Lịch nghỉ Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025 kéo dài, nhiều hành khách thay đổi kế hoạch, tăng nhu cầu về quê và du lịch, đẩy lượng bán vé máy bay Tết tăng vọt.
Tại văn bản số 8726 ngày 26/11 của Văn phòng Chính phủ truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Phạm Minh Chính về việc nghỉ Tết âm lịch và một số dịp nghỉ lễ trong năm 2025. Theo đó, xét đề nghị của Bộ Lao động - Thương binh - Xã hội, Thủ tướng đồng ý với đề xuất của Bộ này tại các văn bản nêu trên về việc nghỉ Tết âm lịch, nghỉ lễ Quốc khánh và hoán đổi ngày làm việc dịp nghỉ lễ 30/4 và 1/5/2025.
Cụ thể với lịch nghỉ Tết âm lịch, công chức, viên chức, người lao động thuộc các cơ quan hành chính, sự nghiệp, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, doanh nghiệp sẽ được nghỉ 9 ngày từ ngày 25/1 đến hết 2/2/2025 (26 tháng Chạp đến hết mùng 5 tháng Giêng).
Như mọi năm, gia đình chị Minh Châu (trú tại quận 4, TP.HCM) ung dung chờ tới sát Tết mới lên mạng tìm mua vé máy bay về quê ở Đà Nẵng, vì cho rằng vé Tết mua sớm hay muộn giá cũng cao như nhau và sẽ luôn còn chỗ.
Thế nhưng cách đây một tuần, chị tá hỏa khi đảo qua đảo lại website của các hãng bay để đặt chỗ chuyến bay chặng TP.HCM - Đà Nẵng ngày 26/1/2025 (tức 27 tháng Chạp âm lịch). Dù nỗ lực tìm kiếm nhưng vẫn khó mua được vé hạng phổ thông khi các hãng thông báo hết loại vé này, chỉ còn vé thương gia.
"Hạng thương gia giá chạm ngưỡng 5-6 triệu đồng/chặng. Tổng chi phí cả đi và về cho cả nhà là hơn 35 triệu đồng, gần bằng 2 tháng lương của hai vợ chồng tôi. Nếu chọn bay muộn hơn một ngày, giá vé phổ thông giảm xuống còn 2,6 triệu đồng/người, nhưng vẫn gấp đôi so với ngày thường", chị Châu cho biết.
Còn chặng TP.HCM - Chu Lai khi xem giá vé hôm 6/12, chị Vân Anh (trú tại quận 7, TP.HCM) cho biết ngày 25/1/2025 (26 tháng Chạp) cũng "cháy vé" khi tất cả các ngày 24-27/1/2025 đều không còn chuyến bay. Nếu chọn từ ngày 24 âm lịch, chị Vân Anh cũng chỉ còn một sự lựa chọn là đi vé hạng thương gia của Vietnam Airlines với giá gần 5 triệu đồng/chiều.
Để tối ưu chi phí đi lại, chị Vân Anh quyết định cách bay về Đà Nẵng với mức giá thấp nhất gần 2,5 triệu đồng/chiều. Sau đó, gia đình sẽ mất thêm vài trăm nghìn tiền thuê taxi từ sân bay Đà Nẵng về Quảng Ngãi.
"Năm trước vợ chồng tôi đã ở lại TP.HCM đón Tết rồi vì vé máy bay quá đắt đỏ. Năm nay tôi cũng phân vân nhưng có thêm thông tin Tết nghỉ dài ngày hơn nên quyết định về. Cứ dịp được nghỉ thì vé máy bay, chi phí di chuyển lại đắt đỏ nên bài toán kinh tế phải cân nhắc từng tí một", chị Vân Anh chia sẻ.
Tương tự, chặng bay TP.HCM - Thanh Hóa, hành khách muốn bay thẳng cũng không còn nhiều lựa chọn vì các chuyến bay ngày 26/12 âm lịch đã hết sạch chỗ. Các ngày 25, 27 tháng Chạp chỉ có hãng Vietnam Airlines còn ghế trống ở hạng thương gia, giá hơn 6 triệu đồng/chiều. Nếu đi ngày 28, 29 tháng Chạp (cận Tết) thì sẽ có thêm lựa chọn từ hãng Vietjet Air và Bamboo Airways, giá vé thấp nhất gần 3,5 triệu đồng/chiều, bay đêm.
Nhìn chung, giá vé máy bay chiều từ TP.HCM đi các tỉnh miền Bắc như Hà Nội, Hải Phòng, Nghệ An... vào dịp Tết dao động từ 3,7-3,9 triệu đồng/vé trước Tết. Với chiều ngược lại, sau Tết chỉ còn từ 1,1 - 1,2 triệu đồng/vé. Sự "lệch đầu" này khiến giá vé chiều về quê tăng vọt, tạo thêm áp lực lớn cho người lao động, đặc biệt là những người có thu nhập thấp.
Theo ghi nhận của các hãng hàng không, mặc dù nhịp bán vé Tết Nguyên đán 2025 không "nóng" từ những ngày đầu mở bán nhưng đến hết tháng 11, số lượng hành khách đã tăng đều mỗi ngày và cao hơn nhiều so với thời điểm đầu tháng 9.
Vẫn như truyền thống hàng năm, hành khách tập trung mua vé trên các chặng từ miền Nam ra các tỉnh thành miền Bắc, miền Trung và Tây Nguyên chiều trước tết và ngược lại sau Tết.
Chia sẻ với Opensky, đại diện hãng hàng không Vietnam Airlines cho biết hệ số đầy chỗ trung bình trên nhiều chuyến bay của hãng đã đạt 70-80%, có một số chuyến vào giờ tốt đã gần đầy chỗ.
Năm nay, hãng ghi nhận xu hướng mới khi nhiều chuyến bay từ miền Bắc vào miền Trung và miền Nam được nhiều khách hàng lựa chọn, đặc biệt là đối tượng khách hàng trẻ cùng các gia đình khi tranh thủ đi nghỉ lễ.
Theo chúng tôi, xu hướng hành khách mua vé Tết thời gian qua tăng lên nhanh là do Chính phủ đã chính thức quyết định số ngày nghỉ Tết dài, người dân chốt được thời gian nên tranh thủ đặt chỗ luôn để có ngày giờ bay như ý muốn.
Đại diện Vietnam Airlines
Mới đây, hãng hàng không quốc gia đã nhận liên tục các tàu bay mới gồm 1 chiếc Boeing 787-10 và 1 tàu bay Airbus A320neo ngày 7-8/12. Dự kiến cuối tháng 12, Vietnam Airlines sẽ tiếp tục nhận thêm một chiếc Airbus A320neo nữa. Các máy bay này cung ứng hơn 100.000 chỗ cho dịp cao điểm Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025, đồng thời giúp nâng tổng số máy bay của hãng lên 103 chiếc trong năm nay.
Phía Vietjet Air cũng đang tiếp tục sắp xếp tàu bay, nhân sự, đánh giá để mở thêm các chuyến bay trên một số chặng bay nhằm đáp ứng nhu cầu của người dân và du khách. Theo đại diện hãng, tính đến thời điểm hiện tại, hãng đã bán ra gần 1 triệu vé máy bay Tết trên tổng số hơn 2,6 triệu vé đã mở bán sớm từ đầu tháng 9.
Trong giai đoạn cao điểm di chuyển trước và sau Tết, các chặng bay khởi hành từ TP.HCM đi Hà Nội, Thanh Hóa, Hải Phòng, Vinh, Đà Nẵng, Chu Lai, Đồng Hới, Huế hiện ghi nhận lượng khách đặt cao nhất. Các chuyến bay trong thời gian đầu và cuối kỳ nghỉ Tết cũng là những ngày cao điểm nhất thì hầu như không còn chỗ.
Tương tự, tính đến thời điểm hiện tại, Vietravel Airlines ghi nhận đã bán hơn 70% số ghế trong giai đoạn cao điểm Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025. Trong đó, các chặng bay có lượng khách đặt vé cao nhất là TP.HCM - Quy Nhơn (đạt hơn 90%), TP.HCM - Đà Nẵng (hơn 65%), TP.HCM - Hà Nội (hơn 60%).
Lãnh đạo Vietravel Airlines đánh giá sức mua vé Tết Nguyên đán 2025 chậm hơn mọi năm, nguyên nhân có thể do tình hình kinh tế khó khăn và tâm lý khách hàng đợi thêm thời gian để giá vé giảm.
Tuy nhiên, Vietravel Airlines dự đoán nhu cầu đi lại dịp tết vẫn cao và số lượng mua vé sát ngày sẽ tăng trưởng tốt, một phần đến từ việc thời gian nghỉ tết của người lao động kéo dài đến 9 ngày. Do đó, hãng dự kiến sẽ tăng tải thêm một số chuyến bay trên đường bay TP.HCM - Hà Nội và TP.HCM - Đà Nẵng để đáp ứng được tối đa nhu cầu di chuyển của khách hàng.
Dự báo sản lượng hành khách tăng trong giai đoạn cao điểm Tết sắp tới, ngành hàng không đã và đang xây dựng kế hoạch để chủ động phục vụ. Trong đó, việc tăng cường bay đêm được đánh giá là một trong những giải pháp hữu hiệu, phát huy tác dụng giảm ùn tắc sân bay trong các dịp cao điểm gần đây.
Do đó, nhà chức trách hàng không Việt Nam tiếp tục áp dụng giải pháp này để góp phần giảm tải hành khách trong các khung giờ cao điểm, hạn chế tình trạng quá tải nhà ga trong cao điểm Tết Nguyên đán 2025.
Cụ thể, nhằm phục vụ nhu cầu đi lại của người dân trong dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025, từ ngày 14/1/2025 đến hết ngày 12/2/2025, Cục Hàng không yêu cầu Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV), Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam (VATM) chỉ đạo các đơn vị chủ động bố trí nguồn lực, phối hợp với các hãng hàng không và đơn vị liên quan triển khai phương án khai thác bay đêm từ 0-24 giờ hàng ngày tại các sân bay Thọ Xuân, Đồng Hới, Chu Lai, Phù Cát, Pleiku và Tuy Hòa.
Đại diện Cục Hàng không cũng thông tin nhằm đáp ứng kế hoạch khai thác của các hãng hàng không dịp cao điểm Tết, Cục đã triển khai công tác chuẩn bị như tạo điều kiện cho các hãng hàng không bổ sung đội tàu bay, điều chỉnh tham số điều phối giờ hạ, cất cánh cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất (từ ngày 14/1/2025 đến ngày 12/2/2025) lên mức tối đa 46 chuyến/giờ trong khung giờ cao điểm 5-23h55.
Ngoài việc tăng cường số lượng chuyến bay, ngành hàng không còn áp dụng các giải pháp công nghệ để tối ưu hóa vận hành. Tại các sân bay lớn như Tân Sơn Nhất, Nội Bài và Đà Nẵng, hệ thống phối hợp ra quyết định A-CDM (Airport Collaborative Decision Making) đã được triển khai.
Quy trình này cho phép các đơn vị liên quan chia sẻ thông tin và phối hợp điều phối, giúp giảm thiểu tình trạng chậm chuyến, tăng tỷ lệ chuyến bay đúng giờ và ứng phó linh hoạt trong các tình huống bất thường như thời tiết xấu hoặc máy bay về trễ.
Các sân bay lớn cũng đưa vào vận hành hệ thống thu phí không dùng tiền mặt tại cổng ra vào. Công nghệ RFID và camera nhận diện biển số giúp giảm thời gian chờ, hạn chế ùn tắc, đặc biệt vào những ngày cao điểm.
Nhà chức trách hàng không cũng chỉ đạo các đơn vị phục vụ trong dây chuyền vận tải hàng không xây dựng kế hoạch, chuẩn bị nguồn lực, sẵn sàng phục vụ các khung giờ đêm.
Thời gian tới, Cục Hàng không sẽ tổ chức theo dõi tình hình đặt giữ chỗ, giá vé máy bay trên các đường bay nội địa để kịp thời chỉ đạo các hãng hàng không bổ sung tải cung ứng trên các đường bay có nhu cầu cao, đáp ứng nhu cầu của hành khách trong dịp cao điểm Tết Nguyên đán.
Chia sẻ với Opensky, lãnh đạo Cục Hàng không Việt Nam cho biết để đẩy nhanh tiến độ thuê, nhận tàu của các hãng, Cục luôn tạo điều kiện tối đa cho các hãng như các thủ tục bàn giao, chuyển đổi quốc tịch tàu bay... được xử lý nhanh nhất có thể để sớm đưa vào khai thác. Bên cạnh đó, để tối ưu nhất trong việc sử dụng đội tàu bay, nhà chức trách hàng không cho phép các hãng được chủ động, linh hoạt trong việc thu xếp lịch bay đặc biệt trong dịp Tết.
"Ngoài công tác về giám sát an toàn, giám sát kỹ thuật, Cục sẽ tăng cường để đảm bảo đội tàu bay khi vào dịp cao điểm Tết sẵn sàng phục vụ, không để bất kỳ tàu bay nào nằm sân. Các chương trình bảo dưỡng tàu bay cần thời gian nên Cục đã yêu cầu các hãng bố trí làm trong giai đoạn trước Tết để kiện toàn toàn bộ tàu bay được khai thác", lãnh đạo Cục thông tin.