Kết nối giao thông tới cảng biển, sân bay được xác định nằm trong nhóm nhiệm vụ trọng tâm, khâu đột phá đặt ra cho tỉnh Bình Dương trong quy hoạch tới năm 2030, tầm nhìn 2050.
Quy hoạch tỉnh Bình Dương thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 vừa được Thủ tướng phê duyệt. Theo đó, Bình Dương được định hướng trở thành thủ phủ công nghiệp hàng đầu cả nước, có mạng lưới giao thông đồng bộ, hiện đại.
Mục tiêu tổng quát đến năm 2030, Bình Dương sẽ trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, là một trong những trung tâm phát triển năng động, toàn diện của khu vực Đông Nam Á, dẫn đầu về khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo, trung tâm công nghiệp dịch vụ hiện đại, hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội và hệ thống đô thị phát triển đồng bộ, hiện đại, thông minh, bền vững.
Tầm nhìn đến năm 2050, quy hoạch xác định việc xây dựng tỉnh trở thành trung tâm đô thị, công nghiệp, dịch vụ hiện đại, mang tầm khu vực và quốc tế, là một trong những đầu tàu thúc đẩy phát triển kinh tế quốc gia với động lực tăng trưởng chính là công nghiệp, dịch vụ, đổi mới sáng tạo, có cơ sở kinh tế vững chắc, sức cạnh tranh cao.
Một trong những nhiệm vụ trọng tâm, khâu đột phá phát triển được đặt ra là Bình Dương cần phối hợp với các chương trình phát triển của quốc gia, của vùng Đông Nam Bộ và các địa phương lân cận thực hiện mở rộng kết nối về giao thông, đặc biệt là kết nối tới cảng biển (Cái Mép - Thị Vải, Cần Giờ), cảng hàng không quốc tế (Tân Sơn Nhất, Long Thành), cửa khẩu quốc tế (Mộc Bài - Tây Ninh, Hoa Lư - Bình Phước).
Cũng theo quy hoạch, Bình Dương sẽ bố trí quỹ đất dự trữ nghiên cứu xem xét, đầu tư xây dựng cảng hàng không tại huyện Dầu Tiếng phù hợp với điều kiện và nhu cầu thực tế, diện tích khoảng 200 - 500 ha.
Vào năm 2023, tỉnh Bình Dương đã dự kiến bổ sung vào quy hoạch dự án sân bay lưỡng dụng với diện tích khoảng 200 ha. Đề xuất này nhằm xây dựng sân bay phục vụ phát triển kinh tế kết hợp đảm bảo an ninh quốc phòng trong những năm tiếp theo. Theo quy hoạch, xã Định An của huyện Dầu Tiếng là nơi bố trí đất cho kế hoạch làm sân bay lưỡng dụng. Tuy vậy, từ đó đến nay, đề xuất này mới chỉ là ý tưởng của tỉnh, chưa được thông qua.
Trước đó, UBND huyện Dầu Tiếng (Bình Dương) triển khai thực hiện công tác thu hồi đất, giải phóng mặt bằng và tái định cư phục vụ quy hoạch sân bay Dầu Tiếng trên địa bàn xã Định An (Dầu Tiếng) có diện tích khoảng 50 ha.
Trên thực tế, việc thu hồi đất được UBND tỉnh Bình Dương thực hiện từ năm 2015 với mục đích vụ quy hoạch xây dựng sân bay thực hiện nhiệm vụ quốc phòng, quy hoạch chi tiết các điểm đất doanh trại, thao trường, công trình đất quốc phòng huấn luyện chiến đấu, xây dựng doanh trại, căn cứ, kho tàng trận địa phòng thủ góp phần bảo vệ Tổ quốc.
Ngày 5/9, huyện Dầu Tiếng phê duyệt phương án và dự toán bồi thường hỗ trợ, tái định cư công trình xây dựng hạ tầng khu quy hoạch sân bay quốc phòng huyện Dầu Tiếng (giai đoạn 1).
Theo đó, công tác giải phóng mặt bằng và xây dựng rào bảo vệ khu đất quy hoạch sân bay với số tiền hơn 35 tỷ đồng, diện tích thu hồi 490.921,9 m2. Trong đó, thu hồi từ Công ty TNHH MTV Cao su Dầu Tiếng tổng diện tích đất là 443.971,4 m2; hộ gia đình, cá nhân là 46.950,5 m2.