Cuối tháng 6, Sun Air bổ sung thêm vào đội bay 1 chiếc Gulfstream G650ER, mang dấu hiệu đăng ký VN-A966. Đây là tàu bay thứ 3 của hãng hàng không chung non trẻ nhất của Việt Nam.
Trước đó, hãng bay thuộc Sun Group đã vận hành 2 chiếc Gulfstream G650ER khác mang các số hiệu VN-A298 và VN-A579. Nhà sản xuất công bố mỗi chiếc có giá xấp xỉ 70 triệu USD. Với mục tiêu trở thành hãng bay cá nhân hóa (private jet) cung cấp chuyên cơ toàn cầu, Sun Air hướng đến nhóm khách hàng thượng lưu, doanh nhân giàu có và yêu cầu dịch vụ cao cấp.
Hãng có kế hoạch tăng thêm máy bay phản lực thương gia Gulfstream G700 và cả trực thăng, thủy phi cơ nhằm mục đích cung cấp thêm dịch vụ bay khảo sát, tham quan, du lịch và nghỉ dưỡng xa xỉ. Trong tương lai, Sun Air dự định bổ sung các dòng máy bay phản lực thương gia siêu lớn và siêu xa như Boeing BBJ và Airbus ACJ.
Trước Sun Air, thị trường private jet tại Việt Nam đã có sự tham gia của nhiều hãng bay. Đáng chú ý là Vietstar Airlines với dịch vụ Fly VIP, cung cấp chuyến bay thương gia hạng sang cho doanh nhân và các chuyến bay cấp cứu.
Vietstar Airlines hiện có các máy bay nhỏ như Beechcraft King Air B350, Embraer Legacy 600 và Legacy 650. Hãng ký hợp đồng với Gulfstream Aerospace để bổ sung vào đội bay một chiếc Gulfstream G650ER.
Bluesky Airways, hãng bay được tái cấp giấy phép kinh doanh hàng không chung năm 2021, cũng công bố xây dựng đội bay với hai chiếc Dassault Falcon được thuê và mua để cung cấp dịch vụ bay thương gia. Một chiếc mang dấu hiệu đăng ký VN-A788 đã được vận hành từ đầu năm 2022.
Nổi bật nhất là Hai Au Aviation thuộc Tập đoàn Thiên Minh. Từ hãng bay cung cấp dịch vụ thủy phi cơ với những chiếc Cessna Grand Caravan 208B-EX, hãng này đã bổ sung thêm vào đội bay một loạt tàu bay phản lực Dassault Falcon.
Dữ liệu đăng bạ cho thấy có ít nhất 4 tàu bay mang thương hiệu này đã được đăng ký thuộc Hai Au Aviation. Cụ thể là các tàu Dassault Falcon 8X mang số đăng bạ VN-A499, VN-A499, VN-A999 và chiếc Dassault Falcon 2000LX số đăng bạ VN-A486.
Theo báo cáo tổng kết Luật Hàng không dân dụng hồi giữa năm ngoái, thị trường hàng không chung đang ngày càng phát triển với nhiều loại hình khai thác. Thói quen sử dụng tàu bay cá nhân dần trở nên phổ biến và nhu cầu tiếp tục tăng. Bên cạnh các chuyến bay dịch vụ dàn khoan, du lịch, khảo sát, có 8 tàu bay phục vụ nhu cầu đi lại của cá nhân.
Trao đổi với Opensky, CEO của Bluesky Airways Hồ Thanh Hương nhận định thị trường máy bay riêng phục vụ giới thượng lưu và khách hàng VIP tại Việt Nam vẫn đang ở giai đoạn khởi đầu, với tiềm năng rộng mở.
"Sự tham gia đa dạng của các doanh nghiệp vào thị trường bay VIP không chỉ mang lại nhiều lựa chọn và giải pháp linh hoạt hơn cho khách hàng mà còn thúc đẩy môi trường cạnh tranh lành mạnh, giúp nâng cao chất lượng dịch vụ và cơ sở hạ tầng", nữ CEO nói.
Tuy vậy, theo các chuyên gia hàng không, một trong những hạn chế khiến việc sở hữu và khai thác máy bay riêng, cũng như phát triển hàng không chung ở Việt Nam còn hạn chế liên quan chỗ đỗ cho tàu bay. Những người đủ điều kiện tài chính sở hữu máy bay cánh bằng tập trung ở Hà Nội, TP.HCM - nơi mà các sân bay Nội Bài và Tân Sơn Nhất vốn đã luôn căng thẳng về diện tích sân đỗ. Bên cạnh đó, nếu sử dụng máy bay riêng là trực thăng thì lại liên quan tới các quy định bay tầm thấp của Bộ Quốc phòng.
Điều này cũng lý giải vì sao ở thời kỳ đầu, các tàu bay tư nhân phục vụ bay cho doanh nhân Việt phần lớn đã chuyển thành sở hữu của các công ty hàng không chung dưới các hình thức hợp tác kinh doanh, sau đó tàu bay quay lại phục vụ cho chính các doanh nhân này.
Cuối năm 2019, truyền thông trong nước tiết lộ hai doanh nhân Việt đã mua những chiếc Dassault Falcon riêng, nâng số tàu bay tư nhân ở Việt Nam lên 6 chiếc. Giá của mỗi chiếc khoảng 30-58 triệu USD, tuy vậy danh tính các ông chủ này không được tiết lộ.
Thực tế, dù có nhiều tàu bay Dassault Falcon trong đội bay, Hai Au Aviation không quảng cáo về dịch vụ private jet. Hãng chỉ tập trung giới thiệu về thủy phi cơ và các dịch vụ khác liên quan đến loại máy bay này.
Việc các hãng bay trong nước cung cấp dịch vụ private jet ngày càng nở rộ giúp thay thế các hình thức thuê tàu bay thương gia do các hãng bay nước ngoài vận hành.
Hồi giữa năm 2021, một số nguồn tin cho biết hai tàu bay Dassault Falcon 8X và Dassault Falcon 2000 vận hành bởi Air Alsie (Đan Mạch) phục vụ nhu cầu đi lại của Tập đoàn Vingroup, Tập đoàn Masan, VP Bank và Techcombank.
Đồng thời, tàu bay Guflstream 650 vận hành bởi Jet Aviation (Thụy Sĩ) phục vụ Tập đoàn Sungroup và Guflstream 450 vận hành bởi Công ty Metrojet (Hong Kong), phục vụ Tập đoàn Vạn Thịnh Phát.
Theo CEO Hồ Thanh Hương, việc sở hữu máy bay riêng không chỉ là phương tiện di chuyển mà còn là một biểu tượng thể hiện sự thành đạt và đẳng cấp của cá nhân. Khi nền kinh tế phát triển mạnh mẽ hơn, nhu cầu sở hữu và sử dụng máy bay riêng chắc chắn sẽ tăng cao.
"Với sự đầu tư bài bản và tầm nhìn chiến lược, thị trường này hứa hẹn sẽ trở thành một lĩnh vực tiềm năng, đầy triển vọng phát triển trong ngành hàng không Việt Nam", bà Hương nhận định.