Quân sự

Lý do khiến Kh-47M2 Kinzhal trở thành tên lửa 'không thể ngăn chặn'

Nguyễn Thắng 25/05/2024 7:16

Thực tế tại Ukraine cho thấy hệ thống phòng thủ do phương Tây cung cấp bất lực trong việc ngăn chặn tên lửa Kh-47M2 Kinzhal của Nga.

Tháng 3/2022, Kh-47M2 Kinzhal (nghĩa là Dao găm) đã phá hủy kho chứa tên lửa và đạn dược hàng không dưới lòng đất của quân đội Ukraine ở Delyatin, vùng Ivano-Frankivsk, ghi nhận chiến tích đầu tiên.

Ngày 17/5/2023, Bộ Quốc phòng Nga tuyên bố phá hủy hệ thống phòng không Patriot hiện đại của Mỹ ở Kyiv bằng đòn tấn công Kinzhal có độ chính xác cao. Radar đa chức năng của tổ hợp và một số bệ phóng Patriot đã bị bắn trúng.

Trong những tháng tiếp theo, Nga đã thực hiện hơn 20 cuộc không kích bằng loại vũ khí này vào lãnh thổ Ukraine.

gbu-tagenskij.jpg
Với Kh-47M2, Nga đang dẫn đầu cuộc đua phát triển tên lửa siêu vượt phóng từ trên không. Ảnh minh họa: Free3D.

Kh-47M2 được Tổng thống Nga Vladimir Putin công bố lần đầu vào tháng 3/2018. Việc phát triển tên lửa này được cho nhằm đáp trả việc Mỹ rút khỏi hiệp ước chống tên lửa đạn đạo vào năm 2002 .

Sức mạnh của Kh-47M2 Kinzhal khiến nó được mệnh danh "không thể ngăn chặn". Đây là hệ thống tên lửa trên không hiện đại với tên lửa đạn đạo siêu thanh tầm bắn khoảng 2.000 km, mang đầu đạn hạt nhân hoặc đầu đạn thường nặng gần 500 kg.

Tên lửa có chiều dài 8 m, đường kính thân 1 m và trọng lượng phóng khoảng 4.300 kg. Nó nhanh chóng tăng tốc lên Mach 4 (4.900 km/h) sau khi phóng và có thể đạt tốc độ lên tới Mach 10 (12.000 km/h).

Các chuyên gia quân sự đều thống nhất Kinzhal được phát triển dựa trên tên lửa đạn đạo tầm ngắn 9K720 Iskander-M phóng từ mặt đất của Nga với khả năng chống hạm.

Kh-47M2 khác biệt ở khả năng phóng từ trên không. Nếu được mang theo bởi MiG-31, tại thời điểm phóng, tên lửa đã đạt tốc độ khoảng 1.500 đến 2.000 km/h ở độ cao 12-15 km.

military.jpg
Phi đội MiG-31 mang theo tên lửa Kinzhal được giao nhiệm vụ tuần tra biển Đen. Ảnh: Military.

Giống như các tên lửa đạn đạo khác, Kinzhal được phóng lên độ cao 18-20 km, sau khi hết lực đẩy, tên lửa sẽ bổ nhào một góc gần 90 độ, tăng tốc bằng thế năng.

“Dao găm” tiếp cận mục tiêu với phương như thẳng đứng gây khó khăn cho các hệ thống phòng không. Các radar giám sát không phận thường có điểm mù là khoảng không ngay trên đầu.

Điểm khác biệt của Kh-47M2 so với các tên lửa đạn đạo khác là nó được trang bị cánh bay để có thể chuyển hướng liên tục, tránh né các biện pháp đánh chặn của đối phương hoặc để đeo bám mục tiêu.

Kinzhal có khả năng đánh trúng cả những mục tiêu cố định lẫn di động với sai số chỉ vài mét nhờ đầu dẫn định vị vệ tinh GPS/GLONASS.

f9yqhilxeau27zk.jpg
Trên thế giới chưa có hệ thống tên lửa sẵn sàng chiến đấu nào là đối trọng của Kinzhal. Ảnh: Sputnik - Việt hóa: Nguyễn Thắng.

Vận tốc tiếp cận mục tiêu của Kh-47M2 có thể đạt 3,4 km/s. Với vận tốc siêu vượt âm, tên lửa ma sát với không khí tạo ra kén plasma trung hòa về điện khiến các biện pháp theo dõi và giám sát bằng radar vô hiệu.

Vận tốc gấp 10 lần âm thanh cũng giúp tăng sức công phá của tên lửa. Một quả tên lửa nặng khoảng 3 tấn khi lao xuống với vận tốc Mach 10 như Kh-47M2 Kinzhal sẽ tạo ra động năng khoảng 17,3 tỷ joules, tương đương năng lượng của 4.100 kg thuốc nổ TNT, có thể đánh gãy đôi một chiếc tàu sân bay cỡ lớn mà không cần đầu đạn kích nổ.

Yếu tố duy nhất khiến tên lửa hiện hình chính là sự ma sát với không khí đậm đặc ở tầng thấp của khí quyển khiến lớp vỏ dần bay hơi và tỏa nhiều nhiệt.

Tuy nhiên, khi tên lửa đã đạt tốc độ siêu vượt âm để lao tới mục tiêu, việc phát hiện và lên phương án đối phó gần như không thể.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Lý do khiến Kh-47M2 Kinzhal trở thành tên lửa 'không thể ngăn chặn'
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO