Sinh ra để áp đảo các chiến đấu cơ cùng thế hệ, nhưng mục điêu đầu tiên F-22 bắn rơi là khinh khí cầu nghi do thám của Trung Quốc, thiết bị bay không được trang bị vũ khí.
F-22 Raptor (Chim săn mồi) là máy bay tiêm kích thế hệ thứ 5 sử dụng kỹ thuật tàng hình đầu tiên trên thế giới. Tháng 12/2005, máy bay được biên chế cho Không quân Mỹ với mục tiêu thay thế dòng F-15 Eagle.
Ra đời với sứ mệnh là tiêm kích chiếm ưu thế trên không chủ lực của Không quân Mỹ, F-22 mang trên mình những công nghệ tiên tiến nhất tại thời điểm nó ra đời.
“Chim săn mồi” được trang bị hai động cơ phản lực cánh quạt đẩy có buồng đốt phụ Pratt & Whitney F119-PW-100 được thiết kế đặc biệt cho máy bay có khả năng bay theo phương thẳng đứng.
Cơ chế này cho phép F-22 thực hiện một số khả năng bổ nhào và thao diễn được những đường bay phức tạp như kiểu quay vòng chữ J (J-Turn). Sự linh hoạt khiến tiêm kích này chiếm ưu thế trong hầu hết các cuộc không chiến quần vòng với các dòng máy bay chiến đấu khác trong các cuộc thử nghiệm.
F-22 có tốc độ leo cao gần 18.900 m/phút. Máy bay có thể đạt được tốc độ tối đa ở Mach 2.0 với afterburner (chế độ đốt sau) và tốc độ Mach 1.5 mà không cần đến afterburner.
Với khả năng trang bị vũ khí đa dạng, F-22 thực hiện được nhiều nhiệm vụ trên không. Đối với hoạt động tuần tra, F-22 Raptor có thể chở theo 2 tên lửa không đối không tầm nhiệt AIM-9 Sidewinder và 6 tên lửa dẫn đường bằng radar AIM-120 AMRAAM.
Khi thực hiện nhiệm vụ yểm trợ trên không và tấn công chính xác, F-22 có thể chở theo 2 quả bom tấn công trực diện phối hợp GBU-32 JDAM, hoặc 8 quả bom đường kính nhỏ (SDB), thêm vào đó là một cặp tên lửa AIM-9 và AIM-120.
Súng phòng không M61A2 20 mm của F-22 có tổng cộng 480 viên đạn tạo ra hỏa lực đáng kể trong không chiến. Tất cả các loại đạn dược máy bay mang theo được đặt trong 3 khoang vũ khí làm giảm tối đa khả năng bị phát hiện bởi radar.
Khả năng tàng hình của F-22 được đánh giá là tốt nhất trong các chiến đấu cơ thế hệ thứ 5. Diện tích phản xạ hiệu dụng với radar (RCS) của máy bay này chỉ ở mức 0,0001-0,0005 m2, vượt trội so với các máy bay ra đời sau như F-35 (0,005 m2), Su-57 (0,1 m2) và J-20 (0,01 m2).
Để RCS nhỏ nhất có thể, thiết kế của F-22 Raptor được tối ưu bề mặt gồm nhiều đường cong với bán kính thay đổi, nhằm phân tán các chùm tia radar ra mọi hướng. Mặt ngoài cũng không có góc vuông, cánh chính và cánh sau được đặt ở góc chính xác nhằm làm chệch hướng radar.
Thân vỏ máy bay được sơn lớp phủ hấp thụ sóng radar (RAM). Thậm chí buồng lái còn được thiết kế với các cạnh răng cưa để giảm thiểu khả năng radar quét trúng mũ phi công. Hệ thống vũ khí cũng được tích hợp vào khoang thay vì treo bên ngoài. Dấu vết nhiệt động cơ cũng được giảm thiểu bằng cách đẩy lùi họng xả động cơ vào thân, sử dụng hệ thống làm mát chủ động chống tích nhiệt khi bay ở vận tốc siêu thanh.
Với những tính năng vượt trội, F-22 đã đạt được mục tiêu chiếm ưu thế trên không trong các cuộc không chiến. Tháng 3/2005, Tham mưu trưởng Jumper của Không quân Mỹ, từng là người duy nhất từng lái cả hai loại Eurofighter Typhoon và Raptor, đã đưa ra một biên bản so sánh hai loại máy bay trên. Ông nói rằng: " Eurofighter vừa nhanh nhẹn, vừa tinh vi, nhưng vẫn khó so sánh nó với F-22 Raptor."
Tháng 11/2005, trong 1 cuộc diễn tập 8 chiếc F-22 do Trung tá Jim Hecker chỉ huy đã tiêu diệt 33 chiếc F-15C và không hề chịu một thiệt hại nào. Giữa năm 2006, trong cuộc Tập trận Rìa phương Bắc (cuộc tập trận quân sự chung lớn nhất tại Alaska), chiếc F-22A đã đạt tỷ lệ tiêu diệt 144/0 trước những chiếc F-15, F-16, F/A-18 đóng giả loại MiG-29, Su-30 và các loại máy bay chiến đấu khác của Nga hiện nay.
Cuộc tập trận Red Flag năm 2012 là lần đầu tiên F-22 thất thế khi bị Eurofighter Typhoon hạ gục trong tầm gần, cự ly vốn được coi là thế mạnh của Raptor.
Mục tiêu ban đầu trong dự án phát triển F-22 của Mỹ để đối đầu với những mối đe dọa mới xuất hiện trên thế giới, gồm cả việc phát triển và tăng cường lớp máy bay chiến đấu Su-27 "Flanker" thời Liên Xô.
Tuy nhiên kể từ khi đưa vào biên chế năm 2005, “Chim săn mồi” chỉ được giao các nhiệm vụ hộ tống, yểm trợ cho các cuộc không kích tại Syria và Iraq.
Trong những năm gần đây, kẻ thù của Mỹ chủ yếu là những phiến quân chiến đấu theo hình thức du kích. Khả năng F-22 đụng độ với một tiêm kích cùng thế hệ là điều gần như không thể xảy ra.
Ngày 4/2/2023, một chiếc F-22 xuất phát từ căn cứ không quân Langley ở Virginia bắn hạ khí cầu Trung Quốc trên vùng biển ngoài khơi Myrtle Beach, Nam Carolina, bằng tên lửa Sidewinder.
Tiêm kích tàng hình của Mỹ phóng tên lửa tầm nhiệt hiện đại bậc nhất thế giới AIM-9X Sidewinder trị giá gần 400.000 USD để hạ gục một thiết bị bay hoàn toàn không có vũ khí.
Đây là lần đầu tiên F-22 bắn rơi một mục tiêu trên không.
Từ năm 2005, F-22 đã găp nhiều vấn đề từ lỗi phần mềm đến các trục trặc về công nghệ tàng hình. Chiếc F-22 đầu tiên bị rơi vào ngày 20/12/2004 khi đang cất cánh tại căn cứ không quân Nellis do mất điện đột ngột.
Tính đến tháng 6/2021, đã có 5 chiếc F-22 bị phá hủy, 7 chiếc khác bị hư hại ở các mức độ khác nhau do tai nạn. Đã có 2 phi công tử nạn.
Một số phi công lái F-22 được ghi nhận xuất hiện các triệu chứng thiếu dưỡng khí. Không quân Mỹ gọi triệu chứng này là "Raptor cough". Các phi công bị ho, thậm chí bị rơi vào trạng thái lú lẫn, mất trí nhớ hay ngất xỉu. Việc này dẫn đến việc phi công bị mất phương hướng gây tai nạn, giảm khả năng chiến đấu, gây các vấn đề về sức khỏe.
Nhà chức trách Mỹ bó tay trong việc khắc phục và tuyên bố rằng các phi công phải xem Raptor cough như một phần kết quả của việc lái loại máy bay này.
F-22 là máy bay chiến đấu có chi phí bảo trì đắt đỏ nhất, chủ yếu đến từ việc lớp phủ hấp thụ điện từ rất dễ bong tróc khi máy bay hoạt động ở các vùng có khí hậu khắc nghiệt, hoặc khi bay ở vận tốc cao. Vì lớp vỏ có tuổi thọ ngắn một cách đáng ngạc nhiên này mà F-22 đòi hỏi thời gian bảo trì gấp 30 lần thời gian bay.
Các bộ phận của máy bay không thể hoán đổi cho nhau mà phải chế tạo riêng khiến cho việc bảo trì trở nên khó khăn và đắt đỏ. Chi phí vận hành của F-22 lên tới 68.362 USD/giờ bay (thời giá 2014), đắt nhất trong các loại máy bay tiêm kích và tương đương chi phí vận hành của máy bay ném bom hạng nặng B-52.
Dù mỗi chiếc máy bay có giá khoảng 379 triệu USD (nếu tính cả chi phí nghiên cứu), F-22 vẫn được nhiều quốc gia săn đón trong đó tích cực nhất là Israel, Nhật Bản và Australia.
Tuy nhiên điều này khó có thể xảy ra. Từ năm 1998, trước khi F-22 được đưa vào biên chế, Quốc hội Mỹ đã đưa ra dự luật cấm xuất khẩu tiêm kích này. Đạo luật này đã được thông qua vào tháng 9/2006.
Chính phủ Mỹ muốn giữ bí mật công nghệ tàng hình trên F-22. Tuy nhiên nhiều bằng chứng cho thấy nước này muốn đầu tư vào dòng tiêm kích F-35 tiên tiến hơn với giá thành rẻ hơn để xuất khẩu.