Chính phủ cho biết dự án sân bay Long Thành trong quá trình triển khai gặp một số khó khăn khách quan, chủ quan dẫn tới cần phải điều chỉnh thời gian hoàn thành.
Trong công văn số 768/CP-CN Chính phủ gửi Quốc hội để báo cáo tiếp thu, giải trình hồ sơ điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án cảng hàng không quốc tế Long Thành, liên quan đến nguyên nhân, trách nhiệm dẫn đến việc chậm tiến độ giai đoạn 1 của dự án, Chính phủ cho biết trong quá trình triển khai gặp một số khó khăn khách quan, chủ quan dẫn tới cần phải điều chỉnh thời gian hoàn thành.
Cụ thể, thời gian thi tuyển kiến trúc nhà ga kéo dài, làm chậm quá trình chuẩn bị đầu tư. Đại dịch COVID-19 cũng ảnh hưởng đến tiến độ thiết kế kỹ thuật, đặc biệt là trong công tác huy động chuyên gia nước ngoài.
Bên cạnh đó, sau 2 lần mời thầu, Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam - ACV (chủ đầu tư dự án thành phần 3) mới lựa chọn được nhà thầu có năng lực và kinh nghiệm thực hiện gói thầu thi công xây dựng và lắp đặt thiết bị công trình nhà ga hành khách.
Theo đó, công trình nhà ga hành khách phải đến cuối năm 2025 mới hoàn thành công tác xây dựng và mất gần 1 năm để lắp đặt các thiết bị bên trong cũng như vận hành thử.
Một số công trình như trụ sở hải quan, trụ sở kiểm dịch y tế động, thực vật thuộc dự án thành phần 1 chưa được bố trí kịp thời kế hoạch vốn trung hạn.
Thêm vào đó, một số công trình dịch vụ hàng không thuộc dự án thành phần 4 do Bộ GTVT chủ trì thực hiện chậm. Nguyên nhân được cho là do lần đầu triển khai đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư nên còn lúng túng và phải sửa đổi quy định pháp luật để thực hiện.
Trước khi trình Quốc hội điều chỉnh chủ trương, Chính phủ cho biết đã chỉ đạo các bộ ngành liên quan, các chủ đầu tư dự án là Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam (VATM), ACV nghiêm túc kiểm điểm, xác định rõ nguyên nhân, trách nhiệm đối với những nội dung trên.
Nếu được Quốc hội chấp thuận kéo dài dự án, Bộ GTVT thông tin đối với dự án thành phần 1, hiện nay chủ đầu tư các công trình trụ sở cơ quan quản lý nhà nước đang tổ chức thực hiện dự án, cơ bản bảo đảm theo tiến độ hoàn thành trong năm 2026 do các công trình này có quy mô, kết cấu không phức tạp.
Đối với việc xây dựng nhà ga, ACV cũng chỉ đạo sát sao các nhà thầu phấn đấu rút ngắn tiến độ thi công xuống 3 tháng. Theo đó, từ dự kiến hoàn thành nhà ga vào ngày 30/11/2026, sẽ rút ngắn sang ngày 31/8/2026. Đối với đường băng, ACV cũng quyết tâm hoàn thành ngày 30/4/2025, thay vì 31/7/2025.
Với dự án thành phần 4, Cục Hàng không Việt Nam phát hành hồ sơ mời thầu, dự kiến hoàn thành các công trình trong quý III/2026. Các công trình này thường có kết cấu dạng lắp ghép, không quá phức tạp, có thể kiểm soát được tiến độ trong quá trình triển khai.
Về hệ thống giao thông kết nối với sân bay Long Thành, Bộ GTVT cho biết đến nay đang triển khai thi công theo đúng tiến độ (đạt khoảng 50%) và dự kiến hoàn thành vào cuối năm nay.
Trước đó, ngày 6/11, Chính phủ đã có Tờ trình số 747/CP-TTr gửi Quốc hội về điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án cảng hàng không quốc tế Long Thành.
Cụ thể, Chính phủ kiến nghị Quốc hội điều chỉnh về quy mô, thời gian thực hiện giai đoạn 1 tại khoản 6 Điều 2 của Nghị quyết số 94/2015/QH13 thành "đầu tư xây dựng 2 đường cất hạ cánh ở phía bắc và 1 nhà ga hành khách cùng các hạng mục phụ trợ đồng bộ với công suất 25 triệu hành khách/năm, 1,2 triệu tấn hàng hóa/năm, chậm nhất cuối năm 2026 hoàn thành và đưa vào khai thác".
Thực hiện điều chỉnh quy mô đầu tư giai đoạn 1 tại khoản 1 điều 1 Nghị quyết số 95/2019/QH14 thành "đầu tư xây dựng 2 đường cất hạ cánh ở phía bắc và 1 nhà ga hành khách cùng các hạng mục phụ trợ đồng bộ với công suất 25 triệu hành khách/năm, 1,2 triệu tấn hàng hóa/năm".
Chính phủ cũng kiến nghị Quốc hội cho phép Chính phủ tổ chức phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thị điều chỉnh giai đoạn 1 của dự án theo thẩm quyền mà không phải báo cáo Quốc hội thông qua.
Như vậy, ngoài việc tiến độ hoàn thành được nới đến cuối năm 2026 thay vì cuối năm 2025, dự án cảng hàng không quốc tế Long Thành giai đoạn 1 sẽ có thêm 1 đường cất hạ cánh.
Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thắng thừa uỷ quyền của Thủ tướng ký tờ trình của Chính phủ kiến nghị Quốc hội xem xét điều chỉnh 2 nội dung chủ trương đầu tư dự án. Cụ thể là đầu tư thêm đường băng số hai ở giai đoạn 1 và lùi thời gian hoàn thành dự án chậm nhất đến cuối năm 2026.