tại Triều Tiên và Việt Nam. Ảnh: Mega Truenet.

Năm 1986, UAV Amber được trình làng tại Mỹ. Nó có thể bay một ngày mà không hạ cánh, đạt độ cao hơn 9.100 m, hoạt động an toàn dù thời tiết xấu. Một năm sau, dự án Amber bị hủy bỏ do Quốc hội Mỹ muốn tập hợp các nghiên cứu về UAV vào một chương trình duy nhất.

Công ty quốc phòng General Atomics mua lại và dựa theo phiên bản Amber chế tạo UAV Gnat-750 vào năm 1994. Gnat-750 hoàn thành tốt nhiệm vụ tại Bosnia, sau đó được đổi tên thành Predator, UAV quân sự hiện đại đầu tiên của thế giới.

Liên Xô cũng bắt đầu nghiên cứu UAV từ khá sớm. Trong giai đoạn 1930-1940, chuyên gia thiết kế hàng không Nikitin cho ra đời loại máy bay phóng ngư lôi không người lái PSN-2.

Ngay sau đó, máy bay ném bom hạng nặng không người lái TB-3 được ra đời với mục đích chuyên sử dụng phá hủy cầu. Tuy nhiên phiên bản trên đã không được sản xuất hàng loạt và sử dụng trong cuộc chiến Vệ quốc.

Từ sau 1960, công nghệ UAV của Liên Xô có nhiều bước tiến. Mở đầu bằng máy bay không người lái siêu thanh TU-123 có tầm hoạt động tới 4.000 km, nước này liên tiếp chế tạo một loạt các phiên bản hiện đại hơn như máy bay tác chiến TU-300, máy bay trinh sát TU-141, TU-143. Tất cả đều được sản xuất hàng loạt và trang bị cho không quân.

Một trong những loại UAV trinh sát hiện đại nhất của Nga hiện nay là họ "Pchela", được sử dụng khá rộng rãi trong các chiến dịch chống khủng bố tại Bắc Kavkaz.

Kỷ nguyên của UAV

Phát triển chậm hơn nhiều so với Mỹ và Liên Xô, nhưng Israel lại được đánh giá là quốc gia có trình độ hàng đầu thế giới về nghiên cứu và chế tạo UAV.

Những chiếc UAV đầu tiên của Israel được đặt mua từ Mỹ. Chúng nhanh chóng thể hiện độ hiệu quả khi giúp nước này chiếm ưu thế về tình báo trên không trong cuộc chiến với các nước Ả Rập.

Ảnh: Challenges.
Dự báo UAV trở thành chủ nhân mới của bầu trời đã trở thành hiện thực. Ảnh: Challenges.

Bên cạnh việc nhập khẩu, Israel cũng khuyến khích các công ty quân sự nước này đầu tư chế tạo UAV. Năm 1975, Hãng Tadiran đã tung ra loại UAV mang tên Mastiff. Tiếp đó, Hãng IAI theo đơn đặt hàng của Không quân Israel đã cho ra đời loại UAV Scout, bắt đầu sử dụng cho các phi vụ do thám tại Lebanon từ năm 1982.

Trong chiến dịch Mole Criket 19, ngày 9/6/1982, không quân Israel đã phá hủy 17/19 khẩu đội tên lửa thuộc hệ thống phòng không của Syria đặt tại thung lũng Beqaa, miền nam Lebanon. Phi vụ diễn ra chỉ trong vòng 2 giờ đồng hồ.

Để có được sự áp đảo này, không quân Israel đã áp dụng một chiến thuật mới, dùng UAV trang bị camera dẫn đường cho tên lửa. Khi có được thông tin chính xác, tỷ lệ thành công của các cuộc không kích gần như tuyệt đối.

Nhiều chuyên gia quân sự cho đây là cột mốc đánh dấu sự trỗi dậy của UAV để trở thành “ông vua bầu trời” trong tương lai.

Việc UAV Mỹ tung hoành trong cuộc chiến tại Afghanistan và Iraq cùng với khả năng áp chế của UAV tại chiến trường Ukraine cho thấy dự đoán trên đã trở thành sự thật.

Nổi bật
Mới nhất
UAV - chủ nhân bầu trời trong chiến tranh hiện đại
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO