Quyết định “xuống tiền” mua lại Bluesky Airways từng bị khai tử, nữ CEO Hồ Thanh Hương không chỉ đưa hãng hàng không này trở lại bầu trời mà còn mở ra những tiềm năng lớn cho hàng không chung tại Việt Nam.
Bluesky Airways, hãng hàng không từng bị khai tử vì không thể cất cánh sau hơn một thập kỷ hoạt động, đã được hồi sinh nhờ quyết định táo bạo của bà Hồ Thanh Hương - nữ doanh nhân đầu tiên tại Việt Nam sở hữu bằng phi công tư nhân.
Vào năm 2021, sau khi hãng bị rút giấy phép hoạt động, bà Hồ Thanh Hương đã mạnh dạn mua lại Bluesky Airways, với niềm tin vào tiềm năng phát triển của hàng không chung tại Việt Nam.
Sau khi lập đề án xin phục hồi giấy phép, bà đã chính thức đưa được hãng bay này trở lại hoạt động với chuyến bay đầu tiên vào đầu năm 2022, phục vụ khách thương gia theo hình thức thuê chuyến.
Từ năm 2021, sau khi Bluesky Airways được cấp lại giấy phép, hãng đã bắt đầu phát triển mạnh, khai thác đa dạng loại tàu bay và mở rộng thị trường phục vụ khách hàng cao cấp.
Ba năm hồi sinh không chỉ là bước đầu thành công mà còn là nền tảng vững chắc để CEO Hồ Thanh Hương tiếp tục mở rộng hoạt động, hướng tới mục tiêu sử dụng cả bầu trời với hàng không chung - một lĩnh vực đầy tiềm năng nhưng chưa được khai phá hết tại Việt Nam.
“Đầu tư cho một hãng hàng không 'đã chết' là quyết định hơn cả liều lĩnh, nhưng với tình yêu nghề và mong muốn hồi sinh phát triển loại hình hàng không chung này, tôi vẫn quyết tâm và không do dự", bà Hồ Thanh Hương chia sẻ với Opensky. Nữ CEO cũng bày tỏ sự cảm ơn tới lãnh đạo Cục Hàng không khi đó đã tạo điều kiện, hướng dẫn mình hoàn thành tâm nguyện.
Hiện tại, Bluesky Airways vận hành các loại tàu bay thương gia cao cấp như Falcon 8X, Falcon 2000, Gulfstream G650, G450, và Boeing BBJ. Khách hàng chủ yếu của hãng là những doanh nhân giàu có, thuê chuyến bay theo nhu cầu. Hãng bay khẳng định vị thế dẫn đầu trong phân khúc thị trường charter (thuê chuyến) tại Việt Nam, dù đây là một lĩnh vực còn khá mới mẻ trong nước.
Hàng không chung, theo định nghĩa của Luật Hàng không Việt Nam, là tất cả các loại hình hoạt động sử dụng phương tiện bay không nhằm mục đích vận chuyển công cộng hành khách hoặc hàng hóa.
Các loại hoạt động này bao gồm bay huấn luyện, đào tạo phi công, bay du lịch ngắm cảnh, bay cứu hộ cứu nạn, bay khảo sát, và vận chuyển y tế. Trên thế giới, hàng không chung đã phát triển mạnh mẽ, với khoảng 350.000 phương tiện bay và hơn một triệu phi công hoạt động trong lĩnh vực này tính đến năm 2022.
Tuy nhiên, tại Việt Nam, hàng không chung vẫn còn khá sơ khai và số lượng các doanh nghiệp tham gia vào lĩnh vực này là rất ít.
Theo lãnh đạo Cục Hàng không Việt Nam, các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực hàng không chung tại Việt Nam còn ít về số lượng, quy mô cũng khiêm tốn. Đơn cử loại hình hàng không chung cho thuê chuyến phục vụ các VIP, đại gia mới chỉ manh nha phát triển vài năm. Hiện cả nước chỉ có 3-4 doanh nghiệp tham gia cung cấp dịch vụ.
Cụ thể, Sun Air, thuộc Sun Group, sở hữu 3 chiếc Gulfstream G650ER trong đội bay, phục vụ phân khúc khách hàng thượng lưu và có kế hoạch bổ sung dòng Gulfstream G700. Vietstar Airlines cung cấp dịch vụ bay VIP với các dòng máy bay Beechcraft King Air B350 và Embraer Legacy 600/650, phục vụ doanh nhân và các chuyến bay cấp cứu. Ngoài ra, Hai Au Aviation thuộc Tập đoàn Thiên Minh, từ hãng bay cung cấp dịch vụ thủy phi cơ với những chiếc Cessna Grand Caravan 208B-EX, hãng này đã bổ sung thêm vào đội bay một loạt tàu bay phản lực Dassault Falcon.
Việc Bluesky Airways bị khai tử vào năm 2020 là một minh chứng cho khó khăn của thị trường. Tuy nhiên, bà Hồ Thanh Hương nhìn thấy cơ hội khi thị trường hàng không chung vẫn còn nhiều khoảng trống chưa được khai thác, đặc biệt là nhu cầu từ các khách hàng thương gia và VIP trong nước.
Không dừng lại ở việc phục vụ khách hàng VIP, CEO Hồ Thanh Hương còn đặt mục tiêu khai thác toàn diện tiềm năng của hàng không chung tại Việt Nam. Bà cho rằng thị trường này không chỉ giới hạn ở các chuyến bay charter mà còn có thể mở rộng sang các lĩnh vực khác như bay du lịch ngắm cảnh, bay cứu hộ cứu nạn, bay thể thao và phục vụ sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp.
Theo nữ CEO, Nghị định 125 của Thủ tướng ban hành ngày 4/12/2015 quy định chi tiết về quản lý hoạt động bay, trong đó có quy định cụ thể về vùng trời cho hoạt động hàng không chung. Tuy nhiên, ở Việt Nam hoàn toàn chưa quy hoạch và xây dựng sẵn các vùng trời, sân bay với các thông số, phương thức bay, phương thức tiếp cận hạ cánh dành riêng cho các hoạt động hàng không chung.
"Thậm chí, chúng ta chưa có sân bay nào được quy hoạch là sân bay phục vụ hàng không chung", nữ doanh nhân nói.
Chính sự thiếu hụt cơ sở hạ tầng và hành lang pháp lý là một trong những rào cản lớn nhất đối với sự phát triển của hàng không chung tại Việt Nam.
Hiện tại, các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực này vẫn chờ đợi sự điều chỉnh về chính sách từ cơ quan chức năng để có thể mở rộng quy mô và khai thác tối đa tiềm năng của bầu trời Việt Nam.
Với kinh nghiệm hơn 20 năm trong ngành hàng không, bà Hồ Thanh Hương đang triển khai nhiều kế hoạch nhằm phát triển hàng không chung tại Việt Nam. Qua quá trình làm việc với các chuyên gia và doanh nghiệp lớn trong ngành hàng không toàn cầu, bà nhận thấy tiềm năng của lĩnh vực này và quyết tâm theo đuổi mục tiêu đóng góp cho cộng đồng thông qua các dịch vụ bay chuyên biệt.
Nữ CEO nhận định: “Việt Nam có nhiều tiềm năng phát triển hoạt động hàng không chung. Nếu được quan tâm và tạo ra hành lang pháp lý, lĩnh vực này sẽ mang lại nhiều giá trị cho đất nước."
Dưới sự điều hành của bà Hương, Bluesky Airways đang hướng tới việc mở rộng các dịch vụ hàng không chung, không chỉ phục vụ khách hàng VIP mà còn triển khai những hoạt động ý nghĩa hơn như các chuyến bay cứu hộ cứu nạn tại những vùng sâu, vùng xa khi xảy ra thiên tai. Hãng cũng có kế hoạch phát triển các dịch vụ bay ngắm cảnh, bay thể thao và bay phục vụ nông nghiệp, lâm nghiệp, nhằm góp phần vào sự phát triển du lịch và sản xuất trong nước.
Bà mong muốn không chỉ tăng trưởng về mặt kinh doanh mà còn đóng góp vào việc xây dựng một ngành hàng không chung phát triển bền vững, mang lại lợi ích thiết thực cho xã hội và cộng đồng.