Trong nước

Vì sao dự án sân bay Sa Pa chưa có nhà đầu tư?

Thắng Nguyễn 17/09/2024 15:07

Nhiều nguyên nhân được địa phương và Hội đồng Thẩm định liên ngành đưa ra lý giải nguyên nhân dự án Cảng hàng không (sân bay) Sapa vẫn chưa có nhà đầu tư sau 4 năm được Thủ tướng phê duyệt.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư - cơ quan thường trực Hội đồng Thẩm định liên ngành, vừa có Thông báo số 72/TB - BKHĐT về kết luận cuộc họp của Hội đồng Thẩm định liên ngành, thẩm định Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi điều chỉnh dự án xây dựng Cảng hàng không Sa Pa theo phương thức đối tác công tư PPP.

Trong cuộc họp diễn ra ngày 30/8, Hội đồng Thẩm định liên ngành tập trung làm rõ các yếu tố dẫn đến việc tỉnh Lào Cai đã 2 lần mời thầu nhưng không có nhà đầu tư nào dự thầu.

Theo Luật đầu tư công tư PPP, việc không chọn được nhà đầu tư là một trong các trường hợp để điều chỉnh Báo cáo nghiên cứu khả thi của dự án.

Lý giải nguyên nhân chưa thu hút được nhà đầu tư, tỉnh Lào Cai cho rằng việc đầu tư vào hạ tầng hàng không cần số vốn rất lớn, trong khi thời gian thu hồi vốn kéo dài nên nhiều nhà đầu tư e ngại.

Đặc biệt, ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 cũng như khó khăn trong lĩnh vực bất động sản khiến các tập đoàn lớn rút gọn danh mục đầu tư của mình. Đây chính là lý do sau 2 lần mời thầu, tỉnh vẫn chưa nhận được hồ sơ nào.

pc-39-photo-min.jpg
Phố cảnh Cảng hàng không Sa Pa. Ảnh: VNBTECH.

Trước đó, ngày 7/3, Sở Giao thông Vận tải Lào Cai đã có tờ trình UBND tỉnh về việc nghiên cứu điều chỉnh bổ sung vốn nhà nước tham gia dự án từ 2.730 tỷ đồng lên 3.456,420 tỷ đồng (khoảng 50% tổng mức đầu tư).

Hội đồng Thẩm định liên ngành yêu cầu tỉnh Lào Cai tiếp tục phân tích sâu hơn nữa mối quan hệ giữa việc tăng tỷ lệ vốn nhà nước với việc không tìm được nhà đầu tư dự án.

Ngoài ra, Bộ Giao thông Vận tải đang lập Đề án xã hội hóa ngành hàng không. Hội đồng Thẩm định đề nghị tỉnh Lào Cai tiếp tục làm việc với Bộ Giao thông Vận tải để làm rõ các điều kiện cần thiết, bảo đảm tính khả thi trong việc thu hút nhà đầu tư.

Tỉnh cũng cần làm rõ thêm ngoài tỷ lệ vốn nhà nước thấp, còn có nguyên nhân nào khác dẫn đến khó khăn tìm nhà đầu tư. Ví dụ: dự kiến khung giá, phí; cơ chế đảm bảo đầu tư; cơ chế chia sẻ phần giảm doanh thu…

Hội đồng Thẩm định nhận định thời gian thu hồi vốn dự kiến 43 năm 11 tháng là quá dài, khó thu hút vốn từ các ngân hàng thương mại. Thêm nữa, dự báo nhu cầu vận tải mà tỉnh đề ra trong Báo cáo tiền khả thi là chưa thuyết phục.

Các số liệu về số hành khách đi và đến từ các đường bay khác nhau vẫn chưa được tỉnh Lào Cai làm rõ dẫn đến chưa dự báo được lưu lượng hành khách thực tế qua sân bay Sa Pa.

Gọi là sân bay Sa Pa nhưng cách thị xã Sa Pa gần 80 km. Vị trí của sân bay chưa thực sự tối ưu khi phải phân lưu với các đường cao tốc, đường sắt kết nối Lào Cai với các địa phương khác.

Mặt khác, dự án Cảng hàng không Lai Châu nếu hoàn thành đúng theo kế hoạch thì sân bay này sẽ phục vụ 500.000 lượt khách/năm vào năm 2030, đến năm 2050 là 1,5 triệu lượt khách/năm (cấp 3C theo ICAO) kết hợp với hầm đường bộ qua đèo Hoàng Liên (Ô Quy Hồ) và chia sẻ lưu lượng với Cảng hàng không Sa Pa.

Giải trình về việc này, tỉnh Lào Cai dẫn số liệu khách du lịch đi và đến địa bàn năm 2023 là 7,2 triệu lượt, dự báo đến năm 2027 đón trên 10 triệu lượt.

Do đó dự báo lượng khách di chuyển đến Sa Pa bằng hàng không vào năm 2027 đạt 1 triệu lượt là khả thi.

Ngoài ra, tỉnh Lào Cai cho biết sân bay Sa Pa sau khi đi vào hoạt động sẽ thu hút thêm lượng khách lớn từ vùng tây nam Trung Quốc với dân số 300 triệu dân.

Dự án hầm đường bộ qua đèo Hoàng Liên sẽ chỉ làm tăng lưu lượng giao thông qua địa bàn tỉnh và không gây ảnh hưởng tới lượng hành khách đi và đến sân bay Sa Pa.

Ngoài việc tìm ra và giải quyết vấn đề khiến dự án Cảng hàng không Sa Pa chưa có nhà đầu tư, Hội đồng Thẩm định cũng tập trung làm rõ các vấn đề liên quan tới giải phóng mặt bằng, các chỉ tiêu tài chính, thời gian xây dựng, chuyển giao các công trình quản lý bay và chuyển giao các công trình thu phí di chuyển từ cao tốc Nội Bài - Lào Cai ra vào sân bay.

Chủ trương đầu tư dự án Cảng hàng không Sa Pa được Thủ tướng phê duyệt ngày 21/10/2021 với tổng mức đầu tư 6.948 tỷ đồng theo hình thức đối tác công tư (PPP).

Ban đầu Sở Giao thông Vận tải Lào Cai là đơn vị mời thầu và ký kết hợp đồng dự án. Trong năm 2022, Sở phát hành hồ sơ mời thầu 2 lần: lần 1 từ ngày 21/5 đến ngày 25/7; lần 2 từ ngày 29/9 đến ngày 20/12. Cả hai lần phát hành hồ sơ đều không có nhà đầu tư dự thầu.

Theo Hội đồng Thẩm định liên ngành, khi khảo sát sự quan tâm của nhà đầu tư, có 2 nhà đầu tư quan tâm là Công ty TNHH Dịch vụ du lịch cáp treo Fansipan Sa Pa (thuộc Tập đoàn Sun Group) và Công ty cổ phần Tập đoàn T&T. Tuy nhiên, sau 2 lần phát hành hồ sơ mời thầu lại không có bất kỳ đơn vị nào nộp hồ sơ dự thầu.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Vì sao dự án sân bay Sa Pa chưa có nhà đầu tư?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO