Dù đạt được thỏa thuận sơ bộ mới với nghiệp đoàn lao động về việc tăng lương, Boeing vẫn có thể đối mặt với một cuộc đình công quy mô lớn tại Mỹ.
Trong thông báo chung ngày 8/9, tập đoàn sản xuất máy bay Boeing và Hiệp hội thợ máy và nhân viên hàng không quốc tế (IAM), đại diện cho hơn 30.000 nhân viên đã nhất trí về việc tăng lương 25% trong suốt thời hạn 4 năm của hợp đồng lao động.
Các nội dung quan trọng khác bao gồm giảm gánh nặng của chi phí chăm sóc sức khỏe đối với nhân viên, giảm thời gian làm thêm giờ bắt buộc, cho phép nghỉ thai sản nguyên lương trong 12 tuần. Thỏa thuận này sẽ phải chờ các nhân viên của Boeing thông qua.
Trả lời phỏng vấn Bloomberg, Chủ tịch công đoàn IAM District 751 Jon Holden coi đây là “thỏa thuận tốt nhất từng có” nhờ vào sự đoàn kết, thống nhất của nghiệp đoàn, đồng thời tiết lộ thỏa thuận này vẫn chưa thể làm nguôi ngoai sự phẫn nộ của người lao động đối với Boeing về thỏa thuận năm 2014, thứ tăng chi phí chăm sóc sức khỏe và cắt giảm lương hưu.
“Chúng tôi đã đạt được nhiều nhất có thể trong quá trình thương lượng tập thể, trừ một cuộc đình công. Nhưng đúng là như vậy, các thành viên đang tức giận. Bây giờ, mọi thứ đang nằm trong tay họ”, ông Holden nói.
Trong khi các nhà đầu tư vào Boeing hoan nghênh thỏa thuận sơ bộ - khiến cổ phiếu tập đoàn tăng 3,4% hôm 9/9 - vẫn chưa chắc chắn rằng IAM, liên đoàn gồm 33.000 thành viên sẽ chấp nhận lời đề nghị này. Duy trì hòa bình lao động và ngăn chặn một cuộc đình công kéo dài là rất quan trọng đối với nỗ lực của Boeing nhằm cải thiện chất lượng công việc tại các nhà máy của mình sau nhiều năm hỗn loạn.
Việc tăng lương 25% trong 4 năm hợp đồng mà Boeing đưa ra thấp hơn mức yêu cầu ban đầu là 40% của nghiệp đoàn. Đề nghị của Boeing cũng loại bỏ khoản tiền thưởng năng suất cho các thành viên IAM khiến công nhân phẫn nộ.
Holden thừa nhận nhóm của ông đã tập trung vào mức lương được đảm bảo vì các thành viên coi đó là ưu tiên hàng đầu trong các cuộc đàm phán với Boeing trong vòng 2 năm qua. “Tôi hiểu sự thất vọng khi không có tiền thưởng hàng năm”, ông nói thêm.
Các thành viên của IAM sẽ bỏ phiếu vào 12/9 về việc có chấp nhận thỏa thuận cũng như tổ chức đình công hay không.
“Các công nhân chưa có cơ hội đàm phán bất cứ thỏa thuận nào kể từ năm 2008 nên kỳ vọng của họ sẽ rất cao. Nhưng Boeing hiện đang ở trong tình thế rất dễ bị tổn thương và thỏa thuận sơ bộ có lẽ là mức độ hào phóng nhất mà họ có thể làm”, Leon Grunberg, giảng viên danh dự về xã hội học tại Đại học Puget Sound (Mỹ) cho Bloomberg biết.
Các tờ rơi được phát xung quanh nhà máy Everett (bang Washington, Mỹ) của Boeing vào hôm 9/9 đã kêu gọi công nhân từ chối “thỏa thuận tồi tệ này” và yêu cầu nghiệp đoàn lao động phải đấu tranh để tăng lương 40%. “Hãy kiên cường lên. Chúng ta xứng đáng có một thỏa thuận công bằng”, một đoạn tờ rơi viết.
Từ tiểu bang Bắc Carolina đến Idaho, các cuộc đình công đang được chuẩn bị. Trên các diễn đàn trực tuyến, hàng trăm nhân viên Boeing đã trút cơn thịnh nộ của mình bằng những lời lẽ gay gắt về thỏa thuận được cho là không đủ để cải thiện tình hình tài chính của họ.
Holden cho biết ông đã quyết định khuyến nghị các thành viên IAM chấp nhận những đề xuất của Boeing vì khó thể đảm bảo rằng một cuộc đình công sẽ tạo ra một thỏa thuận tốt hơn.
“Thật vô trách nhiệm khi kêu gọi mọi người đình công vì một điều mà tôi không chắc chúng ta có thể hoàn thành được. Hãy nghĩ đến gánh nặng của 33.000 gia đình”, ông nói.
Các chuyên gia nhận định Boeing hiện là trụ cột trong nền kinh tế Mỹ và việc đình công sẽ gây ảnh hưởng lớn. Nếu bị đóng cửa, Boeing ước tính tác động kinh tế có thể lên đến 79 tỷ USD khi tập đoàn này hiện hỗ trợ 1,6 triệu việc làm trực tiếp và gián tiếp tại hơn 9.900 nhà cung cấp trải rộng trên tất cả 50 tiểu bang của Mỹ.
Quan trọng hơn, Boeing còn là một trong hai nhà cung cấp chính về máy bay thương mại cho ngành hàng không. Ngành công nghiệp này đang phải đối mặt với khủng hoảng về chuỗi cung ứng với việc giao hàng chậm trễ của Boeing. Tình trạng này sẽ không thể cải thiện cho đến khi Boeing giải quyết được những vấn đề về an toàn và chất lượng của máy bay.
Trước đó vào tháng 7, cựu Tổng giám đốc điều hành (CEO) của Boeing Dave Calhoun từng tuyên bố tập đoàn sẽ không để cho cuộc đình công xảy ra, và "sẵn sàng chi trả bất cứ giá nào để duy trì hoạt động của công ty”.
“Chúng tôi biết mức lương yêu cầu sẽ rất lớn. Chúng tôi không ngại đối xử tốt với nhân viên của mình trong quá trình này. Vì vậy, tôi nghĩ Boeing sẽ làm việc chăm chỉ nhất có thể để không xảy ra đình công”, ông Calhoun cho hay.
Theo CNN, Boeing khẳng định tiền lương của các thành viên IAM đã tăng 60% trong 10 năm qua do tăng lương chung, điều chỉnh chi phí sinh hoạt và tiền thưởng khuyến khích.
Tuy nhiên, nghiệp đoàn này vẫn bất bình về những nhượng bộ trước đó. IAM cũng đang tìm kiếm thời gian nghỉ ngơi được cải thiện và đảm bảo việc làm tốt hơn để không phải đối mặt với mối đe dọa mất việc.
Boeing ngày 31/7 đã bổ nhiệm ông Kelly Ortberg làm Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc điều hành mới. Vị lãnh đạo được mô tả là “chiến binh kỳ cựu ngành hàng không vũ trụ” sẽ nhận nhiệm vụ vực dậy một nhà sản xuất máy bay gặp nhiều vấn đề pháp lý, cũng như củng cố mối quan hệ trong ngành, mối quan hệ với nhân viên và với các hãng hàng không đối tác.
Trong cuộc gặp người đứng đầu IAM District 751 Jon Holden và lãnh đạo các nghiệp đoàn khác hồi đầu tháng 8, ông Ortberg đã tuyên bố muốn thiết lập lại mối quan hệ giữa Boeing và các nghiệp đoàn lao động.
Vị CEO mới phần lớn không tham gia vào các cuộc đàm phán thỏa thuận với IAM nhưng ông đã tham gia một cuộc họp ngắn vào 7/9, cân nhắc về “an ninh việc làm”, một vấn mà các nhà lãnh đạo nghiệp đoàn lao động đang thúc đẩy Boeing cam kết.