Tin tức

Nhà Trắng can thiệp sau làn sóng đình công ở Boeing

Nguyệt Quỳnh 14/09/2024 15:55

Ông lớn sản xuất tàu bay Mỹ và công đoàn IAM sẽ quay lại đàm phán vào đầu tuần tới nhằm giải quyết vấn đề lương, nguyên nhân khiến hơn 33.000 công nhân đình công tại Boeing.

https-cloudfront-us-east-2.images.arcpublishing.com-reuters-wszzpy3obvpvln2z4qtxtefcme(2).jpg
Công nhân nhà máy Boeing trong ngày đầu tiên của cuộc đình công, gần lối vào của một cơ sở sản xuất ở Renton (bang Washington, Mỹ) ngày 13/9. Ảnh: Reuters.

Cơ quan Trung gian và Hòa giải Liên bang Mỹ cho biết Boeing và công đoàn Hiệp hội thợ máy và nhân viên hàng không quốc tế (IAM) sẽ quay lại đàm phán vào đầu tuần tới, nhằm giải quyết tình trạng công nhân đình công tại nhà sản xuất máy bay này.

"Các bên sẽ nối lại các cuộc họp vào đầu tuần tới", cơ quan này cho biết trong một tuyên bố chưa đầy một ngày sau khi cuộc đình công nổ ra.

Giám đốc tài chính Boeing Brian West cho biết công ty muốn quay lại bàn đàm phán vì việc công nhân đình công sẽ khiến nhà sản xuất máy bay này gặp khó khăn hơn trong việc đạt được mục tiêu sản xuất tàu bay 737 MAX và ổn định chuỗi cung ứng. Công đoàn IAM cũng mong muốn trở lại bàn đàm phán càng nhanh càng tốt.

Trước đó, ngày 13/9, hơn 30.000 thành viên của công đoàn nhà máy Boeing ở Seattle và Portland (Mỹ) đã bỏ phiếu đưa ra quyết định về thỏa thuận hợp đồng mới với Boeing sau 16 năm. 94,6% công nhân tham gia bỏ phiếu từ chối lời đề nghị của Boeing và 96% ủng hộ đình công.

Đây là những người sản xuất dòng tàu bay 737 MAX bán chạy nhất của Boeing và các máy bay phản lực khác.

Theo Reuters, công nhân đình công do CEO mới của Boeing Kelly Ortberg đưa ra thỏa thuận tăng lương 25% trong 4 năm, thấp hơn nhiều so với mức 40% mà công nhân yêu cầu. Họ cũng đấu tranh nhằm lấy lại khoản thưởng hàng năm bị cắt.

"Tôi sẵn sàng đình công trong 2 tháng hoặc thậm chí lâu hơn. Hãy tiếp tục miễn là chúng ta có được những gì chúng ta xứng đáng", James Mann, 26 tuổi, làm việc ở bộ phận cánh máy bay cho biết.

Người phát ngôn Nhà Trắng Robyn Patterson cho biết chính quyền của Tổng thống Mỹ Joe Biden đã liên lạc với cả hai bên, kêu gọi họ "đàm phán một cách thiện chí, hướng tới một thỏa thuận mang lại cho nhân viên những lợi ích mà họ xứng đáng được hưởng và giúp công ty trở nên mạnh mẽ hơn".

https-cloudfront-us-east-2.images.arcpublishing.com-reuters-nmhc5lgt6zocfjnir5od6tlwqm.jpg
Đây là đợt đình công lớn nhất của Boeing từ 2008, diễn ra trong bối cảnh Boeing gặp sức ép từ cơ quan quản lý Mỹ và khách hàng sau sự cố bung tấm bịt cửa 737 MAX hồi tháng 1. Ảnh: Reuters.

Cuộc đình công nêu trên sẽ gây áp lực, buộc nhà sản xuất máy bay phải đưa ra các điều khoản ưu đãi hơn và là đòn giáng mới vào Boeing khi hãng này đang cố gắng nâng cao chất lượng sau những bê bối trong quy trình sản xuất.

Ông Kelly Ortberg chia sẻ trước cuộc bỏ phiếu của công đoàn rằng một cuộc đình công sẽ khiến quá trình phục hồi chung của hãng bị đe dọa, làm xói mòn thêm lòng tin của khách hàng và suy giảm triển vọng của tập đoàn trong tương lai.

Một cuộc đình công kéo dài không chỉ ảnh hưởng đến tình hình tài chính của Boeing, mà còn ảnh hưởng đến các hãng hàng không phụ thuộc vào dòng máy bay phản lực của Boeing, cũng như các nhà cung cấp phụ tùng và linh kiện cho các máy bay của tập đoàn, theo Reuters.

Cuộc đình công gần đây nhất của công nhân Boeing vào năm 2008 khiến nhà máy phải đóng cửa gần 2 tháng và gây thiệt hại doanh thu ước tính 100 triệu USD/ngày.

Theo Reuters
Copy Link
(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Nhà Trắng can thiệp sau làn sóng đình công ở Boeing
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO