Quân sự

Lý do Iran vẫn dùng trực thăng đời cũ

Việt Anh 21/05/2024 15:51

Chiếc máy bay gặp nạn khi chở Tổng thống Ebrahim Raisi cùng một số quan chức cấp cao Iran được cho là mẫu trực thăng Bell 212 được mua từ nửa thế kỷ trước.

Ngày 19/5, Tổng thống Iran Ebrahim Raisi, Ngoại trưởng Iran Hossein Amir-Abdollahian và phi hành đoàn đã thiệt mạng trong một vụ rơi trực thăng.

Tai nạn xảy ra khi ông Raisi đang trên đường trở về thủ đô Tehran sau buổi lễ khánh thành một đập nước mới được xây dựng ở khu vực biên giới với Azerbaijan.

Trực thăng chở ông Raisi có tổng cộng 9 người, gồm Tổng thống Iran, Ngoại trưởng Iran Hossein Amir-Abdollahian, Tỉnh trưởng tỉnh Đông Azerbaijan Malek Rahmati, giáo sĩ Imam Mohammad Ali Alehashem, cơ trưởng, cơ phó, trưởng đoàn, lãnh đạo bộ phận an ninh và một vệ sĩ. Không một ai sống sót sau vụ tai nạn.

79006bbc-c034-43e4-8592-195ffb0bb01d_2d000073.jpg
Hình ảnh trực thăng Bell 212 chở Tổng thống Ebrahim Raisi trước thời điểm gặp nạn. Ảnh: IRNA.

Hiện vẫn chưa có thông báo chính thức Tổng thống Raisi đã đi trên máy bay trực thăng loại nào. Tuy nhiên, các hình ảnh do hãng thông tấn IRNA công bố cho đây là mẫu trực thăng Bell 212 do Mỹ sản xuất. Đây là loại trực thăng được sản xuất từ những năm 1960, thuộc biên chế của lực lượng Không quân Iran và được hoán cải thành chuyên cơ phục vụ chính phủ nước này từ năm 2021.

Điều này đã làm dấy lên những nghi vấn về việc chính quyền Iran vẫn tìn dùng loại trực thăng có tuổi đời hơn 6 thập kỷ này cho những nhiệm vụ có tính hệ trọng.

"Ngôi sao" ngành trực thăng Mỹ

Bell 212 được chế tạo bởi tập đoàn Bell Textron, một nhà sản xuất hàng không vũ trụ của Mỹ có trụ sở tại thành phố Fort Worth, bang Texas. Nó được xem là phiên bản dân sự của dòng trực thăng UH-1N “Twin Huey” nổi tiếng, được Không quân Mỹ sử dụng từ thời Chiến tranh Việt Nam.

Ra mắt lần đầu vào năm 1968 và được kỳ vọng là một trong những dòng máy bay mang tính biểu tượng của Bell Textron, Bell 212 nhanh chóng khẳng định mình là một ngôi sao trong ngành công nghiệp trực thăng. Với cấu hình động cơ đôi, chiếc trực thăng này mang lại sức mạnh và độ tin cậy cao hơn so với phiên bản tiền nhiệm, khiến nó rất phù hợp cho nhiều nhiệm vụ bao gồm vận tải tiện ích, tìm kiếm cứu nạn, chữa cháy và cả các hoạt động quân sự.

army_air_corps_bell_212_helicopter_from_671_squadron_mod_45151674.jpg
Trực thăng Bell 212 được quân đội Mỹ sử dụng cho mục đích quốc phòng. Ảnh: Bộ Quốc phòng Mỹ.

Bell 212 được trang bị hai động cơ turbine trục PT6T-3B Twin-Pac do hãng Pratt & Whitney sản xuất, nên có đủ công suất để thực hiện nhiều nhiệm vụ. Trực thăng có chiều dài tổng thể 17,46 m, đường kính cánh quạt chính 14,63 m và chiều cao 4,62 m, đồng thời có khả năng đạt vận tốc tối đa là 213 km/h và vận tốc hành trình là 185 km/h. Với tầm hoạt động lên tới 438 km và thời gian liên tục là khoảng 2,9 giờ, chiếc trực thăng này rất lý tưởng cho các hoạt động ở tầm bay trung bình.

Bell 212 có thể chở tối đa 14 hành khách hoặc hàng hóa với tổng trọng tải lên tới 2.767 kg, nếu tính cả lượng nhiên liệu khi được nạp đủ có thể đạt tới 1.220 lít. Bên cạnh đó, cấu hình cabin linh hoạt cho phép loại trực thăng này thay đổi công năng một cách nhanh chóng tùy theo nhu cầu nhiệm vụ, từ sơ tán y tế đến vận chuyển hàng hóa.

Cho đến nay, Bell 212 vẫn được tin dùng bởi các cơ quan và tổ chức phi quân sự trên thế giới, trong đó có các cơ quan thực thi pháp luật và sở cứu hỏa của Mỹ, Cảnh sát biển Canada, Cảnh sát biển Nhật Bản, Cảnh sát Hoàng gia Thái Lan cũng như lực lượng an ninh của nhiều nước khác như Croatia, Serbia, Slovenia hay Bắc Macedonia…

Di sản của chế độ quân chủ

Hiện vẫn chưa rõ những chiếc trực thăng Bell 212 đầu tiên đã được Iran mua lại chính xác ở thời điểm nào. Theo một số tư liệu, chúng đã xuất hiện ở quốc gia này từ trước thời điểm diễn ra cuộc Cách mạng Hồi giáo, tức giai đoạn Iran còn là nước quân chủ lập hiến dưới triều đại Pahlavi, kéo dài từ năm 1925 đến 1979.

Quốc vương Mohammad Reza Pahlavi, một người yêu thích hàng không, đã đầu tư vào lực lượng Không quân Đế quốc Iran (IIAF) nhiều hơn bất kỳ binh chủng nào khác. Điều này dẫn đến một loạt các giao dịch mua máy bay từ phương Tây nhằm sớm đưa IIAF trở thành một lực lượng không quân hàng đầu khu vực.

shah-scaled.jpg
Quốc vương Iran Mohammad Reza Pahlavi (người mặc quân phục ở giữa) trong một chuyến công du Pháp năm 1948. Ảnh: Getty.

Dưới thời Quốc vương Mohammad Reza Pahlavi, Iran là quốc gia duy nhất ngoài Mỹ được sở hữu và vận hành chiến đấu cơ F-14 Tomcat. Quốc gia này cũng sở hữu số lượng trực thăng hùng hậu nhất vùng Trung Đông, với các dòng trực thăng trứ danh do chính Bell Textron sản xuất như AH-1 Super Cobra, Chinook và cả Bell 212.

Nhưng sau thời điểm diễn ra cuộc Cách mạng năm 1979, việc Mỹ áp đặt các biện pháp cấm vận lên chính quyền Cộng hòa Hồi giáo Iran khiến không quân nước này không còn linh kiện hay phụ tùng để bảo trì các dòng máy bay được nhập từ phương Tây.

Chính quyền Tehran đã cố gắng duy trì việc vận hành số ít phương tiện bay kể trên bằng việc cắt giảm biên chế ở một số phi đội hoặc áp dụng “kỹ thuật đảo ngược” nhằm duy trì các bộ phận thiết yếu. Hoạt động này được hỗ trợ bới các vũ khí, trang thiết bị được mua từ Liên Xô và Trung Quốc.

Tuy nhiên, những vấn đề liên tục xảy đến với đội bay già cỗi của Iran đã bộc lộ trong cuộc chiến năm 1980-1988 với Iraq, khi nước này hứng chịu tổn thất nặng nề cả về số lượng máy bay lẫn các phi công giỏi nhất của mình.

iranian-president-ebrahim-raisi-and-foreign-minister-amirabdollahian-dead-in-helicopter-crash.jpg
Khoảng 10 chiếc Bell 212 hiện còn nằm trong biên chế của các lực lượng không quân và hải quân của Iran. Ảnh: X.

Dù vậy, một số máy bay từ thế kỷ trước vẫn được Iran duy trì cho đến nay. Theo thống kê từ danh mục các lực lượng không quân Thế giới năm 2024 của tổ chức FlightGlobal, khoảng 10 chiếc Bell 212 hiện còn nằm trong biên chế của các lực lượng không quân và hải quân Iran.

Bỏ ngỏ khả năng điều tra quốc tế

Vụ tai nạn chết người gần đây nhất liên quan đến trực thăng Bell 212 xảy ra vào tháng 9/2023, khi một phương tiện tư nhân thuộc loại trực thăng này bị rơi ngoài vùng biển thuộc UAE, theo thông tin từ tổ chức phi lợi nhuận Flight Safety Foundation

Cơ sở dữ liệu của tổ chức trên cho biết trước thời điểm rơi máy bay chở Tổng thống Ebrahim Raisi, vụ tai nạn trực thăng Bell 212 mới nhất ở Iran xảy ra vào năm 2018, khiến 4 người thiệt mạng.

Theo các chuyên gia phân tích an toàn hàng không và khu vực Trung Đông, do được tính là chuyến bay nội địa, vụ tai nạn trực thăng chở Tổng thống Raisi sẽ không tự động tuân theo các quy định toàn cầu về điều tra tai nạn hàng không. Do đó, rất ít khả năng Iran nhờ sự hỗ trợ điều tra từ bên ngoài cho một vấn đề nhạy cảm về mặt chính trị như vậy trên lãnh thổ của mình.

iran-roi-may-bay-2005-2-9332.jpg.jpg
Hiện trường vụ tai nạn máy bay chở Tổng thống Ebrahim Raisi. Ảnh: Reuters.

Iran từng gửi cho Pháp hộp đen chiếc máy bay số hiệu 752 của hãng Ukraine International Airlines bị tên lửa nước này vô tình bắn hạ hồi đầu năm 2020. Song, vai trò của Cục Điều tra và Phân tích An toàn Hàng không Dân dụng Pháp (BEA) khi đó chỉ giới hạn ở việc đọc bản ghi âm chứ không phải điều tra hay phân tích.

“Iran nổi tiếng về năng lực kỹ thuật mạnh mẽ trong lĩnh vực hàng không nên tôi vẫn nghi ngờ về việc một cuộc điều tra có xảy ra hay không”, nhà phân tích Paul Hayes từ tổ chức Cirium Ascend nhận định.

Theo Reuters, Euronews
Copy Link
(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Lý do Iran vẫn dùng trực thăng đời cũ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO