Đi "chữa lành" là cụm từ được người yêu xê dịch sử dụng nhiều trong thời gian gần đây mỗi khi đi du lịch.
- Tôi sợ bộn bề cuộc sống này! Thành phố đông đúc, náo nhiệt làm tôi ngộp thở...
- Rời phố ra đảo, thay đổi không khí, trải nghiệm cuộc sống xem sao!
"Đó là lời anh bạn sống lâu năm ngoài biển đảo động viên lúc tôi cần không gian riêng cho chính bản thân mình sau chuỗi ngày gồng gượng. 2 năm tôi chưa được sống cho mình. Giờ là lúc tôi nên nghỉ ngơi, dừng lại để lấy đà đi tiếp...", Linh Lê (Hà Nội) chia sẻ.
Với hầu hết tín đồ ưa xê dịch, ai cũng mong được khám phá mọi miền đất nước hay những điểm đến mới. Không phải ngẫu nhiên xu hướng du lịch "chữa lành" nổi lên trong những năm gần đây.
Không chỉ Linh Lê, nhiều bạn trẻ chia sẻ những áp lực từ cuộc sống, kinh nghiệm, câu chuyện cá nhân trên nhiều hội nhóm du lịch.
Theo khảo sát của phóng viên, ngày càng nhiều bài đăng, băn khoăn về việc chọn điểm đến, hỏi kinh nghiệm sinh sống ở các thành phố biển xuất hiện, thu hút sự quan tâm của cộng đồng mạng. Điển hình như nhóm cư dân Làng "Bỏ phố về Biển", Cộng đồng Freelancer ở đảo Phú Quý, hay cộng đồng du lịch Check In Vietnam, có hàng trăm nghìn đến hàng triệu thành viên.
Tài khoản Nguyen Ngoc Anh chia sẻ mẹo du lịch một mình khi khám phá đất nước mới: "Mình luôn có danh sách những việc nên làm ít nhất một lần trong đời, trong đó có du lịch một mình. Du lịch không phải để tìm cái gì cả, chỉ để nhìn lại đoạn đường đã qua".
Bài đăng này hút hàng trăm người bình luận, hơn 1.000 lượt thích. Ngoài ra, còn nhiều thành viên lan tỏa tinh thần dám nghĩ, dám đi dù "tâm hồn hay ví tiền có rách".
Đơn cử như Linh Lê, với hơn 30 năm sinh sống và làm việc như một freelancer (công việc tự do) ở Hà Nội. Là người hướng nội, 9X này coi du lịch là hoạt động giúp tái tạo năng lượng, tìm đến đam mê khám phá những văn hóa mới.
"Bạn bè không còn nhiều kết nối để chia sẻ mọi điều. Tôi đặt mục tiêu mỗi năm phải đi đến một đất nước mới và ít nhất 2 chuyến đi trong nước. Áp lực cuộc sống và trách nhiệm gia đình khiến tôi kiệt sức. Tôi từng phải tự vượt qua giai đoạn trầm cảm từ khi còn là du học sinh đến khi làm mẹ ở Hà Nội", Linh Lê trải lòng.
Thực tế, xu hướng "chữa lành" còn xuất hiện trên nội dung quảng bá du lịch từ các công ty lữ hành. Việc bắt kịp xu hướng, đánh vào tâm lý khách hàng là điều cần thiết để họ có thể cạnh tranh lành mạnh, phát triển sản phẩm tiềm năng.
Ngọc Trang, chuyên viên kinh doanh tại công ty du lịch MayTrip, cho biết: "Du lịch chữa lành thực tế là cách các bạn trẻ chọn điểm đến, góc nhìn cho du lịch. Hiểu đơn giản, 'chữa lành' vẫn là đi du lịch nhưng bị gắn mác chữa lành khi hiện thực cuộc sống sau đại dịch tác động đến đời sống con người. Xu hướng sống mới là người trẻ tôn trọng, đề cao cảm xúc cá nhân hơn".
Tuy vậy, Ngọc Trang cho rằng xu hướng du lịch chữa lành cũng bộc lộ nhiều điểm tích cực hơn là bị hiểu như một trào lưu. Điển hình như sở thích đi du lịch của nhiều người Việt, họ ưa chuộng những điểm đến chất lượng và không quá đông đúc.
Du lịch chữa lành có thực sự là trào lưu mà các bạn trẻ đang theo đuổi? Có chăng là cách người trẻ sử dụng từ "chữa lành" thay cho sở thích đi du lịch.
Sinh Nhật, chủ tài khoản GowithSun, 9X lan tỏa trải nghiệm cuộc sống mới trên đảo Phú Quý (tỉnh Bình Thuận), bày tỏ quan điểm: "Du lịch chữa lành không hẳn là thấy người này đi mình cũng đi, mà bắt nguồn từ nội lực phía trong của mỗi người. Vào đúng thời điểm, du lịch hay trải nghiệm chữa lành cho con người đó sự bứt phá, tìm đến lối sống lành mạnh hơn, quay vào bên trong và sống cho bản thân mình".
Đặc biệt sau đại dịch Covid-19, phần lớn con người ưu tiên việc sống và trân trọng từng khoảnh khắc, hướng về gia đình. Sự quá tải ở những thành phố lớn đông đúc, làn sóng sa thải, tỷ lệ thất nghiệp tăng cao khiến không ít người lao động mệt mỏi.
Họ tìm cho mình những điểm đến mới để khởi nghiệp, bắt đầu cuộc sống mới. Đó là những vùng quê, núi rừng, biển đảo với không khí trong lành, chi phí sinh hoạt dễ chịu, cuộc sống bình yên.
Không phủ nhận sự phát triển của công nghệ giúp người lao động có thêm công cụ hữu ích để làm việc. Sự tiến bộ này đòi hỏi mỗi người phải học hỏi, cập nhật kiến thức để phát triển tốt trong mọi hoàn cảnh.
Đó là những áp lực mà nhiều bạn trẻ phải đối mặt. Một số tấm gương đã thành công bước đầu với cuộc sống mới tự do ở những vùng đất yên bình và truyền cảm hứng đến nhiều người khác.
Suốt 5 năm kể từ khi ra trường, Sinh Nhật đã làm việc ở 14 công ty khác nhau với nhiều vị trí mà không tìm được hướng đi. Tự cảm thấy bản thân chưa cố gắng hết mình tìm ngành nghề phù hợp, Sinh Nhật quyết định chuyển đến đảo Phú Quý sống thử một tháng.
Chủ tài khoản GowithSun đã truyền cảm hứng cho không ít bạn trẻ còn băn khoăn, chưa dám thử thoát khỏi "vùng an toàn", theo đuổi sự tự do, làm chủ thời gian với những công việc remote (làm việc từ xa).
"Tôi đã đến nhiều nơi. Mỗi lần đi, sự tự do càng tiếp thêm cho tôi năng lượng. Trở thành freelancer và quay lại đảo Phú Quý sống là quyết định táo bạo nhất cuộc đời. Tôi lên kế hoạch chi tiết và không ngờ lại gặp nhiều thuận lợi, tích cực trong công việc", Sinh Nhật chia sẻ.
Điều quan trọng nhất là sức khỏe của 9X tiến triển tích cực. "Tôi không còn ốm vặt mỗi tháng. Cơ hội hợp tác với các homestay, đơn vị du lịch cho tôi thu nhập tương đương ở thành phố. Tôi muốn ở lại đảo lâu hơn nữa để giúp đỡ người dân quảng bá du lịch", Sinh Nhật nói.
Tại đảo Phú Quý, một số bạn trẻ vẫn đang làm tốt việc quảng bá, phát triển du lịch như Mò đi lạc, Lê Na. Chia sẻ về dự định tương lai, Sinh Nhật cho biết sẽ chuyển sang đảo Lý Sơn (tỉnh Quảng Ngãi) một thời gian, hợp tác với người quen để đẩy mạnh quảng bá du lịch nơi này, giúp người dân các vùng đảo ở Việt Nam.
Mỗi người đi du lịch đều nhận về cho mình trải nghiệm, bài học riêng. Nhưng với những bạn trẻ dám thay đổi, lập nghiệp thành công ở những vùng đất mới, họ nhận lại nhiều hơn một chuyến du lịch chữa lành.
Quan trọng nhất, họ cảm nhận rõ vẻ đẹp con người, thiên nhiên đất nước mà không phải đi vì chạy theo trào lưu. Ngoài cải thiện về thể chất và tinh thần, khung trời mới ở những thành phố mới cho họ cơ hội cống hiến cho cuộc đời, làm tốt việc đóng góp cho ngành du lịch nội địa.